Hội Đồng Bảo An lên án đàn áp biểu tình ở Miến Điện

Thứ Năm, 11 Tháng Ba 20215:37 SA(Xem: 3814)
Hội Đồng Bảo An lên án đàn áp biểu tình ở Miến Điện
rfi.fr

Hội Đồng Bảo An lên án đàn áp biểu tình ở Miến Điện

Thanh Phương

Biểu tình, cầu nguyện cho những người Miến Điện chống đảo chính bị sát hại : trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, ngày 04/03/2021.

Biểu tình, cầu nguyện cho những người Miến Điện chống đảo chính bị sát hại : trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, ngày 04/03/2021. REUTERS - SOE ZEYA TUN

Hôm qua, 10/03/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã "mạnh mẽ" lên án những hành vi bạo lực nhắm vào những người biểu tình ở Miến Điện. Trong bản tuyên bố được toàn bộ 15 thành viên thông qua, tức là trong đó có cả Trung Quốc và Nga, hai đồng minh truyền thống của các tướng lãnh Miến Điện, Hội Đồng Bảo An đã lần đầu tiên lên án quân đội nước này, kêu gọi họ phải có thái độ kềm chế tối đa.

Một mặt tố cáo những hành vi bạo lực của lực lượng an ninh "nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em và thanh niên", Hội Đồng Bảo An yêu cầu các bên "tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho cuộc khủng hoảng do vụ đảo chính ngày 01/02 gây ra. Toàn bộ 15 thành viên Hội Đồng Bảo An còn đòi chính quyền quân sự Miến Điện "trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ những người bị bắt giữ một cách độc đoán", nhưng không nêu lên khả năng ban hành các trừng phạt.    

Sau khi tuyên bố nói trên được Hội Đồng Bảo An thông qua, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Huân ( Zhang Hun ) đã ra thông báo kêu gọi "xuống thang " ở Miến Điện, đồng thời cho rằng "đã đến lúc nên mở đối thoại" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Riêng Hoa Kỳ hôm qua đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào hai người con của lãnh đạo tập đoàn quân sự đã tiến hành đảo chính, tướng Min Aung Hlaing. Trong một thông cáo, bộ Tài Chính Mỹ giải thích: Aung Pyae Sone et Khin Thiri Thet Mon đều có những lợi ích trong các công ty trực tiếp hưởng lợi nhờ vào vị thế và ảnh hưởng của bố họ.  

Trong khi đó, tại Rangoon, tập đoàn quân sự Miến Điện hôm qua đã tiếp tục bố ráp, vây bắt những nhân viên hỏa xa tham gia phong trào bất phục tùng dân sự. Theo Hiệp hội trợ giúp tù chính trị, kể từ ngày 01/02, đã có ít nhất 60 thường dân bị giết và gần 2.000 người bị bắt giữ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm qua vừa công bố một báo cáo lên án những vụ "hành quyết không xét xử" và việc sử dụng vũ khí chiến tranh để đàn áp biểu tình ở Miến Điện. Về hành quyết "không xét xử", tổ chức nhân quyền này nêu trường hợp một người đàn ông bị bắt giao cho lực lượng an ninh. Trong một đoạn video ghi ngày 03/03 được phổ biến trên mạng xã hội Twitter, người đàn ông này đã bị lực lượng an ninh bắn chết, mặc dù không hề kháng cự. Theo Ân xá Quốc tế, vũ khí sát thương được quân đội sử dụng "một cách cố tình, theo kế hoạch và có phối hợp" để dẹp biểu tình.

Hôm nay, phe quân sự lại đưa ra những cáo buộc mới đối với bà Aung San Suu Kyi. Cụ thể, theo lời phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, một cựu bộ trưởng, nay đang bị giam, thú nhận đã trao cho bà Aung San Suu Kyi, 600.000 đôla và hơn 11 ký vàng, nhưng không nói rõ là hối lộ về chuyện gì.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn