Cuộc truy lùng trùm ma túy châu Á « Tam Ca » của cảnh sát 20 nước

Thứ Sáu, 29 Tháng Giêng 20218:00 SA(Xem: 3748)
Cuộc truy lùng trùm ma túy châu Á « Tam Ca » của cảnh sát 20 nước
Tse%2BChi%2BLop%2B3

Được cho là thủ lãnh của « Tam Ca » (Anh Ba), mạng lưới rộng lớn nhất thế giới về ma túy tổng hợp (méthamphétamine, MDMA và kétamine), Tạ Chí Lạc đã xây dựng được một tập đoán xuyên quốc gia bí mật, hoạt động từ Miến Điện đến New Zealand, có doanh số tối thiểu 15 tỉ euro một năm. Hắn ta không bao giờ di chuyển mà không có các cận vệ là võ sư boxe Thái đi kèm. Việc bắt giữ ông trùm tại sân bay Schipol đã kết thúc một trong những cuộc săn lùng ráo riết nhất trong những năm gần đây, huy động lực lượng cảnh sát của 20 quốc gia.


Tạ Chí Lạc, tức Tam ca (Sam Gor), sinh năm 1963 ở Quảng Đông. Sau thời niên thiếu là tiểu tướng Hồng vệ binh, họ Tạ tham gia một băng nhóm lúc ở tù, sang Hồng Kông trong thập niên 80 rồi Canada, chuyên nhập heroin từ Tam giác vàng (Thái, Lào, Miến). Bị bắt ở New York năm 1998, anh ta có nguy cơ lãnh án chung thân, nhưng đã van lạy các thẩm phán nương tay vì còn cha mẹ già sắp chết, hứa sẽ mở một tiệm ăn để hoàn lương, tỏ ra rất ăn năn. Tạ Chí Lạc chỉ bị 9 năm tù, và khi ra trại năm 2006, anh ta hoạt động y như cũ.

Đương sự lập ra một mạng lưới quy mô với các xưởng bào chế méthamphétamine ở Miến Điện do những người Đài Loan điều hành. Có hai dạng : ma túy đá đắt tiền, và những viên thuốc màu đỏ trộn với caféine dành cho giới bình dân, nhất là tài xế đường dài và công nhân cao su. Nếu méthamphétamine là sản phẩm chủ lực, thì kétamine – chất gây mê dành cho những con thú lớn – ngày càng được buôn bán nhiều hơn, ngoài ra có một ít MDMA và heroin.

Tse%2BChi%2BLop%2B1

Thua bạc 60 triệu euro chỉ trong một đêm

Trong thập niên 90, việc sản xuất méthamphétamine được dời sang các khu vực thiểu số Miến Điện do dân quân kiểm soát. Do không cần nhân công và đất đai để trồng trọt, loại ma túy này rất dễ sản xuất và vận chuyển, mang lại số lời khủng khiếp. Theo Liên Hiệp Quốc, một ký lô méthamphétamine có giá thành 1.500 euro, bán sang Thái 60.000 euro/ký và đến Nhật có giá trên 500.000 euro.

Nhờ lãi lớn, Tạ Chí Lạc áp dụng phương thức ít thấy trong giới tội phạm : ông trùm bảo đảm việc giao hàng và trả tiền lại nếu bị bắt. Dịch vụ hậu mãi này mang lại thành công lớn, nhưng cũng vì vậy mà đường dây bị phát hiện.

Năm 2011, cảnh sát Úc theo dõi một nhóm buôn ma túy ở Melbourne. Những chuyến hàng liên tiếp bị bắt, và bọn buôn lậu đòi mạng lưới hoàn tiền. Năm 2013, một cuộc họp được tổ chức ở Hồng Kông để làm rõ, và nhờ đó mà các nhà điều tra khám phá ra Tạ Chí Lạc, với mái tóc rẽ ngôi giữa, bình thường như mọi ông chủ gia đình, khác hẳn với giới anh chị Nam Mỹ như Escobar hay El Chapo. Trừ thói quen xa xỉ : họ Tạ từng thua trên 60 triệu euro chỉ trong một đêm ở sòng bạc Macao.

Tse%2BChi%2BLop%2B4

Có cả người Việt trong nhóm đầu não

Vai trò của Tạ Chí Lạc vẫn chưa rõ, đến khi một phó tướng của ông trùm là Thái Chính Trạch (Cai Jeng Ze) bị bắt tại sân bay Rangoon năm 2016. Trong điện thoại của nghi can, có hàng trăm tấm ảnh về việc vận chuyển hàng, những điểm hẹn trên biển để các tàu mẹ giao hàng, và nhất là về ông trùm.

Một năm sau, một người gây chú ý cho cảnh sát khi mua một tàu cá bằng 250.000 euro tiền mặt, nhưng không có giấy phép đánh cá và đặt những câu hỏi về thuốc chống say sóng. Các nhà điều tra viên theo chân nghi can đến một tàu Đài Loan tên Thuận Đắc Mãn (Shun De Man) 66, và sau đó người này gặp Tạ Chí Lạc và các tay anh chị khác trong mạng lưới ở Bangkok.

Cảnh sát hết sức ngạc nhiên trước tính kỷ luật và sự tinh tế của một mạng lưới toàn cầu, mà dường như ít có những vụ thanh toán như Nam Mỹ, phối hợp nhiều nhóm mafia hoàn toàn khác biệt về văn hóa : yakuza Nhật, các băng đảng người Hoa, Liban…Trong số các thủ lãnh có người Canada, Malaysia, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Nhờ đâu mà bắt được Tạ Chí Lạc thì cảnh sát vẫn giữ bí mật. Bị Hà Lan bắt theo yêu cầu của Úc, ông trùm sắp được dẫn giải sang Canada và Úc sẽ đòi hỏi dẫn độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn