Miến Điện: Cảnh sát tiếp tục bắn người biểu tình, bất chấp kêu gọi ‘‘kiềm chế’’ của ASEAN

Thứ Năm, 04 Tháng Ba 20213:19 SA(Xem: 4072)
Miến Điện: Cảnh sát tiếp tục bắn người biểu tình, bất chấp kêu gọi ‘‘kiềm chế’’ của ASEAN
rfi.fr

Miến Điện: Cảnh sát tiếp tục bắn người biểu tình, bất chấp kêu gọi ‘‘kiềm chế’’ của ASEAN

Trọng Thành

Bạo lực cảnh sát tiếp diễn tại Miến Điện. Hôm nay, 03/03/2021, các lực lượng an ninh tiếp tục bắn vào người biểu tình ở nhiều nơi, làm ít nhất 6 người thiệt mạng. Trước đó, khối ASEAN ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Miến Điện và kêu gọi các bên « kiềm chế ».

Trả lời AFP qua điện thoại, các bác sĩ tại chỗ xác nhận có bốn người bị bắn chết trong một cuộc biểu tình tại một thành phố ở miền trung Miến Điện. Vẫn theo nguồn tin y tế, hai người biểu tình khác bị giết chết tại khu vực gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Miến Điện. Một bác sĩ xin ẩn danh cho biết một trong hai nạn nhân ở Mandalay bị bắn vào đầu, còn người kia bị bắn vào ngực.

Biểu tình diễn ra khắp Rangoon, thành phố lớn nhất Miến Điện. Người biểu tình sử dụng lốp xe cũ và hàng rào thép gai để chặn các ngả đường chính. Tại trung tâm thành phố, ở ngã tư gần ngôi chùa Sule nổi tiếng, những người biểu tình dán hình chân dung của thủ lĩnh tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing xuống mặt đường, một chiến thuật nhằm làm chậm bước tiến của lực lượng an ninh.

Đồng thời, tập đoàn quân sự bắt giam sáu nhà báo, trong đó có một nhiếp ảnh gia của hãng tin AP. Các nhà báo bị truy tố với tội danh « gây rối loạn trật tự công cộng ».

Bạo lực hôm nay xảy ra ngay sau hội nghị không chính thức của các bộ trưởng Ngoại Giao Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Bruneil, quốc gia nắm quyền chủ tịch ASEAN 2021, ra tuyên bố « bày tỏ quan ngại của khối ASEAN về tình hình ở Miến Điện » và « kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa ». Tuyên bố của chủ tịch luân phiên ASEAN cũng kêu gọi « các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng (…) vì lợi ích của người dân ».

Theo các nhà quan sát, ASEAN đã thất bại trong việc tỏ thái độ cứng rắn hơn với chính quyền quân sự Miến Điện. Chỉ có bốn thành viên – Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore – kêu gọi tập đoàn quân sự trả tự do cho lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.

Hội Đồng Bảo An họp về Miến Điện thứ Sáu tới

Về phía Liên Hiệp Quốc, AFP hôm qua cho hay, theo yêu cầu của Anh, Hội Đồng Bảo An sẽ tổ chức một phiên họp mới về tình hình Miến Điện, vào ngày thứ Sáu, 05/03. Cuộc họp kín sẽ bắt đầu vào 15 giờ (giờ quốc tế). Hiện chưa có thông tin gì về khả năng Hội Đồng Bảo Anh một lần nữa ra tuyên bố chung về Miến Điện hay không. Cuộc họp trước đó diễn ra ngày 02/02, ngay sau khi quân đội Miến Điện đảo chính. Hai ngày sau Hội Đồng Bảo An ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại, nhưng không lên án đảo chính quân sự.

Tranh chấp vị trí đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc

Sau khi đại sứ Miến Điện Kyaw Loe Tun tại Liên Hiệp Quốc, do chính quyền dân sự bổ nhiệm trước đây, bất ngờ tuyên bố lên án cuộc đảo chính quân sự, hôm qua, 02/03/2021, chính quyền quân sự đã gửi thông báo đến Liên Hiệp Quốc khẳng định ông Kyaw Loe Tun không còn là người đại diện cho Miến Điện, và thay thế ông sẽ là viên phó đại sứ. Trước đó một ngày, đại sứ Kyaw Loe Tun do chính quyền dân sự bổ nhiệm đã gửi thư đến chủ tịch Đại Hội Đồng và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, khẳng định ông vẫn là đại diện hợp pháp của Nhà nước Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc. Hôm qua, ông Kyaw Loe Tun đã nhận được sự ủng hộ của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và toàn bộ các đồng nhiệm của Liên Hiệp Châu Âu.

Trả lời báo giới hôm qua, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc đang xem xét tranh chấp hiếm có này, và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ có thể ra quyết định về vấn đề này, thông qua thể thức bỏ phiếu, với đa số quá bán.

Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Scharane Burgener, hiện đang có mặt ở Berne, Thụy Sĩ, « vẫn đang tiếp tục đối thoại với các bên liên quan về tình hình hiện nay ». Hôm thứ Sáu vừa qua, bà Burgener chính thức kêu gọi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc không công nhận chính quyền quân sự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn