Flowers lay over the image of Mya Thwe Thwe Khaing

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Mya Thwe Thwe Khaing vừa mới bước sang tuổi 20

Một phụ nữ trẻ đã trở thành người biểu tình đầu tiên thiệt mạng trong các cuộc tuần hành chống đảo chính ở Myanmar sau khi cô bị bắn vào đầu.

Mya Thwe Thwe Khaing, 20 tuổi, bị thương hồi đầu tuần trước khi cảnh sát cố gắng giải tán người biểu tình bằng vòi rồng, đạn cao su và đạn thật.

Các nhóm nhân quyền cho biết vết thương của cô giống với các vết thương gây ra do đạn thật.

Biểu tình đã nổ ra nhiều ngày ở Myanmar sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.

Bệnh viện ở thủ đô Nya Pyi Taw xác nhận Mya Thwe Thwe Khaing qua đời vào lúc 11:00 giờ địa phương (04:30 GMT), theo tìm hiểu của BBC. Một thành viên của ủy ban tang lễ nói với BBC Miến Điện rằng tang lễ đang được thực hiện và thông tin chi tiết sẽ được công bố.

"Chúng tôi sẽ tìm kiếm công lý và tiến lên phía trước", một bác sĩ nói với hãng tin AFP và nói thêm rằng các nhân viên đã phải đối mặt với áp lực rất lớn kể từ khi cô gái trẻ được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Anh trai của nạn nhân nói với hãng tin Reuters rằng anh "không có gì để nói", và rằng anh ta cảm thấy "thực sự đau buồn".

Các nhà chức trách cho biết họ sẽ điều tra vụ việc, theo Reuters.

Mya Thwe Thwe Khaing, bước sang tuổi 20 sau khi bị bắn, đã sử dụng máy trợ thở kể từ khi được đưa đến bệnh viện vào ngày 9/2.

Cô tham gia một cuộc biểu tình khi cảnh sát sử dụng vòi rồng để buộc người biểu tình rút lui.

Theo BBC Miến Điện, người đã nói chuyện với một nhân viên y tế giấu tên ngay sau khi cô được đưa đến bệnh viện, cô bị chấn thương đầu nghiêm trọng.

Chụp lại video,

Vì sao có đảo chính và biểu tình ở Myanmar?

Tại sao người dân biểu tình ở Myanmar?

Myanmar hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, sau khi quân đội chiếm quyền sau cuộc tổng tuyển cử chứng kiến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội.

Quân đội cho rằng kết quả bầu cử là gian lận, và yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu.

Quyền lực đã được giao cho tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia, bị cáo buộc sở hữu máy bộ đàm bất hợp pháp và vi phạm Luật Thiên tai của đất nước.

Những người biểu tình đang kêu gọi thả bà, cùng với việc thả các thành viên NLD khác. Myanmar hiện đang chứng kiến một số cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Nghệ tây năm 2007.

Các cuộc đụng độ đã xảy ra giữa các nhân viên an ninh và những người biểu tình, và quân đội cũng đã chặn internet trong một nỗ lực để ngăn chặn bất đồng chính kiến.

Sơ lược về Myanmar

  • Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, từ lâu đã được coi là một quốc gia nghèo khổ dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011
  • Tự do hóa từng bước khởi đầu vào năm 2010, đem đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm sau
  • Năm 2017, một chiến dịch quân đội nhắm vào những kẻ bị cáo buộc là khủng bố ở bang Rakhine đã khiến hơn nửa triệu người Rohingyas theo đạo Hồi phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh, điều mà Liên Hợp Quốc gọi là "ví dụ điển hình về thanh trừng sắc tộc"
  • Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân đội vào ngày 1 tháng 2, sau chiến thắng vang dội của đảng NLD trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái