RSF phản đối án tù của blogger Hồ Hải

Thứ Bảy, 03 Tháng Hai 20184:15 SA(Xem: 9313)
RSF phản đối án tù của blogger Hồ Hải
voatiengviet.com

HoHai-dep


Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực buộc Việt Nam chấm dứt “những vi phạm liên tục về quyền tự do thông tin,” sau khi có thêm một blogger nữa bị tuyên án tù hôm 1/2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Blogger Hồ Hải, tức bác sĩ Hồ Văn Hải, 54 tuổi, bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Trong thông cáo ngày 2/2, RSF nói sau hơn 1 năm bị câu lưu, blogger Hồ Hải bị tuyên án bốn năm tù và hai năm quản chế trong một phiên tòa xử kín không có luật sư đại diện.

Ông Hải bị bắt vào ngày 2 tháng 11 năm 2016 vì đăng những bài bình luận về nhiều vấn đề ở Việt Nam, bao gồm những bài viết kêu gọi sự chú ý tới thảm họa ô nhiễm môi trường biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.

Báo chí nhà nước nói điều tra của công an cho thấy ông Hải có 36 bài “vi phạm” một nghị định của chính phủ về quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

"Một lần nữa, một công dân đã bị trừng phạt nặng nề chỉ vì cố gắng cung cấp thông tin cho một xã hội dân sự ở một quốc gia mà tất cả các phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát chặt chẽ," Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói.

"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế nhắc nhở Việt Nam, một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, về các nghĩa vụ của họ. Chúng tôi cũng kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam mở mắt chứng kiến Việt Nam đang ngăn chặn tự do thông tin ra sao, và đưa ra những kết luận thích đáng."

Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp vào tháng 12 năm 2017 kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt truy bức các nhà báo công dân và phóng thích tất cả các blogger bị cầm tù.

Theo thống kê của RSF, hơn 25 blogger đã bị nhà chức trách Việt Nam bỏ tù, kết tội hoặc trục xuất trong năm 2017.

Việt Nam xếp gần chót bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của RSF, đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn