Qatar 2022 : Phát hiện rúng động về số người chết trên công trường Cúp bóng đá thế giới

Chủ Nhật, 14 Tháng Ba 20217:53 SA(Xem: 4215)
Qatar 2022 : Phát hiện rúng động về số người chết trên công trường Cúp bóng đá thế giới
rfi.fr

Qatar 2022 : Phát hiện rúng động về số người chết trên công trường Cúp bóng đá thế giới

Anh Vũ

Còn gần 2 năm nữa mới diễn ra Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022, nhưng sự kiện thể thể thao lớn thế giới luôn là chủ đề gây tranh cãi từ khi FIFA trao quyền đăng cai cho vương quốc dầu mỏ lắm tiền. Gần đây, những phát giác về số 6.500 công nhân lao động nhập cư trên các công trường chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022 lại làm dấy lên các chỉ trích cũng như những lời kêu gọi tẩy chay Cúp thế giới Qatar 2022.

Có nên tẩy chay Cúp bóng đá thế giới Qatar vì các vi phạm nhân quyền ở quốc gia này ? Câu hỏi đã và lại được đặt ra khi mới đây một cuộc điều tra của báo chí đã phát lộ ra con số công nhân tử vong trên những công trường khổng lồ phục vụ cho sự kiện từ nhiều năm qua. Nhật báo Anh Guardian hôm 23/02/2021 công bố một điều tra, theo đó ít nhất 6.500 người lao động nhập cư đã bị chết trên các công trường xây dựng sân vận động ở Qatar từ năm 2010.

Tờ báo Anh đã thu thập và tổng hợp các dữ liệu từ chính quyền Sri Lanka, Népal, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan, những nước cung cấp nguồn lao động chủ yếu cho các công trình xây dựng ở Qatar trong suốt thập niên qua. Thậm chí tờ báo còn nhận định con số công nhân tử vong trên tại Qatar còn thấp hơn so với thực tế vì đại sứ quán Kenya và Philippines tại Qatar đã không trả lời đề nghị cung cấp số liệu của Guardian.

Tất nhiên Qatar phủ nhận các số liệu điều tra của nhật báo Anh cũng như trách nhiệm của họ trong những cái chết của lao động nước ngoài. Theo số liệu chính thức của chính quyền Qatar, chỉ có 37 người trên tổng số 2 triệu lao động nhập cư tử nạn trên các công trường xây dựng ở đất nước này từ năm 2010. Vương quốc vùng Vịnh khẳng định những lao động nhập cư tử vong do các « nguyên nhân tự nhiên » và tỷ lệ tử vong trong cộng đồng này cũng hoàn toàn bình thường so với số lượng lao động nước ngoài ở Qatar.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, ông Nicolas Kssis-Martov, phóng viên thể thao của tạp chí bóng đá Pháp So Foot, tác giả của nhiều phóng sự điều tra liên quan đến hồ sơ tổ chức Cúp bóng đá thế giới Qatar, cho biết ý kiến :

« Hồi năm 2014, tôi ở Nepal, tôi đã đến sân bay Katmandu và thường xuyên thấy thi thể người được chuyển từ Qatar về. Tôi đã gặp cựu đại sứ Nepal tại Qatar, ông đã giải thích cho tôi về hoàn cảnh thảm hại của những người lao động Nepal tại Qatar bấy giờ. Trong số họ, phần đông làm việc trên các công trường. Có rất nhiều người chết vì tai nạn lao động hơn là vì điều kiện khí hậu, nắng nóng.

Trên thực tế, có những trường hợp bị đột quỵ vì chênh lệch giữa nhiệt độ ngoài trời với các phòng làm việc có điều hòa nhiệt độ. Thêm vào đó là quy chế rất đặc biệt của người lao động nhập cư ở Qatar, cho dù đã được cải thiện chút ít do sức ép của quốc tế. Tình hình rất phức tạp. Đã từ rất lâu các tổ chức phi chính phủ, báo chí đã loan tin, cảnh báo, đưa ra các số liệu. Bây giờ những con số như vậy có vẻ kinh khủng nhưng nó đã có từ lâu nay rồi.

Chính quyền Qatar tất nhiên là giấu những con số như vậy, nhưng mà đại sứ quán các nước phải đưa thi thể kiều dân của họ về nước, con số của họ đưa ra là chính xác. Họ đã cho chúng ta những số liệu kinh hoàng như đã thấy ».

Theo nhật báo Guardian thì 6.500 người lao động tử vong trên các công trường ở Qatar vẫn là con số chưa đầy đủ. Những người lao động đến Qatar làm việc trên những công trường xây dựng là ai ? Ông Kssis-Martov cho biết thêm :

Qatar trở thành một công trường rộng mênh mông nhân Cúp bóng đá thế giới, đây là một nước nhỏ sẽ đón một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Sự kiện này không chỉ cần đến các sân vận động mà cả một hệ thống cơ sở hạ tầng cơ sở kèm theo như sân bay, khách sạn hệ thống giao thông. Cả nước Qatar trở thành một công trường lớn bên cạnh những công trường xây dựng sân vận động.

Những lao động nhập cư đó thường thì vẫn đến từ các nước trong vùng Vịnh, hay đúng hơn là từ các nước châu Á vì họ là nguồn nhân công giá rẻ. Cũng có những trình độ lao động khác nhau, có những lao động có chuyên môn. Nhưng đại đa số làm việc trên các công trường xây dựng, họ đến chủ yếu từ Népal, Ấn Độ, người Philippines không nhiều vì chủ yếu họ làm việc trong các ngành dịch vụ. Những người này đều có một mong muốn đi làm để cải thiện cuộc sống hiện tại. Mặc dù đôi khi để làm được như vậy, họ phải qua các văn phòng trung gian hoạt động lừa đảo, phải trả những khoản tiền lớn ».

Việc Qatar được trao quyền đăng cai Cúp thế giới ngay từ đầu đã gây rất nhiều tranh cãi xung quanh những nghi ngờ có tham nhũng. Báo chí quốc tế, cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ, đã không ít lần tố cáo tình trạng ngược đãi, điều kiện lao động tồi tệ của công nhân, lao động nước ngoài trên các công trường phục vụ Cúp bóng đá thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên một con số lớn như vậy được đưa ra từ kết quả các điều tra của báo chí. Cái giá mà người lao động nhập cư phải trả cho kỳ Cúp bóng đá thế giới này quá đắt và đã làm dấy lên những phản ứng ngay trong giới bóng đá.

Sau khi Guardian công bố điều tra, câu lạc bộ bóng đá Tromsø IL của Na Uy đã ra thông cáo với lời lẽ rất phẫn nộ : « Hiện tượng tham nhũng, nô lệ hiện đại và một số lượng lớn người lao động bị chết là cơ sở để chúng ta nói rằng Cúp bóng đá thế giới là không thể chấp nhận được. Chúng ta không còn có thể ngồi yên nhìn mọi người chết vì bóng đá nữa » và câu lạc bộ kêu gọi tẩy chay : « Chỉ trích và đối thoại đã không có kết quả. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc chuyển qua giai đoạn tiếp theo : tẩy chay. »

Lời kêu gọi này ngay lập tức đã được sự hưởng ứng của hàng loạt câu lạc bộ bóng đá ở Na Uy như Viking FK, Strømsgodset, Rosenborg, Vålerenga và Brann. Còn ở đất nước láng giềng Đan Mạch, ý tưởng tẩy chay Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022 trong trường hợp đội tuyển quốc gia lọt vào vòng chung kết cũng đã được nêu lên trong một kiến nghị của nhiều câu lạc bộ bóng đá nước này. Từ nay đến tháng 6 nếu thu thập được 50 nghìn chữ ký, thì kiến nghị sẽ được đưa ra bàn tại Quốc Hội Đan mạch. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia bắc Âu, Kasper Hjulmand, cho biết ông tôn trọng ý kiến của các cầu thủ không muốn tham dự giải đấu. 

Tuy nhiên, phong trào tẩy chay Cúp thế giới Qatar vẫn chưa đủ sức nặng. Đan Mạch và Na Uy không phải là những đội bóng lớn như các cường quốc bóng đá khác như Pháp, Đức Brazil … Ở nhưng nước này, vấn đề tẩy chay dường như không được đặt ra. Mỗi đội tuyển dự Cúp bóng đá thế giới là đại điện cho 1 quốc gia, thể thao ít nhiều vẫn dính dáng đến chính trị. Hơn nữa, Qatar là một đất nước nhỏ bé, nhưng lại rất giàu có nhờ dầu lửa. Rất đông các nước có quan hệ làm ăn với Qatar trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, rất nhiều tập đoàn của phương tây như Pháp, Mỹ, Anh đã thầu các công trình phục vụ Cúp bóng đá thế giới ở Qatar. Người lao động tử vong trên các công trường không chỉ là trách nhiệm riêng của Doha. Người Qatar thừa biết không thể có chuyện các nước tẩy chay Cúp bóng đá thế giới của họ. Tẩy chay các sự kiện thể thao chưa mấy khi có được hiệu quả thực sự.

Thời gian gần đây, trong làng bóng đá thế giới người ta đã thấy hiện tượng nhiều danh thủ lớn lên tiếng về các vụ việc nhân quyền. Đó là trường hợp của cầu thủ Pháp Antoine Griezman tuyên bố cắt hợp đồng quảng cáo hình ảnh với tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi để phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Hay như danh thủ Kylian Mbappé cũng đã bày tỏ thái độ chống lại các hành vi bạo lực cảnh sát. Theo nhà báo Nicolas Kssis-Martov, chuyện tẩy chay nếu có thì có thể sẽ chỉ đến từ các cá nhân cầu thủ nhưng cũng là việc cần thiết :

« Tẩy chay Cúp bóng đá thế giới chỉ là một mức độ phụ. Tham dự Cúp thế giới là thời điểm cực kỳ quan trọng đối một cầu thủ, nó chỉ đến 1, 2 hoặc 3 lần trong sự nghiệp cầu thủ. Để nói được rằng tôi sẽ không đến tham dự vì lý do đạo đức là chuyện cực kỳ nhạy cảm. Nhưng điều này nên làm. Chuyện kêu gọi tẩy chay đã từng được đặt ra đối với nhiều sự kiện thể thao lớn diễn ra ở Brazil, Trung Quốc, Nga vì vấn đề tôn trọng nhân quyền, nhưng ở đây là vấn đề sinh mạng con người cụ thể. Liệu các cầu thủ có còn muốn chơi bóng trên một nghĩa địa ? »

Người Qatar đã đặt thể thao là trọng điểm của chiến lược xây dựng quyền lực mềm, không tính toán đến tiền bạc, sẵn sàng làm tất cả để có Cúp bóng đá thế giới. Tham vọng cạnh tranh địa chính trị đã khiến vương quốc nhỏ bé ở vùng Vịnh này phải đối mặt với chỉ trích cáo buộc triền miên, từ nghi vấn tham nhũng trong việc giành quyền đăng cai, điều kiện môi trường khí hậu khiến giải đấu phải diễn ra vào mùa đông, chuyện đối xử ngược đãi người lao động trên các công trường của World Cup, rồi đến cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng trong khu vực gần đây. Qatar 2022 là sự kiện đầy rủi ro và thách thức cho nước chủ nhà cũng như FIFA. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn