Đường ống Nord Stream 2 dự kiến đưa 55 tỷ mét khối khí đốt một năm từ Nga sang thẳng Đức

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Đường ống Nord Stream 2 dự kiến đưa 55 tỷ mét khối khí đốt một năm từ Nga sang thẳng Đức

Pháp lên tiếng nói cần bỏ dự án đường ống Nga – Đức vì vụ xử tù Alexei Navalny trước ngày trưởng đại diện ngoại giao EU thăm Nga.

Trước ngày Nga đem nhà hoạt động Alexei Navalny ra xử, giữa hai quốc gia đông dân nhất EU có rạn nứt về cách ứng xử với Vladimir Putin xung quanh một dự án nhiều tỷ đô la với Nga.

Ông Clement Beaune, Quốc vụ khanh chuyên về châu Âu của chính phủ Pháp lên tiếng hôm thứ Hai nói Đức cần ngưng và có thể nên bỏ dự án đường ống khí đốt từ Nga.

Theo ông Beaune thì “dừng Nord Stream 2 được là một giải pháp tốt”.

Trả lời đài France Inter, ông Beaune cũng nói các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga về nhân quyền và vụ Alexei Navalny là “chưa đủ mạnh”.

Theo ông thì Pháp đã có nghi ngờ về tiến trình thực hiện Nord Stream sau khi có tin Navalny bị đầu độc.

Theo trang S&P Global chuyên về năng lượng, công ty Engie của Pháp là một trong năm tập đoàn châu Âu tham gia dự án Nord Stream 2.

Tuy thế, quan chức Pháp nói việc ngưng hay hủy đường ống là quyết định của Đức, theo đài Deutsche Welle.

President Putin in video discussion with students, 25 Jan 21

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Putin trong cuộc giao lưu trực tuyến với các sinh viên đã lên án các cuộc tập hợp ủng hộ ông Navalny

Vụ Navalny và quan hệ quốc tế của Nga

Mặc dù đại diện ngoại giao Hoa Kỳ, Anh, Canada và nhiều nước EU có mặt trong phiên xử ông Alexei Navalny, toà án Nga hôm 02/02/2021 vẫn xử ông ba năm rưỡi tù giam.

Vì đã bị giam tại gia và bị tạm giam một thời gian, ông Navalny sẽ phải chịu án hai năm tám tháng tù ngồi.

Tại phiên tòa xử nhà đấu tranh vì 'tội biển thủ' ở Moscow nhiều người bị cảnh sát Nga tạm giữ bên ngoài tòa án.

Ông Navalny, 44 tuổi, nói “chế độ của ông Putin không thể giam cả nước Nga”.

Đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, Anh, Canada, Thụy Sĩ và các nước EU gồm CH Czech, Áo, Lithuania, Norway, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Latvia và Ba Lan đều có mặt. EU cử thêm một số nhà ngoại giao đại diện riêng cho khối.

Alexei Navalny

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Alexei Navalny

Hy vọng không làm tổn hại quan hệ

Điện Kremlin nói số phận của ông Navalny ra sao sẽ “không làm tổn hại quan hệ quốc tế” của nước Nga, theo trang Moscow Times.

Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng “vụ việc vớ vẩn của một người bị tạm giữ” không nên là vấn đề cho quan hệ Nga -EU.

Trong tuần này, đại diện cao nhất về ngoại giao của EU, Josep Borrell dự kiến sẽ thăm Nga hai ngày.

Đã có các tiếng nói tại EU cho rằng thời điểm ông Borrell thăm Nga là “sai lầm”.

Pavel Havlicek viết hôm 03/02/2021 trên trang Euobserver.com rằng dù vậy, nếu muốn cứu vãn chuyến đi, ông Borrell cần chất vấn chính quyền Nga về các vụ biểu tình.

Ngoài ra, ông nên thăm Trung tâm Sakharov, mang tên nhà khoa học và nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng thời Liên Xô, theo ý kiến của Havlicek.

Khi bị hỏi về dự án Nord Stream 2, ông Borrell xác nhận EU “không phải là fan của dự án” nhưng không thể ngăn các công ty Đức làm ăn với Nga.

Hoa Kỳ đã chính thức yêu cầu Nga thả tự do cho ông Navalny.

Tại Nga, cuối tuần qua có các cuộc biểu tình lớn nhỏ khác nhau ở 86 thành phố vì tự do cho Navalny.

Ngay trong ngày xử ông Navalny cũng có hàng nghìn người Nga xuống đường biểu tình vì dân chủ và tự do.

Các nước nghĩ gì về đường ống từ Nga?

Chính phủ Hoa Kỳ từ lâu nay đã bày tỏ lo ngại về an ninh năng lượng cho châu Âu nếu Đức tiếp tục cho hoàn tất dự án cùng Gasprom của Nga.

Hoa Kỳ đã ra các lệnh trừng phạt nhắm vào mọi công ty châu Âu tham gia dự án này.

Nga hiện đã cung cấp 40% khí đốt dùng ở châu Âu.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nhiều lần trấn an các nước đồng minh trong Nato và EU rằng dự án không ảnh hưởng gì đến an ninh của họ.

Chính quyền Đức tuy thế đã có động tác sẵn sàng né tránh lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Cuối 2020, nghị viện tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern thông qua nghị quyết lập ra quỹ 'Foundation for Climate and Environmental Protection MV' để tiếp quản việc xây đường ống với Nga.

Điều gây chỉ trích là tên của quỹ được đặt là Qũy Khí hậu và Môi trường, trong khi đã có các nhóm vì môi trường đấu tranh chống lại dự án đường ống.

Hoa Kỳ chỉ trừng phạt các công ty tư nhân, nên người Đức tin rằng một quỹ của nhà nước sẽ không bị trừng phạt khi nắm quyền điều hành đưa đường ống Nord Stream 2 vào bờ.

Đường ống Nord Stream 2 dự kiến đưa 55 tỷ mét khối khí đốt một năm từ Nga sang thẳng Đức và bỏ qua các nước láng giềng của Đức trong EU như Ba Lan, và các thành viên vùng Baltic của EU.

Các nước này, cùng Ukraine đã liên tục lên tiếng những năm qua về “cuộc chơi Nga – Đức” mà họ cho là sẽ khiến nền kinh tế đầu tàu của EU bị phụ thuộc vào Nga về năng lượng.

Dự án cũng gây quan ngại cho chính phủ Joe Biden nhưng có tin nói Mỹ có thể đàm phán và cho phép Đức tiếp tục nếu Đức đảm bảo được về an ninh năng lượng cho các đồng minh Đông Âu và cho Ukraine.

Ukraine có thể bị thiệt hại nặng nếu Nord Stream 2 hoàn tất, theo một phân tích của BBC News hồi tháng 10/2019.

Năm 2017, phí quá cảnh của khí đốt Nga đem về cho Ukraine 3 tỷ USD.

Nếu Nga có thể xuất khẩu khí bỏ qua lãnh thổ Ukraine thì Kiev không còn được xu nào.