Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể

Thứ Ba, 05 Tháng Giêng 20214:37 SA(Xem: 3537)
Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể
rfi.fr

Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể

Thu Hằng

Người dân Anh Quốc trở lại nhịp sống phong tỏa trong vòng một tháng rưỡi, kể từ 00 giờ 01 thứ Tư 06/01/2021 đến giữa tháng Hai. Biện pháp triệt để này, chặt chẽ hơn cả đợt phong tỏa mùa Xuân 2020, được thủ tướng Boris Johnson thông báo trên truyền hình tối 04/01 nhằm khống chế biến thể mới của virus corona, có tốc độ lây lan nhanh hơn 50 đến 70%.

Anh là một trong những nước châu Âu chịu tang thương nhất do dịch Covid-19 gây ra với hơn 75.000 người tử vong tính đến tối 04/01. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày luôn ở mức xấp xỉ 50.000, đặc biệt đã có đến 59.000 ca mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 04/01.

Từ Luân Đôn, luật sư Hoàng Đức Thắng, cho biết thêm :

“Hiện nay, Anh Quốc đã tiến hành “lockdown”, còn gọi là phong tỏa, trên phạm vi toàn lãnh thổ, bao gồm cả bốn khu vực : Bắc Ailen, xứ Wales, Scotland và Anh Quốc.

Trên thực tế, biện pháp này là nâng từ mức 4 lên mức 5, tức là phong tỏa toàn bộ. So với mức 4 lúc trước, mức độ hạn chế cao hơn rất nhiều, trong đó rõ rệt nhất là hạn chế đi lại : từ chỗ chỉ trong khu vực bị hạn chế trước kia, việc đi lại từ vài trăm dặm bị rút xuống vài dặm xung quanh nơi ở của mỗi người.

Lý do giải thích biện pháp này là do biến chủng vừa qua của virus corona đã không thể kiểm soát được và dẫn đến số lượng ca bệnh tăng đột biến, có những nơi ghi nhận mức độ 100%, còn phổ biến ở mức 50 đến 70%. Điều đó đã khiến các bệnh viện ở Anh Quốc đang trong tình trạng quá tải. Nếu không có gì thay đổi trong vòng 7 đến 10 ngày nữa, các bệnh viện sẽ bị quá tải rất nhiều và vì lý do đạo lý, không thể để một số người bị chết tại nhà hoặc không được chăm sóc, cũng như những người không nhiễm virus mà bị các bệnh khác.

Theo chính phủ, quyết định này khá là đau đớn, yêu cầu hạn chế và dập dịch bằng cách “mọi người ở nhà”. Người dân thì rất lo lắng và thất vọng dù vẫn bình tĩnh chia sẻ những hoang mang với các nhà khoa học vì virus biến chủng này sẽ dẫn đến việc sử dụng vac-xin không còn hiệu quả nữa và như thế cũng là lãng phí công sức nghiên cứu vac-xin vừa rồi, cũng như công sức phòng chống dịch của cả năm vừa qua. Tuy nhiên, người dân cũng nhận thức rằng đây là quá trình vừa làm vừa học, trong đó có trách nhiệm đạo lý không để bệnh viện quá tải.

Vì thế, từ đảng đối lập đến người dân hiện nay đang mong muốn có những quyết định mang tính mạnh bạo hơn của chính phủ. Và ở một khía cạnh nào đó, người ta đang mơ đến mô hình mà Thụy Điển vẫn áp dụng hiện nay, đó là làm cho miễn dịch cộng đồng một cách nhanh nhất có thể”.

Châu Âu tăng tốc tiêm chủng

Sau khi là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức tiêm ngừa Covid-19 vào đầu tháng 12/2020, Anh Quốc cũng là nước đầu tiên sử dụng vac-xin do AstraZeneca và đại học Oxford bào chế, kể từ ngày 04/01/2021. Bộ trưởng Y Tế Anh khẳng định đã có hơn 1 triệu liều vac-xin được phân phối trên cả nước, nhiều hơn tổng số liều của cả châu Âu.

Pháp nằm trong số những nước châu Âu tiêm chủng ít nhất, với hơn 2.000 mũi tiêm tính đến ngày 04/01. Bộ trưởng Y Tế Olivier Veran hứa “mở rộng, tăng tốc và đơn giản hóa” chiến dịch tiêm chủng. Theo AFP, khoảng 500 đến 600 trung tâm tiêm chủng sẽ được lập từ nay đến cuối tháng Giêng. 500.000 liều vac-xin của Pfizer/BioNTech sẽ được giao hàng tuần. Tương tự, khoảng 500.000 liều vac-xin của Moderna cũng sẽ được giao hàng tháng nếu được Cơ Quan Dược Pháp Châu Âu thông qua vào ngày 06/01. Một biện pháp khác để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng là mở rộng đối tượng được ưu tiên, thêm lính cứu hỏa và người giúp việc gia đình trên 50 tuổi.

Ngược lại với châu Âu và Hoa Kỳ, Úc lại không muốn vội vàng tiêm chủng vì không muốn bị “rủi ro vô ích”, theo phát biểu thủ tướng Scott Morrison ngày 05/01.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn