bbc.com

Ba Lan và Hungary 'đoàn kết' phủ quyết ngân sách EU


Biểu tình phản đối luật cấm phá thai hà khắc ở Ba Lan hồi tháng 10/2020

Nguồn hình ảnh, EPA/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Biểu tình phản đối luật cấm phá thai hà khắc ở Ba Lan hồi tháng 10/2020

Hai thành viên ở Đông Âu của Liên hiệp châu Âu (EU) lần đầu công bố họ cùng nhau chống lại điều kiện thực thi pháp quyền trong quá trình thông qua ngân sách EU 2021-27.

Cho đến ngày 27/11/2020, việc thông qua ngân sách 1,81 nghìn tỷ euro cho khối EU, gồm cả ngân khoản chống dịch Covid đang hoành hành tại châu lục này, vẫn bế tắc vì Hungary và Ba Lan phủ quyết.

Các báo châu Âu trích lời lãnh đạo Hungary và Ba Lan nói họ cương quyết phản đối việc EU gắn điều khoản tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền, với việc thông qua ngân sách mới cho EU, gồm cả khoản chi hàng trăm tỷ euro để khắc phục dịch Covid.

EU có thời gian từ giờ đến hết năm để thay đổi các phương án thông qua ngân sách, nếu không thì từ đầu 2021, khối này sẽ phải chi tiêu theo một ngân sách tạm hàng năm.

Ngân sách tạm sẽ không có khoản chi cho các nước thành viên để 'phục hồi kinh tế' bị tàn phá bởi dịch Covid-19.

Hungary hiện có chừng 3800 ca lây nhiễm Covid mỗi ngày, còn Ba Lan ghi nhận trên 15 nghìn ca/ngày trong tuần qua.

'Cùng chung chiến hào'

Trong thông báo của thủ tướng Victor Orban hôm 26/11, đại diện Hungary lần đầu nói chính phủ của ông “không chấp nhận bất cứ lập luận nào của EU mà không được chính phủ Ba Lan chấp thuận”.

Phát biểu tương tự của thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng nước ông giữ quan điểm cùng Hungary trong vấn đề này.

Họ cũng cảnh báo Brussels rằng việc gây sức ép tiếp tục sẽ có thể “làm vỡ EU” và khối này sẽ phải thay đổi các hiệp ước chung.

Việc đưa điều khoản ràng buộc về nhà nước pháp quyền vào quá trình thông qua ngân sách là sáng kiến của Hà Lan và được các nước lớn nhất trong EU như Pháp và Đức ủng hộ.

Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez cũng vừa nói rằng Hungary và Ba Lan cần xem lại cách tiếp cận của họ.

Tuy hai quốc gia cựu cộng sản từng va chạm với 'EU cũ' về nhiều vấn đề, sự kiện lần đầu tiên Budapest và Warsaw 'lập một khối riêng' (one block) gây choáng EU trong khi khối này chưa đạt thỏa thuận Brexit với Anh.

Ba Lan và Hungary thẳng thừng nói họ yêu cầu EU xem lại quyết định, sau khi đã phủ quyết việc thông qua ngân sách EU nhanh chóng:

“Dùng lá phiếu phủ quyết là phương án cuối cùng. Chúng ta đang đối mặt với sự tùy tiện của một cơ chế mà có thể sẽ vẫn tới chỗ EU tan vỡ.”

Từ nhiều tháng qua, cả Ba Lan và Hungary bị chỉ trích là làm xói mòn nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Hai chính phủ thiên hữu, bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa ở Budapest và Warsaw đã ra nhiều quy định và luật để hạn chế chỉ trích từ các báo chí tự do và xã hội dân sự với đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo đương chức.

Tại Ba Lan hôm đầu tuần lại có biểu tình ở 50 thành phố của các tổ chức vì quyền phụ nữ sau khi chính phủ ra luật cấm phá thai gần như trong mọi trường hợp.

Chính phủ cánh hữu do đảng Pháp luật và Công lý (PiS), cầm quyền liên tục từ 2015, đã đảo ngược lại xu hướng tự do ở nước này trong 30 năm qua.

Hungary thì đã trục xuất một đại học (CEU) khỏi Budapest hồi 2018 và gần đây bắt một số tờ báo phải giải tán.

Chính phủ của thủ tướng Orban cũng công khai tỏ ra thân thiết với nước Nga và Trung Quốc.

Gần đây nhất, Đại học Phục Đán, Thượng Hải đã khai trương bộ phận tại Budapest và được các đại diện chính quyền Hungary hoan nghênh, chào đón.