Việt Nam – Myanmar: Hứng chịu nhiều phản ứng quốc tế

Thứ Hai, 08 Tháng Ba 20218:00 SA(Xem: 6581)
Việt Nam – Myanmar: Hứng chịu nhiều phản ứng quốc tế
rfa.org

Việt Nam – Myanmar: Hứng chịu nhiều phản ứng quốc tế

Lâm Viên 2021-03-07

Hãy hình dung một tình huống hoàn toàn giả định: ông Nguyễn Minh Triết được thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam được lệnh tổ chức để ông Triết thăm ngài Min Aung Hlaing, vị tướng quân phiệt vừa “soán ngôi” qua cuộc đảo chính ở Myanmar đang bị thế giới dân chủ và tiến bộ lên án.

Ông Nguyễn Minh Triết chắc lại sẽ vừa cười vừa xoa tay, lộng ngôn một cách vô duyên như trước đây hơn chục năm, lặp lại câu phát biểu “có cánh”, với địa danh lần này là Myanmar: “Giờ này, Việt Nam và Myanmar đang thay nhau canh giữ “sự ổn định” cho các chế độ toàn trị. Myanmar thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Myanmar nghỉ”.

Nếu cao hứng hơn nữa, không biết vị Chủ tịch nước của Việt Nam liệu có làm phép so sánh như thuở nào: Việt Nam – Myanmar, như trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, cùng nhau chống lưng cho “Thiên triều” tràn xuống Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thay nhau canh giữ cho “nền toàn trị thế giới”…

Vẫn biết, mọi ví von đều khập khiễng. Thật ra, bối cảnh lịch sử và quy mô sự kiện, tác động khu vực và ảnh hưởng quốc tế của những biến cố đã/đang xẩy ra ở Việt Nam và Myanmar không hoàn toàn giống nhau. Nhưng không hẹn mà gặp, cuộc đảo chính của giới quân phiệt, sau đó dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình ở Myanmar và việc Hà Nội ngày 8/3 tới đây sẽ tiến hành xử phiên tòa phúc thẩm sáu người dân Đồng Tâm – Cả hai biến cố ấy đều đang hứng chịu nhiều sự lên án mạnh mẽ của dư luận trong mỗi nước cũng như trên toàn cầu.

000_8PX4EJ.jpg
Phiên toà sơ thẩm xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 14/9/2020. AFP

Nhà hoạt động vì nhân quyền người Thụy Sĩ, bà Pascale Berry Wavre, thành viên của tổ chức nhân quyền Hội Thụy Sĩ Việt Nam (COSUNAM), trong một lá thư ngỏ gửi cho truyền thông, đã lên tiếng kêu gọi những du khách nước ngoài, những ai thăm Việt Nam hoặc mua sản phẩm Việt Nam, cần phải nghĩ đến cái giá phải trả bởi người dân nước Việt.

Bà Wavre tố cáo: “Số phận của những người này (những người bị toà án Việt Nam đưa ra xử) sẽ ra sao? Họ là những người vào đầu năm 2020 đã đấu tranh chống truất hữu ruộng đất của làng họ. Ngày nay, Việt Nam vẫn là một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất. Những tham vọng về du lịch và kinh tế của chính quyền cộng sản dẫn tới sự cướp đoạt đất đai mà không có đền bù thích đáng, sự nô lệ hóa một phần lớn dân chúng với một tác động thảm khốc đến môi trường”.

Bà Wavre bày tỏ: “Những gì chúng tôi, mọi người, đang hy vọng là ngày 8/3 tới, những lời hứa sẽ được thực hiện (bà Wavre căn cứ vào một lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó). Tôi nghĩ đây là cơ hội để chứng tỏ chính quyền Việt Nam nhận thức được rằng hình ảnh của Việt Nam gắn liền với sự sẵn lòng của du khách trong việc chọn những điểm đến mơ ước. Trái với thực tế hiện nay, Việt Nam giống như một cơn ác mộng”.

Chính bà Berry Wavre đã làm một phép so sánh: “Việt Nam sát hại công dân của mình – Không chỉ có ở Miến Điện nơi mà một chế độc đảng cũng đang chà đạp thô bạo các quyền con người”. Nếu như Hoa Kỳ hay một nước phương Tây nào đó lên án thì còn có thể “cả vú lấp miệng em”, cho đó là tiếng nói của “các thế lực thù địch”. Nhưng tổ chức của bà Wavre lại là từ một đất nước trung lập mà Việt Nam đã từng nhờ cậy từ năm 1954 để tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ. 

Trong khi đó, người đứng đầu quân đội Myanmar đã từng bị quốc tế lên án với cáo buộc “diệt chủng và từ tháng 8/2018, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khuyến cáo: “Các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Myanmar, gồm Tổng tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing, phải bị điều tra và truy tố về tội diệt chủng ở phía bắc Bang Rakhine, cũng như tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở các bang Rakhine, Kachin và Shan”.

Trong một báo cáo khác công bố hôm 5/3, phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc Thomas Andrews nhấn mạnh: “Cho dù tương lai của Miến Điện là do chính người dân nước này quyết định, cộng đồng quốc tế phải có hành động khẩn cấp và kiên quyết để yểm trợ họ”. Ông Thomas Andrews đề nghị Hội đồng Bảo an, họp kín để thảo luận về tình hình Miến Điện, ban hành “lệnh cấm vận toàn thế giới” đối với chế độ quân sự ở Naypyidaw, đồng thời ban hành các trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh Miến Điện.

Truyền thông quốc tế loan tin Ma Kyal Sin, một vũ công, 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình của người dân Myanmar vào hôm 3/3. Ma Kyal Sin là một trong số ít nhất 58 người Miến Điện bị thiệt mạng cho đến nay. Luật sư Lê Luân bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với cô gái trẻ – Ma Kyal Sin – vừa ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa từ phía quân đội Myanmar. Ông cảm thán: “Thương tiếc em, bóng mây qua trời” và ông tôn vinh: “Nhưng đó là cái chết bất tử và làm hồi sinh những điều lớn lao cho con người…”.

Truyền thông lề đảng của Việt Nam chỉ đưa tin chiếu lệ về tình hình Myanmar, đặc biệt là phong trào “bất tuân dân sự”, cổ vũ hàng trăm triệu người xuống đường chống lại chế độ độc tài, toàn trị. Trong khi đố, trên các trang mạng xã hội dày đặc những lời tôn vinh cuộc đấu tranh cho dân chủ của thế hệ trẻ nói riêng và người dân Myanmar nói chung.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, người từng được Hội đồng Giải Văn Việt bình chọn trao giải thưởng lần thứ sáu cho tác phẩm “Những mảnh đời sau song sắt” đã chia sẻ về sự hy sinh của cô gái trẻ Ma Kyal Sin, hay còn có tên gọi khác là Angel như sau: “Angel đã đấu tranh để bảo vệ các giá trị dân chủ cho quê hương cô nhưng tinh thần và sự hy sinh của cô gái trẻ đã vượt ra khỏi biên giới đất nước Myanmar, chạm đến trái tim của hàng triệu người, trong đó có những người Việt Nam khác tiếng nói, khác dòng máu, nhưng giống nhau về kiếp đọa đày”.

Hình ảnh Angel trong chiếc áo phông với khẩu hiệu “Mọi thứ sẽ ổn” đang sốt trên các trang mạng. Hình ảnh này gợi nhớ đến tác phẩm “Nữ thần Tự do Dẫn dắt Nhân dân” của Eugène Delacroix minh họa cho cuộc cách mạng dưới nền Quân chủ tháng 7/1830. Cảm phục, thương tiếc nhưng vẫn hy vọng. Tại Việt Nam, trong số hơn 270 tù nhân lương tâm bị giam giữ, có không ít những phụ nữ phải gánh chịu những bản án tù đày nặng nề. Tuy nhiên, ngọn lửa đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thì không nhà nước toàn trị nào dập tắt được.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn