Sau khẩu chiến ở hội đàm, quan chức Mỹ - Trung ra về tay không

Chủ Nhật, 21 Tháng Ba 20214:00 SA(Xem: 4683)
Sau khẩu chiến ở hội đàm, quan chức Mỹ - Trung ra về tay không

Phái đoàn Mỹ - Trung không đạt được đột phá nào sau 2 ngày hội đàm căng thẳng ở Alaska. Cuộc gặp cũng cho thấy 2 bên có rất ít điểm chung để khôi phục mối quan hệ đang ở mức thấp.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày hội đàm ở Alaska hôm 19/3. Cuộc họp phơi bày chiều sâu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay từ những ngày đầu chính quyền Biden.

Cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đã bắt đầu với màn công kích nảy lửa hiếm thấy, khi hai bên công khai chỉ trích chính sách của nhau trước ống kính báo chí.

Cuộc gặp không mang lại đột phá ngoại giao - điều nằm trong dự kiến ​​- nhưng sự đối địch gay gắt được thể hiện công khai cho thấy hai nước có rất ít điểm chung để khôi phục mối quan hệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, theo Reuters.

Đánh giá khác nhau

Cuộc gặp ở Anchorage diễn ra sau khi các quan chức Mỹ thăm hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, và sau một loạt động thái của Washington cho thấy họ giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đưa ra những lời cảnh báo thẳng thừng rằng Mỹ đừng ảo tưởng họ sẽ thỏa hiệp.

Cuoc gap o Alaska bao hieu con duong gap ghenh cua quan he My - Trung anh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đứng bên cạnh Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, trả lời báo giới tại Alaska hôm 19/3. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi trò chuyện gay gắt và thẳng thắn về nhiều vấn đề. Đó chính xác là những gì đã xảy ra", Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với phóng viên ngay sau khi phái đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp của khách sạn hôm 19/3, theo Reuters.

Các thành viên phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn mà không nói chuyện với phóng viên. Song, nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì sau đó nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và có lợi, "nhưng tất nhiên, vẫn có những khác biệt".

Ông Dương, chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết "hai bên cần tuân theo chính sách 'không xung đột' để đưa con đường của chúng ta đi theo quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai", theo mạng truyền hình CGTN.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người tham gia cuộc gặp, cho biết ông và ông Dương đã nói rõ với phía Mỹ rằng chủ quyền của Trung Quốc là vấn đề nguyên tắc và không được đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông không ngạc nhiên khi nhận được "phản ứng phòng thủ" từ Trung Quốc, sau khi Washington nêu quan ngại về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, cũng như về các cuộc tấn công mạng và việc gây áp lực lên Đài Loan.

Song ông Blinken cho biết hai bên cũng có những lợi ích đan xen về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ông khẳng định phái đoàn Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho cuộc hội đàm.

"Về kinh tế, thương mại, công nghệ, chúng tôi nói với đại diện Trung Quốc rằng Mỹ đang xem xét những vấn đề này, tham vấn chặt chẽ với quốc hội, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hành động sao cho hoàn toàn bảo vệ được và nâng cao lợi ích của công nhân, doanh nghiệp Mỹ", ông Blinken nói.

Công kích từ đầu

Sau phát biểu mở đầu "chói tai" của ông Blinken hôm 18/3, về thách thức của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ông Dương đáp trả bằng bài phát biểu chỉ trích nền dân chủ cũng như các chính sách đối ngoại và thương mại của Mỹ.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc "cố gây ấn tượng" với người dân trong nước và cả hai bên đều cho rằng bên kia đã phá vỡ các quy tắc ngoại giao.

Màn công kích diễn ra trước các nhà báo, nhưng một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên rằng ngay sau khi báo giới rời khỏi phòng, hai bên "ngay lập tức bắt tay vào công việc" và tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp và thực chất.

Cuoc gap o Alaska bao hieu con duong gap ghenh cua quan he My - Trung anh 2

Hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) và Vương Nghị tại Alaska hôm 18/3. Ảnh: Reuters.

Phần lớn chính sách về Trung Quốc của ông Biden vẫn đang được xây dựng, bao gồm cách xử lý thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp đặt. Chính quyền của ông Biden cho đến nay vẫn nhấn mạnh nhiều hơn đến các giá trị dân chủ và cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

"Tôi rất tự hào về Ngoại trưởng Blinken", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào sáng 19/3 khi được hỏi về cuộc gặp ở Alaska hôm trước.

Trong những tuần gần đây, các đảng viên Cộng hòa hàng đầu đã tán đồng những nỗ lực của ông Biden, thành viên đảng Dân chủ, nhằm khôi phục quan hệ với các đồng minh của Mỹ trước sự đối đầu với Trung Quốc. Đây là thay đổi chiến lược so với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

Trong khi chính quyền non trẻ của ông Biden vẫn đang xem xét chính sách Trung Quốc, thì ngược lại, ông Dương và ông Vương là những nhà ngoại giao kỳ cựu với nhiều thập kỷ kinh nghiệm xử lý quan hệ Mỹ - Trung ở cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc. Họ cũng vừa trải qua những cuộc đối phó với chính quyền Trump vốn hành xử không theo thông lệ.

Nhiều bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc nói rằng các quan chức của họ đã thể hiện tốt ở Alaska, và phía Mỹ thiếu sự chân thành.

"Theo tôi, chính quyền đang thử xem liệu có thể đạt được kết quả thực sự từ những cuộc đối thoại thế này hay không", Zack Cooper, người nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn