Hôm 28-8, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng hành động trên của Bắc Kinh có thể thúc đẩy Washington triển khai nhiều tên lửa hơn, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang một cách vô ý.

Đánh giá được đưa ra sau khi Trung Quốc phóng các tên lửa Đông Phong bao gồm DF-26B và DF-21D - được coi là "sát thủ tàu sân bay" - vào khu vực giữa tỉnh đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).

Bộ Quốc phòng Mỹ lên án các vụ phóng tên lửa đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, gây thêm bất ổn cho tình hình ở biển Đông.

Nguy cơ Trung Quốc – Mỹ đụng độ quân sự tăng cao - Ảnh 1.

Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận gần Hải Nam. Ảnh: AP

DF-26 có tầm bắn 4.000 km, có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường chống lại mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Theo SCMP, nó bị cấm trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung được Mỹ và Liên Xô ký kết vào cuối thời kỳ chiến tranh lạnh.

Còn DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km. Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả biến thể tiên tiến nhất của loại tên lửa này - DF-21D – là "tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới". Cả DF-26 và DF-21 đều có khả năng tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Chuyên gia an ninh Derek Grossman tại Tổ chức tư vấn Rand (Mỹ), bình luận: "Vụ phóng tên lửa chỉ làm Mỹ thêm nghi ngờ về ý định của Trung Quốc và củng cố lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện: ngoại giao, kinh tế và an ninh của Washington".

"Có vẻ như quân đội Mỹ sẽ không lùi bước vì hiện nay toàn bộ nỗ lực của chính phủ Mỹ là để cạnh tranh và chống lại Trung Quốc trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa hai bên do tính toán sai lầm. Nếu Trung Quốc bắn một tên lửa DF-21D khác gần tàu sân bay của Mỹ đang đi ngang qua, quân đội Mỹ có thể đáp trả bằng vũ lực vì họ cho rằng tên lửa chỉ đơn giản là bắn trượt mục tiêu. Sau đó, tình hình sẽ leo thang".

Nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc Malcolm Davis cũng đồng ý với ông Grossman và nói thêm: "Các vụ phóng tên lửa sẽ củng cố mối lo ngại của Mỹ về ý định của Trung Quốc, đồng thời tăng cường thách thức do khả năng quân sự của Trung Quốc gây ra".

Trợ lý Giám đốc Viện Đông Á, Trường ĐH Quốc gia Singapore, Chen Gang, thì cho rằng việc Trung Quốc phóng những tên lửa như vậy vào biển Đông sẽ chỉ thúc đẩy Mỹ phát triển và triển khai nhiều tên lửa loại này hơn.

Steve Tsang, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH London, cảnh báo triển vọng cho mối quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai là rất tiêu cực. Thêm vào đó, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động thực thi tự do hàng hải ở biển Đông, tăng cường chúng để đáp lại các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.

Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu đích danh Trung Quốc và Nga là hai đối thủ cạnh tranh trong bài phát biểu về chiến lược an ninh quốc gia của ông. Năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James Mattis đề ra chiến lược quốc phòng với ưu tiên rõ ràng là Mỹ phải đi trước Trung Quốc. Cùng năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump vạch ra mục tiêu thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở khi sự hiện diện của Trung Quốc trên khắp khu vực ngày càng tăng.

Trung Quốc gần đây tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật ở 4 vùng biển. Các nhà phân tích cho biết đây là "lời cảnh báo tới Mỹ và Đài Loan". Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Bắc Kinh mất nhiều năm hiện đại hóa quân đội và điều này thúc đẩy "các hành vi khiêu khích" của quân đội Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 27-8 nhấn mạnh Trung Quốc phản đối và không sợ sự khiêu khích của Mỹ.

Đài Loan "khoe" trung tâm bảo trì F-16

Nhà lãnh đạo Đài Loan hôm 28-8 tuyên bố sẽ bảo vệ hòn đảo bằng lực lượng không quân "vững chắc" khi khai trương trung tâm bảo trì máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ tài trợ. Bà Thái cho biết trung tâm này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ và Tập đoàn phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ Đài Loan (AIDC). Chủ tịch AIDC Ma Wan-june nói họ sẽ dùng trung tâm để bảo trì máy bay của không quân Đài Loan, lên kế hoạch mở rộng nó thành trung tâm bảo trì F-16 trong khu vực.

2

Máy bay trình diễn tại lễ khai trương hôm 28-8. Ảnh: Reuters

Phạm Nghĩa (Theo SCMP, Reuters