Covid-19 : Hơn 40 triệu người được tiêm chủng trên thế giới

Thứ Tư, 20 Tháng Giêng 20217:38 SA(Xem: 2908)
Covid-19 : Hơn 40 triệu người được tiêm chủng trên thế giới
rfi.fr

Covid-19 : Hơn 40 triệu người được tiêm chủng trên thế giới

Thu Hằng

Dịch Covid-19 đã khiến hơn 2 triệu người chết trên toàn thế giới, trong đó số ca tử vong đã tăng thêm 9% (thêm 93.000 ca) chỉ trong một tuần từ 11 đến 17/01/2021, theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 20/01. Cả thế giới đã có hơn 40 triệu người được tiêm chủng, tính đến ngày 18/01, nhưng tỉ lệ này rất chênh lệch tại các nước và khu vực địa lý.

Theo trang web « Our World in Data », do một chương trình nghiên cứu của đại học Oxford quản lý, và được đài NHK của Nhật Bản trích dẫn, ít nhất có 37 triệu người được tiêm lần một : Đứng đầu là Hoa Kỳ với 10,6 triệu người, tiếp theo là Trung Quốc (10 triệu), Anh (hơn 4 triệu), Israel (hơn 2,1 triệu).

Tính đến ngày 20/01, Pháp có gần 586.000 người được tiêm chủng, hơn một nửa so với chỉ tiêu 1 triệu người đề ra cho đến cuối tháng 01. Chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu được khởi động muộn hơn và có thể bị chậm tiến độ do công ty Pfizer/BioNTech sẽ giao muộn vac-xin, ít nhất trong một tuần.

Nghị sĩ châu Âu yêu cầu minh bạch hợp đồng cung cấp vac-xin

Pfizer/BioNTech là một trong 6 nhà cung cấp được Ủy Ban Châu Âu ký hợp đồng mua vac-xin. Trong buổi họp ngày 19/01 tại Bruxelles, các nghị sĩ châu Âu đã yêu cầu Ủy Ban Châu Âu phải minh bạch hơn về các hợp đồng này, trong bối cảnh có nhiều ca tử vong sau khi được tiêm vac-xin của Pfizer/BioNTech dù cho đến hiện tại, chưa có trường hợp nào được khẳng định là do phản ứng phụ.

Thông tín viên RFI Joana Hostein tường trình từ Bruxelles :

« Để chấm dứt các tranh cãi, thông tin sai lệch về chiến lược tiêm chủng, cần phải minh bạch hơn về giá của vac-xin, về mức lãi của các công ty bào chế và về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra tác dụng phụ. Đây là nhận định của nghị sĩ châu Âu người Pháp, Pascal Canfin, thuộc nhóm cánh hữu Renew. Ông cũng là người đã tham khảo được hợp đồng ký với công ty Curevac của Đức.

Ông nói : « Trong 6 đoạn trong hợp đồng liên quan đến trách nhiệm pháp lý - ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề ? - trong 6 đoạn đó thì có hai đoạn không đọc được, chúng bị gạch bỏ. Với tư cách là những người đại diện cho công dân châu Âu, làm thế nào chúng tôi có thể hài lòng về kiểu minh bạch như vậy ? »

Các nghị sĩ châu Âu cũng lên án những điều kiện nghiêm ngặt đề truy cập được các tài liệu trên, như trường hợp ông Marc Botenga, nghị sĩ châu Âu của Bỉ thuộc đảng Cánh hữu Thống nhất châu Âu (GUE).

Ông phát biểu : « Thật sự là cứ như trò hề ! Điện thoại bị tạm giữ, phải cam đoan giữ bí mật… Họ trải thảm đỏ cho các nhóm vận động hành lang của các tập đoàn dược phẩm. Tuy nhiên, có được vac-xin trước tiên không phải nhờ vào họ mà là nhờ vào quỹ công, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chi trả cho việc sản xuất và sẽ phải trả giá trong trường hợp thất bại ».

Phía Ủy Ban Châu Âu trả lời là họ không thể tự quyết định về việc tiết lộ các hợp đồng và chỉ có thể làm được khi được các công ty dược bật đèn xanh ».

Trước Nghị Viện Châu Âu ngày 19/01, bà Stella Kyriakides, ủy viên về Sức khỏe của Liên Hiệp Châu Âu, cho biết muốn triển khai cơ chế chia sẻ vac-xin ngừa Covid-19 với các nước láng giềng nghèo hơn tại và với các nước châu Phi, mà không chờ đến khi cơ chế Covax của Liên Hiệp Quốc hoạt động hoàn toàn. Liên Hiệp Châu Âu đặt mua gần 2,3 tỉ liều vac-xin từ 6 công ty cho 450 triệu dân
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn