assassination scene

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Hiện trường vụ tấn công tại Damavand, gần Tehran

Nhà khoa học hạt nhân cấp cao nhất của Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát gần thủ đô Tehran, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận.

Fakhrizadeh chết trong bệnh viện sau một cuộc tấn công ở Absard, thuộc hạt Damavand.

Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, đã lên án vụ giết người "là một hành động khủng bố nhà nước".

Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng ông Fakhrizadeh đứng sau một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.

"Nếu Iran từng chọn vũ khí hóa hạt nhân (làm giàu uranium), Fakhrizadeh được coi là cha đẻ của bom Iran," một nhà ngoại giao phương Tây nói với hãng tin Reuters vào năm 2014.

Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Nhưng tin tức về vụ giết người xuất hiện trong bối cảnh lo ngại mới về lượng uranium được làm giàu của nước này ngày càng tăng. Uranium làm giàu là một thành phần quan trọng cho cả sản xuất điện hạt nhân dân dụng và vũ khí hạt nhân quân sự.

Một thỏa thuận năm 2015 với sáu cường quốc thế giới đã đặt giới hạn về sản lượng uranium làm giàu của nước này, nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận vào năm 2018, Iran đã cố tình gia hạn các thỏa thuận đó.

Joe Biden đã cam kết tái hợp tác với Iran khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng Giêng, bất chấp sự phản đối từ lâu của Israel.

Từ năm 2010 đến 2012, bốn nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị ám sát và Iran đã cáo buộc Israel đồng lõa trong các vụ giết người.

Tên của ông Fakhrizadeh đã được đề cập cụ thể trong bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về chương trình hạt nhân của Iran vào tháng 4/2018.

Hiện chưa có bình luận nào từ Israel về tin tức về vụ ám sát. Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận, theo Reuters.

Điều gì xảy ra với Mohsen Fakhrizadeh?

Nguồn hình ảnh, Reuters

Map showing Absard and location of killing of Mohsen Fakhrizadeh

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Iran cho biết: "Những kẻ khủng bố có vũ trang đã nhắm mục tiêu vào một chiếc xe chở Mohsen Fakhrizadeh, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và sáng tạo của bộ.

"Sau một cuộc đụng độ giữa những kẻ khủng bố và vệ sĩ của mình, ông Fakhrizadeh bị thương nặng và được nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

"Thật không may, nỗ lực của đội ngũ y tế để cứu ông ấy đã không thành công và ông qua đời vài phút trước."

Truyền thông Iran cho biết những kẻ tấn công đã nổ súng vào nhà khoa học trong xe của ông.

Hãng tin Fars trước đó đưa tin xảy ra một vụ nổ xe hơi ở thị trấn Absard. Các nhân chứng cho biết "ba đến bốn người, được cho là khủng bố, đã thiệt mạng".

Tại sao ông Fakhrizadeh là mục tiêu?

Paul Adams, Phóng viên Ngoại giao BBC

Với tư cách là người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và sáng tạo của Bộ Quốc phòng Irane, Fakhrizadeh rõ ràng vẫn là một nhân tố chủ chốt. Do đó, từ hai năm trước, Benjamin Netanyahu đã cảnh báo, "hãy nhớ cái tên này".

Kể từ khi Iran bắt đầu vi phạm các cam kết của mình trong các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nước này đã nhanh chóng lấn tới, xây dựng các kho dự trữ uranium làm giàu thấp và làm giàu đến độ tinh khiết trên mức cho phép theo thỏa thuận.

Các quan chức Iran luôn nói rằng những động thái như vậy có thể đảo ngược, nhưng những phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thì khó có thể xóa bỏ.

"Chúng ta không thể đi lùi", cựu đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ali Asghar Soltanieh, cho biết gần đây.

Nếu Mohsen Fakhrizadeh là nhân tố chính mà Israel cáo buộc, thì cái chết của ông ta có thể đại diện cho nỗ lực của ai đó nhằm hãm đà phát triển của Iran.

Với việc tổng thống đắc cử của Mỹ, Joe Biden, nói về việc đưa Washington trở lại thỏa thuận với Iran, vụ ám sát cũng có thể nhằm làm phức tạp bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.

Các phản ứng?

"Những kẻ khủng bố đã sát hại một nhà khoa học nổi tiếng của Iran hiện nay," Ngoại trưởng Iran cho biết trong một tweet.

"Sự hèn nhát này - với những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel - cho thấy sự tuyệt vọng gây chiến tranh của thủ phạm."

Ông Zarif kêu gọi cộng đồng quốc tế "lên án hành động khủng bố nhà nước này".

Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã nói rằng Iran sẽ trả thù cho việc giết hại nhà khoa học.

Thiếu tướng Hossein Salami nói: "Việc ám sát các nhà khoa học hạt nhân là sự vi phạm trắng trợn quyền lãnh đạo toàn cầu nhằm ngăn cản sự tiếp cận của chúng ta với khoa học hiện đại".

Cựu lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), John Brennan, cho rằng việc sát hại nhà khoa học này là một hành động "tội ác" và "rất liều lĩnh" có nguy cơ làm bùng phát xung đột trong khu vực".

Trong một loạt các dòng tweet, ông nói rằng cái chết của nhà khoa học "có nguy cơ gây ra trả thù chết người và xung đột mới trong vực".

Ông Brennan nói thêm rằng ông không biết "liệu một chính phủ nước ngoài có ủy quyền hoặc thực hiện vụ sát hại Fakhrizadeh hay không".

Mohsen Fakhrizadeh là ai?

Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng nhất của Iran và là sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ưu tú.

Từ lâu, ông được các nguồn an ninh phương Tây cho là cực kỳ quyền lực và góp phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran.

Theo các tài liệu bí mật mà Israel có được vào năm 2018, ông lãnh đạo một chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã xác định Fakhrizedeh là nhà khoa học lãn đạo chương trình, và kêu gọi mọi người "hãy nhớ cái tên đó".

Năm 2015, New York Times so sánh ông với J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý lãnh đạo Dự án Manhattan, trong Thế chiến thứ hai đã sản xuất những vũ khí nguyên tử đầu tiên.

Là một giáo sư vật lý, Fakhrizadeh được cho là đã lãnh đạo Dự án Amad, một chương trình được cho là bí mật được thành lập vào năm 1989 để nghiên cứu tiềm năng chế tạo bom hạt nhân. Theo IAEA, chương trình này bị đóng cửa vào năm 2003, mặc dù ông Netanyahu nói rằng các tài liệu thu được vào năm 2018 cho thấy Fakhrizadeh đã lãnh đạo một chương trình bí mật tiếp tục công việc của Dự án Amad.

IAEA từ lâu đã muốn nói chuyện với ông Fakhrizadeh như một phần của cuộc điều tra về chương trình hạt nhân của Iran.

Những nghi ngờ rằng Iran đang sử dụng chương trình này làm vỏ bọc để phát triển bom hạt nhân đã khiến EU, Mỹ và LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề vào năm 2010.

Thỏa thuận năm 2015 mà Iran đạt được với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức cho thấy nước này hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Kể từ khi Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận, nó có nguy cơ thất bại. Đầu tháng này, IAEA cho biết Iran có lượng uranium làm giàu gấp 12 lần lượng cho phép theo thỏa thuận.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang, lên đến đỉnh điểm vào tháng Giêng khi Mỹ ám sát Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran.