France lockdown - people walking by closed restaurant in Paris

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các cửa hàng không thiết yếu và tiệm ăn sẽ phải đóng cửa

Pháp bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, khi phải đối mặt với sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 nặng, có nguy cơ làm bệnh viện quá tải.

Tất cả trường học và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trong bốn tuần và lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng.

Hôm thứ Sáu, số bệnh nhân Covid bị nặng trong các phòng cấp cứu (ICU) tăng thêm 145 người- mức tăng lớn nhất trong 5 tháng.

Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ có thêm giường bệnh cho bệnh nhân Covid.

Pháp hiện đang phải đối phó với đỉnh điểm của khoảng 5.000 bệnh nhân Covid trong các phòng cấp cứu. Hôm thứ Sáu, cả nước ghi nhận 46.677 ca nhiễm mới và 304 tử vong.

Cùng với những hạn chế có hiệu lực hôm thứ Bảy, kể từ thứ Ba, dân Pháp cũng sẽ cần có lý do chính đáng khi đi xa khỏi nhà hơn 10 km.

Tổng thống Macron đã hy vọng sẽ kiểm soát được số ca nhiễm virus corona mà không phải áp đặt thêm một đợt phong tỏa nào nữa.

Tuy nhiên, quốc gia này đã phải vật lộn với sự chậm trễ của toàn EU trong việc triển khai vaccine, cũng như một số chủng virus mới.

Phần còn lại của Châu Âu thì sao?

Tại Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier kêu gọi mọi người đóng góp phần mình và ghi danh chích ngừa.

Phát biểu trên truyền hình toàn quốc hôm thứ Bảy, ông nói rằng nước Pháp đang ở giữa làn sóng thứ ba và phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn.

Ông cũng thừa nhận đã có những sai lầm - đặc biệt là trong quá trình xét nghiệm và triển khai vaccine - và nói về việc có một "cuộc khủng hoảng lòng tin" trong nước.

"Tất nhiên, không có phép màu nào giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch," Tổng thống Steinmeier nói. "Và đó là lý do tại sao tranh cãi chính trị cần thiết - nhưng tranh cãi không được tự nó trở thành cứu cánh.''

"Cho dẫu đó là tranh cãi cấp liên bang hay tiểu bang, đảng phái hay liên minh, hoặc mức ủng hộ tăng hay giảm từ các cuộc thăm dò ý kiến - không điều nào có thể đóng vai trò chính trong lúc này.''

"Chúng ta cần sự rõ ràng và quyết tâm, chúng ta cần những quy định dễ hiểu và thực dụng để mọi người biết mà tuân theo, để đất nước này một lần nữa có thể đạt được tiềm năng của mình."

Tháng trước, giới chức Đức thông báo nước này sẽ bị phong tỏa vào lễ Phục sinh - chỉ để đảo ngược quyết định đó vài ngày sau.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi kế hoạch phong tỏa từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 4 là một "sai lầm", đồng thời nói bà nhận "trách nhiệm tối hậu" cho hành động đảo ngược này.

Ý cũng đã bắt đầu cuộc phong tỏa ba ngày nghiêm ngặt hôm thứ Bảy để tìm cách ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 vào cuối tuần lễ Phục sinh.

Tất cả các khu vực hiện đều nằm trong "vùng đỏ" - cấp hạn chế cao nhất - vì toàn quốc ghi nhận khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Di chuyển không thiết yếu đã bị cấm, nhưng mọi người được phép dùng bữa ăn Phục sinh trong nhà cùng với hai người khác. Nhà thờ cũng mở cửa, nhưng người đi lễ đang được yêu cầu dự lễ trong khu vực mình ở.

Vào hôm Chủ nhật, đây là lần thứ hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đưa ra thông điệp Phục sinh tại Quảng trường St Peter's trống rỗng.

Các khu vực khác nhau sau đó sẽ phải tuân theo hạn chế cho "vùng màu cam" hoặc "vùng màu đỏ" cho đến cuối tháng.

Chính phủ Ý cũng thông báo họ đang phối trí thêm 70.000 cảnh sát trên toàn quốc, để theo dõi việc thực thi các quy tắc phong tỏa.

"Đây không phải là lúc chúng ta mất đề cao cảnh giác và lơi là tinh thần trách nhiệm đã được thể hiện cho đến nay", Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese nói với tờ Il Messnticro. "Bởi vì thành quả được ghi nhận từ chiến dịch vaccine cuối cùng đã cho ta thoáng thấy được một chân trời khác, đang cho phép chúng ta dần dần trở lại bình thường."

Tình hình chủng ngừa ở Châu Âu

Hôm thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích việc triển khai vaccine "chậm đến mức không thể chấp nhận được" của châu Âu, nói tình hình trong khu vực hiện còn tồi tệ hơn so với vài tháng trước.

"Vaccine là cách tốt nhất cho chúng ta thoát khỏi đại dịch... Tuy nhiên, việc triển khai các vaccine này chậm đến mức không thể chấp nhận được," Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Hans Kluge, nói trong một tuyên bố.

"Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chủng ngừa bằng cách tăng cường sản xuất, giảm bớt các rào cản trong việc quản lý vaccine và tận dụng từng lọ thuốc mà chúng ta có trong kho, ngay bây giờ."

Trong khi đó, ngày nào tỷ lệ chích vaccine vẫn còn thấp, ông nói các nước EU sẽ phải phong tỏa và áp dụng các biện pháp khác để bù đắp cho sự chậm trễ.

Theo WHO, chỉ 10% trong số gần 900 triệu người trong khu vực được tiêm một liều vaccine chống virus corona.