Hỗn loạn hậu đảo chính Myanmar ngày một leo thang

Thứ Hai, 29 Tháng Ba 202112:14 CH(Xem: 3301)
Hỗn loạn hậu đảo chính Myanmar ngày một leo thang

Tình hình hỗn loạn ở Myanmar sau cuộc đảo chính chưa có dấu hiệu chấm dứt, khi biểu tình vẫn sục sôi và ngày càng nhiều người thương vong.

Gần hai tháng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, số người chết vẫn không ngừng tăng. Quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình tại hơn 40 địa điểm khắp cả nước hôm 27/3, chủ yếu ở Mandalay và Yangon, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).

Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 107 người biểu tình Myanmar, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng trong ngày này và con số sẽ còn tăng thêm. Hãng tin Myanmar Now đưa tin ít nhất 114 người biểu tình đã thiệt mạng trên khắp Myanmar trong ngày 27/3, ngày kỷ niệm của lực lượng vũ trang nước này.

Thêm 12 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar hôm 28/3, nâng số thường chết từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2 lên 459 người, theo AAPP. Lực lượng an ninh Myanmar cũng được báo cáo đã nổ súng vào đám tang một người biểu tình ở thành phố Bago, gần Yangon, hôm 28/3.

Trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ cuối tuần qua, trong đó có vài đứa trẻ 13 tuổi và một đứa bé 5 tuổi. Nhân chứng và những người sống sót đã kể lại cảnh tượng lực lượng an ninh xả súng vào các khu dân cư đông đúc ở các thành phố lớn như Yangon và Mandalay.

Trong khi đó, truyền thông cho biết các tướng lĩnh Myanmar dường như đã tổ chức tiệc mừng Ngày Lực lượng Vũ trang hôm 27/3, khi biểu tình đẫm máu đang diễn ra. "Khi bầu trời đêm ở thủ đô Napyidaw rực sáng với màn trình diễn máy bay không người lái của lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, binh lính của ông đã thiêu sống một người bán đồ ăn vặt ở Mandalay", bài viết trên Guardian hôm 28/3 có đoạn. "Một nhân chứng cho biết người đàn ông đã la hét gọi mẹ khi ngọn lửa bao trùm người anh ta".

Người biểu tình bỏ chạy tán loạn trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh tại Yangon hôm 19/3. Ảnh: AFP.

Người biểu tình bỏ chạy tán loạn trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh tại Yangon hôm 19/3. Ảnh: AFP.

Myanmar đã rơi vào tình cảnh hỗn loạn khi biểu tình gần như diễn ra hàng ngày sau cuộc đảo chính hôm 1/2, khiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính phủ dân sự bị bắt và chấm dứt thời kỳ chuyển đổi dân chủ trong một thập kỷ qua.

Làn sóng lên án đảo chính của cộng đồng quốc tế ngày càng mạnh mẽ và lan rộng. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng của hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản đã ra tuyên bố chỉ trích cuộc trấn áp biểu tình đẫm máu cuối tuần qua của quân đội Myanmar.

"Chúng tôi kêu gọi Lực lượng Vũ trang Myanmar dừng ngay bạo lực và nỗ lực khôi phục sự tôn trọng, tín nhiệm đối với người dân Myanmar đã bị mất sau hàng loạt hành động của họ", tuyên bố cho hay.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab mô tả cuộc trấn áp đẫm máu hôm 27/3 đã đẩy quân đội Myanmar xuống "mức thấp mới", trong khi Liên minh châu Âu (EU) coi đó là "điều không thể chấp nhận".

Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, kêu gọi Hội đồng Bảo an họp khẩn và quốc tế phối hợp hành động để trừng phạt quân đội quốc gia Đông Nam Á, bao gồm các biện pháp hạn chế khả năng thâu tóm lĩnh vực dầu khí của quan chức cấp cao, cũng như việc mua vũ khí để sử dụng chống lại dân thường.

"Những lời lẽ lên án hoặc quan ngại hoàn toàn không mang lại giá trị cho những người dân Myanmar", Andrews nói.

"Thật khủng khiếp", Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/3 nói, thêm rằng chính quyền ông đang xem xét vòng trừng phạt mới.

Nghị sĩ Dân chủ Ami Bera của bang California, chủ tịch tiểu ban đối ngoại Hạ viện phụ trách châu Á, chỉ ra động thái trừng phạt hai tập đoàn lớn của quân đội Myanmar là một bước đi đáng hoan nghênh. "Tôi thực sự khuyến khích các đồng minh và đối tác tiếp tục hợp tác với Mỹ để khiến quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm vì làm chệch hướng tiến trình dân chủ của nước này, đồng thời tăng thêm áp lực với Tatmadaw (tên gọi của quân đội Myanmar)", Bera nói. "Bám víu quyền lực một cách tuyệt vọng bằng cách đánh đổi sinh mạng của những người mà quân đội phải bảo vệ là điều không thể chấp nhận được".

Tuy nhiên, Ishaan Tharoor, biên tập viên của Washington Post, cho rằng có rất ít dấu hiệu Hội đồng Bảo an có thể có hành động cứng rắn với tình hình ở Myanmar. Quan chức Nga và Trung Quốc được cho đã có mặt tại buổi lễ kỷ niệm của chính quyền quân sự hôm 27/3. Sau khi quân đội Myanmar cuối tuần qua không kích vào lực lượng dân tộc thiểu số ở khu vực đông nam đất nước, buộc hàng nghìn người dân làng phải chạy trốn qua biên giới Thái Lan, nhiều nhà hoạt động cho rằng năng lực của quân đội đã được tăng cường sau nhiều năm nhận hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, giới chức quân đội đang coi phong trào biểu tình là mối đe dọa được hậu thuẫn bởi các lực lượng nước ngoài. "Họ xem người biểu tình như tội phạm bởi vì bất kỳ ai bất tuân hoặc biểu tình phản đối quân đội đều là tội phạm", Tun Myat Aung, một sĩ quan đã rời khỏi hàng ngũ biểu tình chống đảo chính, nói với NYTimes. "Hầu hết binh lính chưa bao giờ được nếm trải dân chủ trong suốt cuộc đời họ. Họ vẫn sống trong bóng tối".

Mặt khác, phong trào biểu tình có sự tham gia của một thế hệ trẻ không muốn đất nước rút lui khỏi thập kỷ tự do hóa, cải cách kinh tế và chính trị.

"Không bên nào, quân đội hay phong trào biểu tình, sẵn sàng lùi bước", Moe Myint, biên tập viên của BBC, nhận định. "Quân đội nghĩ họ có thể dùng bạo lực để đạt được ổn định và an ninh. Nhưng phong trào biểu tình trên phố do những người trẻ dẫn dắt, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi chế độ quân sự mãi mãi".

Lee Morgenbesser, giảng viên cấp cao tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định phong trào biểu tình ở Myanmar "chưa và có thể không bao giờ" đạt đến ngưỡng ổn định về lực lượng để duy trì lâu dài. "Điều đó đồng nghĩa cuộc đảo chính chỉ có thể bị đảo ngược nếu xuất hiện chia rẽ trong nội bộ Tatmadaw, vốn được biết đến là một trong những lực lượng gắn kết và lâu bền nhất trến thế giới", Morgenbesser nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn