People show the three-finger salute as they rally in a protest against the military coup, 8 February

Nguồn hình ảnh, Reuters

Cảnh sát Myanmar đã bắn đạn cao su ở một cuộc biểu tình ở thủ đô Nay Pyi Taw khi hàng nghìn người bất chấp lệnh cấm biểu tình.

Vòi rồng và hơi cay cũng đã được sử dụng để chống lại những người biểu tình đòi khôi phục nền dân chủ sau cuộc đảo chính.

BBC Miến Điện cho biết ít nhất hai người biểu tình đã bị thương nặng.

Quân đội đã có lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở các thành phố Yangon và Mandalay, cùng với lệnh giới nghiêm.

Các quy tắc được đưa ra sau ba ngày liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình lớn, sau khi chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Đài truyền hình nhà nước nói hôm thứ Hai "phải có hành động" chống lại những kẻ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, phóng viên BBC Jonathan Head lưu ý rằng vẫn chưa có nỗ lực cứng rắn nào dẹp tan cuộc biểu tình, với việc mọi cặp mắt đều đang đổ dồn vào quân đội.

Phóng viên Đông Nam Á của chúng tôi nói rằng, nếu họ hành động, nguy cơ lặp lại cuộc tắm máu lịch sử ở Myanmar - còn được gọi là Miến Điện - sẽ cao hơn nhiều.

Hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cảnh báo rằng không ai đứng trên luật pháp, dù ông không đưa ra lời đe dọa trực tiếp nhằm vào những người biểu tình.

Nhưng khí thế bất chấp vẫn duy trì khi người biểu tình kêu gọi khôi phục nền dân chủ đã xuống đường lại vào thứ Ba.

"Chúng tôi không lo lắng về lời cảnh báo của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt hôm nay. Chúng tôi không thể chấp nhận lý do gian lận phiếu bầu của họ. Chúng tôi không muốn có bất kỳ chế độ độc tài quân sự nào", giáo viên Thein Win Soe nói với hãng tin AFP.

Điều gì đang xảy ra với các cuộc biểu tình?

Ngày thứ tư của cuộc biểu tình ghi nhận đám đông lớn đối mặt với cảnh sát đã bắn vòi rồng ở thành phố Bago.

Theo hãng tin Reuters, vòi rồng cũng liên tục được bắn vào một đám đông biểu tình ở Nay Pyi Taw, những người đã chịu đựng đòn phản kích và không chịu thoái lui.

"Chấm dứt chế độ độc tài quân sự", mọi người gào thét.

Theo BBC Miến Điện, những người biểu tình ở Nay Pyi Taw thậm chí còn có sự tham gia của cảnh sát. Những người biểu tình đã kêu gọi các sĩ quan cảnh sát cùng sát cánh với họ.

Một nhà phân tích chính trị, Kin Zaw Win, trước đó đã nói với hãng tin Al Jazeera rằng cảnh sát thân cận với bà Aung San Suu Kyi hơn so với quân đội và "có nhiều khả năng đứng cùng phe với người biểu tình" hơn là những binh sĩ.

Tại các thành phố khác trên khắp Myanmar, những người biểu tình đang tiếp tục tụ tập. Những ảnh chụp cho thấy người biểu tình đông đảo.

Việc này diễn ra sau các sự kiện hôm thứ Hai, khi ​​các giáo viên, luật sư, nhân viên ngân hàng và công chức tụ tập lại tại các thành phố trên khắp cả nước.

Quân đội phản ứng sao?

Lãnh đạo cuộc đảo chính ở Myanmar đã có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình, tìm cách hợp pháp hóa cho hành động của mình trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối.

Min Aung Hlaing nói cuộc bầu cử vào tháng 11, do đảng của nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, là không công bằng.

Quân đội đã bắt đầu áp đặt các hạn chế ở một số khu vực, bao gồm lệnh giới nghiêm và hạn chế tụ tập.

Các cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức vào thứ Hai trong ngày thứ ba liên tiếp, cùng với một cuộc đình công trên toàn quốc, để phản đối cuộc đảo chính.

Một bác sĩ đi biểu tình - người không muốn nêu tên - nói với BBC: "Hôm nay, chúng tôi, các chuyên gia - đặc biệt là những người làm công chức như bác sĩ, kỹ sư và giáo viên - đã xuất hiện để chứng tỏ rằng chúng tôi cùng đồng lòng trong việc này. Mục tiêu của chúng tôi là như nhau - khiến chế độ độc tài sụp đổ. "

Bài phát biểu của vị tướng này đã khơi mào giận dữ, với những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân đập xoong chảo để phản đối trước màn hình tivi.

Quân đội đã giành quyền lực hồi tuần rồi và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm tại Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, với quyền lực được chuyển giao cho Tướng Min Aung Hlaing.

Bà Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà, bao gồm cả Tổng thống Win Myint, đã bị quản thúc tại gia.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ đang cố gắng gặp gỡ bà Suu Kyi nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối. Mỹ cho biết họ đứng về phía người dân Myanmar trong đối với quyền hội họp và biểu tình một cách ôn hòa.

Một cố vấn kinh tế người Úc cho bà Suu Kyi, Sean Turnell, cũng đã bị bắt giữ và hôm thứ Hai, gia đình ông đã đăng một thông báo trên Facebook kêu gọi thả ông lập tức.

Vị tướng nói gì?

Bài phát biểu của Tướng Min Aung Hlaing tập trung nhiều hơn vào lý do của cuộc đảo chính và nói ít hơn về các mối đe dọa đối với những người biểu tình.

Ông nói rằng ủy ban bầu cử đã thất bại trong việc điều tra những bất thường về danh sách cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11 và đã không cho phép chiến dịch bầu cử công bằng.

Ủy ban nói rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho các tuyên bố về việc gian lận trên diện rộng.

Tướng Min Aung Hlaing, trong bộ quân phục màu xanh lá cây, hứa hẹn sẽ có các cuộc bầu cử mới và chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng. Một ủy ban bầu cử "cải tổ" mới sẽ giám sát việc này.

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Một số khu vực đã bắt đầu xảy ra các cuộc đàn áp quân sự

Ông cũng nói sự cai trị của mình sẽ "khác" so với thời kỳ quân đội nắm quyền kéo dài suốt 49 năm mà kết thúc vào năm 2011 và xảy ra các cuộc trấn áp tàn bạo vào năm 1988 và 2007.

Ông nói về việc đạt được một "nền dân chủ thực sự và có kỷ cương", một cụm từ đã gây nên sự khinh khi của một số người chống đối cuộc đảo chính trên mạng xã hội.

Ông cũng nói với công dân "hãy hướng theo sự thật chứ đừng làm theo cảm xúc của riêng mình".

Vị tướng không đưa ra lời đe dọa trực tiếp nào đối với những người biểu tình, chỉ nói rằng không ai đứng trên luật pháp.

Nhưng một số khu vực đã có những trấn áp, với một số khu vực của Yangon và thành phố thứ hai Mandalay, cùng với các khu vực khác, trong giờ giới nghiêm từ 20:00 đến 04:00 và các giới hạn các cuộc tụ tập giới hạn các nhóm từ năm người trở xuống.

Trước đó, một chương trình phát sóng trên đài truyền hình nhà nước đã cảnh báo "phải có hành động, dựa theo luật ... chống lại các hành vi gây rối, ngăn chặn và phá hủy sự ổn định của đất nước, an ninh công cộng và pháp quyền".

Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Á, nói: "Với một chính phủ đảo chính quân sự đã chà đạp lên nền dân chủ và pháp quyền, thật phi lý khi họ tuyên bố rằng họ có bất kỳ quyền 'hành động pháp lý' nào nhằm vào những người biểu tình ôn hòa."

Hôm thứ Ba, New Zealand tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ mọi liên lạc cấp cao với Myanmar và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự của nước này.

Bà Ardern nói thêm rằng các chương trình viện trợ của New Zealand ở Myanmar có trị giá khoảng 42 triệu đô New Zealand (30,5 triệu đôla Mỹ) từ năm 2018 đến năm 2021, theo Reuters đưa tin.

Đây là động thái quốc tế lớn đầu tiên nhằm cô lập quân đội kể từ khi họ lên nắm quyền vào ngày 1/2.

Ai đã xuống đường?

Theo BBC Burmese, hàng chục nghìn người đã tụ tập hôm thứ Hai tại thủ đô Nay Pyi Taw để đình công, trong khi các thành phố khác như Mandalay và Yangon cũng ghi nhận những con số đáng kể. Những người biểu tình bao gồm giáo viên, luật sư, nhân viên ngân hàng và công chức.

Trên mạng đã có những lời kêu gọi công nhân nghỉ làm để biểu tình. "Đây là ngày làm việc, nhưng chúng tôi sẽ không đi làm kể cả khi tiền lương của chúng tôi bị cắt", một người biểu tình, công nhân nhà máy may 28 tuổi, Hnin Thazin, nói với hãng tin AFP.

Một người biểu tình khác, Hnin Hayman Soe, nói với BBC rằng bà đã tham gia cuộc biểu tình cùng với các con, cháu gái và cháu trai của mình. "Chúng tôi có thể thấy nhiều người trẻ không thể chấp nhận chế độ quân sự. Chúng tôi thậm chí có thể thấy những đứa trẻ vị thành niên ở đây", bà nói.

Có một vài người bị thương, nhưng không hề có bạo lực. Tuy nhiên, vòi rồng đã được dùng ở Nay Pyi Taw để giải tán đám đông. Một đoạn video có vẻ cho thấy rằng những người biểu tình phải dụi mắt và giúp đỡ nhau sau khi bị ướt nhẹp.

Kyaw Zeyar Oo, người quay video, nói với BBC rằng hai chiếc xe đã bắn thẳng vào người biểu tình mà "không có cảnh báo trước", trong khi "đám đông đang biểu tình ôn hòa trước [cảnh sát]".

Phóng viên BBC Nyein Chan Aye, ở Yangon, nói rằng các nhà sư Phật giáo, những người trong cộng đồng người Hồi giáo thiểu số, các cầu thủ bóng đá hàng đầu và các ngôi sao điện ảnh lẫn ca nhạc đều đã tham gia các cuộc biểu tình chống đảo chính, ông dự kiến rằng cuộc biểu tình sẽ trở nên có tổ chức hơn trong những ngày sắp tới. .

Có bằng chứng về gian lận bầu cử không?

Theo BBC Kiểm chứng sự thật

Tướng Min Aung Hlaing đã gọi sự tương phản trong các bỏ phiếu cử tri là lý do biện minh cho cuộc đảo chính.

Quân đội Myanmar nói họ đã phát hiện ra hơn 10 triệu ví dụ về những bất thường trong danh sách cử tri, gồm các việc trùng lặp việc ghi danh hoặc các cá nhân đăng ký mà không có mã số quốc gia.

Nhưng ủy ban bầu cử của đất nước đã bác bỏ các cáo buộc.

Các nhà quan sát độc lập thừa nhận có thể đã có sai sót trong danh sách, nhưng các tuyên bố cố ý gian lận đã không có bằng chứng.

Trung tâm Carter có trụ sở tại Hoa Kỳ, có hơn 40 quan sát viên đến thăm các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử, nói việc bỏ phiếu đã diễn ra "mà không có bất thường lớn nào được báo cáo".

Có những biện pháp để ngăn mọi người bỏ phiếu hai lần, chẳng hạn như mực không thể tẩy đi trên ngón tay. Ủy ban bầu cử cũng chỉ ra những hạn chế nghiêm ngặt phòng ngừa Covid ngăn việc đi lại, khiến việc bỏ phiếu ở nhiều địa điểm trở nên cực kỳ khó khăn.

Điềm báo không mấy tốt đẹp

Cảnh báo trước đó được phát sóng trên truyền hình nhà nước rằng sẽ có hành động chống lại những kẻ phạm pháp là phát súng đầu tiên bắn xuyên qua khiên chắn của quân đội.

Trong đợt bùng nổ các cuộc biểu tình chống quân đội cuối cùng hồi năm 2007, cảnh báo chính thức được đưa ra chỉ trước hai ngày khi binh lính được chuyển vào, nổ súng trực tiếp và sát hại hàng chục người.

Đó là một thời đại khác, không có mạng xã hội, không có điện thoại di động và mạng bị giới hạn. Lần này, các cuộc biểu tình đang được phát trực tiếp trên Facebook, bất chấp các lệnh chính thức buộc các công ty viễn thông địa phương phải chặn mạng và các ứng dụng phổ biến khác.

Liệu quân đội có sẵn sàng gánh chịu việc bị chán ghét nhiều hơn và sử dụng hỏa lực chết người một lần nữa để thực thi ý chí của mình không?

Những điềm báo không mấy tốt đẹp. Các tướng lĩnh nắm quyền dường như tin rằng họ đã hành động đúng đắn trong việc hạ bệ bà Aung San Suu Kyi, thậm chí cảnh báo ngày hôm nay rằng chính những người biểu tình đang đe dọa nền dân chủ bằng sự "thiếu kỷ cương" của họ, chứ không phải quân đội với cuộc đảo chính.