NGHI VẤN VỀ TỬ TỘI PHÁP TRƯỜNG CÁT TẠ VINH - TOÀN NHƯ

Thứ Năm, 04 Tháng Ba 20212:39 SA(Xem: 3758)
NGHI VẤN VỀ TỬ TỘI PHÁP TRƯỜNG CÁT TẠ VINH - TOÀN NHƯ

Sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963, những tháng kế tiếp theo sau đó là nhiều cuộc đảo chánh, chỉnh lý để tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh đã làm cho tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam trở nên bất ổn. Tình thế vô cùng rối ren và phức tạp, nhiều chính phủ liên tiếp đã thay phiên nhau nắm quyền chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

            Cùng với những xáo trộn chính trị ở thượng tầng lãnh đạo là những cuộc tranh đấu của sinh viên, học sinh đòi tự trị đại học, đòi tự do, dân chủ, và chống độc tài quân phiệt. Các tôn giáo cũng vào cuộc đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Sài Gòn và nhiều thành phố lớn tại miền Nam. Lợi dụng tình thế bất ổn này, VC đã gia tăng những áp lực về quân sự ở nông thôn, và thực hiện những vụ khủng bố bằng bom và chất nổ ở các đô thị. Trong khi đó, về mặt kinh tế, bọn gian thương, phần lớn là giới Hoa kiều, cũng đã lợi dụng thời cơ để lũng đọan thị trường, đầu cơ tích trữ làm cho giá cả gia tăng và tình hình kinh tế càng thêm rối ren.

            Trước tình thế nói trên, sau nhiều chính phủ quân sự rồi dân sự tiếp nối nhau thất bại, vào tháng 6 năm 1965, chính phủ dân sự với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đã phải từ chức và trao quyền điều hành đất nước lại cho Quân Đội với Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ Tịch (chức vụ tương đương Quốc Trưởng) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch (tương đương Thủ Tướng). Nhờ vậy, tình hình mới dần dần ổn định.

PHÁP TRƯỜNG CÁT:

            Để ổn định tình hình, ngay sau khi được cử đứng đầu Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tướng Kỳ đã thành lập một “nội các chiến tranh” với nhiều quyết định táo bạo cứng rắn trong đó nổi bật là việc xử tử hình gian thương Tạ Vinh, một Hoa kiều can tội đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường gạo vào tháng 3 năm 1966. Việc xử tử Tạ Vinh đã diễn ra tại một “pháp trường cát” được dựng lên ở ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn. Việc hành quyết này cùng với pháp trường cát đã bị truyền thông quốc tế lên án mạnh mẽ khiến cho nó sau đó đã bị dẹp bỏ vào cuối năm 1966.

            Việc xử tử Tạ Vinh tại pháp trường cát đã làm cho nhiều người nghĩ rằng pháp trường cát là sản phẩm do Tướng Kỳ lập ra không chỉ để xử tử Tạ Vinh mà còn nhằm để răn đe những tên cộng sản nằm vùng hoạt động khủng bố, phá hoại và cả những tên gian thương đang lũng đoạn kinh tế miền Nam. Trên thực tế, nó đã được thành lập trước đó từ lâu, trước cả khi có nội các chiến tranh của Tướng Kỳ. Đúng ra nó chỉ là một pháp trường dùng để thi hành những bản án tử hình do Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt (do Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng lập ra sau cuộc đảo chánh TT Diệm) đã tuyên xử. Tên gọi của nó đúng ra là “pháp trường lưu động”, nó không chỉ được lập ra ở Sài Gòn, mà còn được lập ra ở những thành phố lớn khác như Cần Thơ, Đà Nẵng,… và nó chỉ được lập ra khi phải thi hành một bản án tử hình của Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt. Các pháp trường này thường được dựng lên ở những xạ trường (sân bắn) của quân đội. Sở dĩ người ta gọi nó là pháp trường cát vì chung quanh cọc xử bắn tử tội có một bức tường thành hình chữ U cao quá đầu người được chất chồng bởi những bao cát chắn đạn của quân đội.

            Khác với những pháp trường lưu động khác, tại Sài Gòn, khoảng đầu năm 1965, pháp trường cát đã được dựng lên thường trực ở ngay trung tâm Sài Gòn, chỗ vòng xoay bùng binh phía trước chợ Bến Thành (còn gọi là công trường Quách Thị Trang), bên hông tòa nhà trụ sở Nha Hỏa Xa Việt Nam. Ngôi nhà này nguyên là trụ sở của Công Ty Hỏa Xa Đông Dương có từ thời Pháp thuộc. Pháp trường cát được lập ra tại đó như là một hình ảnh để răn đe những tên khủng bố VC cũng như những tên phá hoại nền kinh tế làm cho tình hình bất ổn. Mặc dù pháp trường cát được dựng lên thường trực ở đó nhưng người dân Sài Gòn hàng ngày vẫn thản nhiên qua lại nơi đây như không hề biết có nó; có thể vì hầu hết những vụ hành quyết đều diễn ra vào ban đêm nên ít người chú ý đến; ngay cả các phóng viên cũng hầu như không được thông báo hay nếu có biết cũng không được đến gần. Đã có vài vụ xử bắn tử tội diễn ra tại đây từ đầu năm 1965, nhưng ít ai để ý mãi cho đến khi có vụ án Tạ Vinh, nó mới được chú ý đến và dư luận quốc tế đã ồn ào chỉ trích để cuối cùng dẫn đến việc nó bị dẹp bỏ vào cuối năm 1966.

Phap truong catPháp trường cát bên hông trụ sở Nha Hỏa Xa Việt Nam, Saigon.

VỤ ÁN TẠ VINH:

            Như đã nói ở trên, sự tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh sau cuộc đảo chánh cuối năm 1963 đã làm cho tình hình tại miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên rối ren bất ổn. Về mặt an ninh lãnh thổ, VC gia tăng áp lực quân sự đe dọa đến sự sống còn của Miền Nam khiến cho Hoa Kỳ phải gia tăng quân viện trong đó có cả việc đổ quân tham chiến. Trong khi đó, về mặt kinh tế, vật giá ngày càng gia tăng cùng với nạn lạm phát làm cho đời sống của người dân càng thêm khó khăn. Lợi dụng tình hình bất ổn và khó khăn này, các gian thương, phần lớn là giới Hoa kiều, đã đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, đặc biệt là thị trường lúa gạo, để làm giàu bất chính.

            Như mọi người đều biết, trong nhu cầu của đời sống người dân, gạo là một nhu yếu phẩm thiết yếu trong mọi gia đình. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, người ta có thể không cần đến thịt cá, rau quả nhưng lại không thể không có cơm gạo. Trong những năm 1965 – 1966, giữa lúc tình hình rối ren, người dân cũng bị khốn đốn vì giá gạo ngày một leo thang trong lúc lương công chức, quân nhân và công nhân hầu như không thay đổi hoặc tăng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, vào thời điểm đó, thị trường lúa gạo hầu như bị lũng đoạn bởi giới tài phiệt người Hoa phần lớn tập trung ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Nổi bật trong số tài phiệt này là Tạ Vinh, một thương gia người Hoa gốc Triều Châu mới 37 tuổi.

            Có giai thoại kể rằng, ngay sau Tết Nguyên Đán 1966, giá gạo đang từ 5,5 đồng/kg bỗng nhiên tăng lên 6 đồng rồi 7 đồng trong lúc lương của một công nhân bình thường chỉ khoảng 30 – 40 đồng một ngày. Biết là có bàn tay thao túng của những ông “xì thẩu” Chợ Lớn, tướng Kỳ ra tối hậu thư cho họ bằng cách triệu tập 7 người Hoa đang đứng đầu ngành mua bán lúa gạo tại miền Nam đến văn phòng. Ông yêu cầu mỗi người ghi tên mình vào một mảnh giấy rồi bỏ vào một cái hộp và cho biết trong vòng một tuần nếu giá gạo không xuống, họ sẽ phải trở lại văn phòng ông để bốc thăm. Bốc trúng tên ai, ông sẽ ra lệnh xử bắn người đó. Mặc dù bị hù dọa như vậy, nhưng tin vào thế lực của mình, những xì thẩu, “vua không ngai” lúc đó, không những không hạ giá gạo, mà lại còn tăng lên 7,5 đồng/kg. Tuy nhiên, câu chuyện “bốc thăm” như trên, nếu có, chỉ là “động tác giả” của tướng Kỳ nhằm để cảnh cáo giới tài phiệt người Hoa;  còn việc quyết định bắt Tạ Vinh, Tướng Kỳ và ê kíp của ông đã có những bằng chứng chính xác về các hành vi phạm tội của “xì thẩu” này.

            Theo báo cáo của “Tổng Đoàn Thanh Niên Trừ Gian”, một tổ chức do Tướng Kỳ thành lập cùng với Nội Các Chiến Tranh để bài trừ gian thương, tham nhũng; các “xì thẩu” người Hoa là thủ phạm của sự rối loạn thị trường giá cả từ trên xuống dưới. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường sữa, vải, xi măng, sắt thép, phân bón, v.v… đều bị họ lũng đoạn mà chính phủ hầu như bất lực không thể kiểm soát. Nổi giận vì nguồn tin này, Tướng Kỳ ra lệnh cho Tổng Đoàn phải tìm cho ra những nhân vật cụ thể cùng với những hành vi cụ thể về việc lũng đoạn nền kinh tế quốc gia. Báo cáo của Tổng Đoàn sau đó đã nêu ra tên Tạ Vinh, 37 tuổi, một người Hoa gốc Triều Châu, người từng thầu xây dựng các doanh trại cho quân đội Mỹ đã làm giàu bằng cách ăn bớt sắt thép, vật liệu xây dựng bán ra ngoài thị trường, đồng thời còn tích trữ lúa gạo để chờ thời cơ lên giá làm giàu bất chính. Vì báo cáo đó, Tạ Vinh đã bị bắt và số phận của y đã bị định đoạt.

            Ngay sau khi tin Tạ Vinh bị bắt loan ra, các “xì thẩu” người Hoa Chợ Lớn mới hiểu rằng không thể đùa với Tướng Kỳ. Ngày 6/3/1966, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 Chiến thuật mở phiên tòa khẩn cấp xét xử chớp nhoáng kết án tử hình Tạ Vinh khiến cho các xì thẩu khác ai nấy đều nơm nớp lo sợ sẽ đến lượt mình. Vì vậy, họ đã tổ chức họp khẩn cấp 5 bang hội người Hoa và ra quyết định phải hạ ngay giá gạo. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau buổi họp đó, giá gạo đang từ 7,5 đồng/kg đã hạ xuống còn 4 đồng. Mặt khác, họ tìm cách “chạy” cho Tạ Vinh thoát khỏi pháp trường cát nhưng đã không thành công.

NGHI VẤN TẠ VINH CÒN SỐNG ?

            Bản án Tạ Vinh bị Tòa án Quân sự kết án tử hình là bản án chung thẩm. Mặc dù có sự phản đối từ Hồng Kông cho rằng bản án quá nặng cần đem ra xét xử lại ở tòa án Sài Gòn, đồng thời yêu cầu được dẫn độ Tạ Vinh về Hồng Kông để xét xử vì Tạ Vinh cũng là một doanh gia gốc Hồng Kông nhưng những đề nghị ấy đều bị từ chối. Tướng Kỳ tuyên bố rằng, Tạ Vinh đã phạm trọng tội tại Việt Nam trong thời chiến nên sẽ áp dụng luật Việt Nam, và chiếu theo luật tình trạng khẩn trương, bản án sẽ được thi hành ngay, không thể chần chừ như yêu cầu của nhiều thế lực trong và ngoài nước.  Do đó, chỉ hơn một tuần sau phiên xử, ngày 14/3/1966, Tạ Vinh đã bị đem ra hành quyết tại pháp trường cát ở Sài Gòn.

           Bao Amsterdam

          Báo chí ngoại quốc “Amsterdam Evening Recorder” đăng tin xử tử hình Tạ Vinh ngày 14/3/1966

Vụ hành quyết đã diễn ra vào lúc quá nửa đêm tại pháp trường cát Sài Gòn. Phóng viên báo chí trong nước và ngoại quốc đều không được đến gần mà chỉ được đứng từ xa quan sát. Ngay cả thân nhân của Tạ Vinh gồm vợ và con gái cũng không được lại gần.

            Sau khi những loạt đạn của tiểu đội hành quyết vừa chấm dứt, xác Tạ Vinh đã được đưa ngay lên xe bít bùng di chuyển rời khỏi nơi hành quyết một cách mau chóng. Đó cũng là lý do đã dẫn đến nhiều lời đồn đoán người bị xử bắn không phải là Tạ Vinh mà là một tử tội khác được mang ra thế mạng. Đổi lại, Tạ Vinh sẽ được cải trang và mang một cái tên khác bí mật được đưa ra ngoại quốc sống mai danh ẩn tích. Lý do có những lời đồn trên vì vào thời điểm đó (cũng như ngày nay), thế lực của những tài phiệt người Hoa có ảnh hưởng rất mạnh trong nền kinh tế thị trường miền Nam

           Người viết về cơ quan Interpol Vietnam trong sách Lược Sử CSQG là một sĩ quan  từng phục vụ lâu năm tại cơ quan này (Thiếu tá LVH). Theo nội dung bài viết, đồng thời người viết cũng có dịp tiếp xúc với chính tác giả, được biết câu chuyện như sau: Khoảng cuối năm 1974, cơ quan Interpol Vietnam có nhận được một văn thư của Interpol Nhật Bản yêu cầu xác minh một người tên Tạ Vinh. Người này là một người Việt gốc Đài Loan liên can đến một vụ lường gạt bán một thửa đất cho hai người khác nhau tại Nhật. Người Nhật cũng từng biết vụ xử tử Tạ Vinh ở Sài Gòn năm 1966, nên họ muốn biết Tạ Vinh này có phải là Tạ Vinh pháp trường cát năm xưa hay chỉ là một sự trùng tên.

            Nhận được lời yêu cầu của Interpol Nhật Bản, Interpol Vietnam đã phối hợp với CSQG Quận 5 – Saigon mở một cuộc hành quân cảnh sát ở Chợ Lớn. Trong lúc giả vờ khám xét tờ khai gia đình nhà vợ con Tạ Vinh, cảnh sát đã thấy có một điểm bất thường là trên bàn thờ của gia đình ở trong nhà đã không có trưng ảnh thờ Tạ Vinh. Một cảnh viên đã làm bộ tò mò hỏi bà vợ “sao nị không để ảnh thờ chồng nị trên bàn thờ”, nhưng bà này xua tay trả lời “đừng có hỏi”. Tiếp tục cuộc điều tra, CSQG đã liên lạc với người cựu Trưởng Toán Hành Quyết [một cựu sĩ quan Hiến Binh (đã giải tán) nay là một sĩ quan CSQG] để xác minh xem người bị hành quyết tại pháp trường cát năm xưa có đúng là Tạ Vinh hay không. Theo người sĩ quan này, lúc đó trời quá tối và người bị xử tử lại bị bịt mắt nên ông cũng không thể quả quyết; hơn nữa ngay sau khi hành quyết xong thì xác tử tội đã bị di chuyển mang đi ngay.

            Rất tiếc, cuộc điều tra của Interpol Vietnam về nghi vấn Tạ Vinh còn đang tiếp diễn thì biến cố ngày 30/4/75 đã đến khiến cho việc hoài nghi tử tội pháp trường cát Tạ Vinh còn sống hay thực sự đã chết cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.

           Dĩ nhiên, những đồn đoán trên chỉ là một giả thuyết và là một nghi vấn cho đến nay vẫn chưa có lời đáp. Trong cuốn Lược Sử Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Hội CSQG ấn hành năm 2018 & 2019, trong phần viết về tổ chức INTERPOL VIETNAM (VNCH) cũng có đề cập đến nghi vấn này.

TOÀN NHƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn