Thông điệp Mỹ gửi Trung Quốc khi thử tên lửa diệt ICBM

Thứ Bảy, 21 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 5016)
Thông điệp Mỹ gửi Trung Quốc khi thử tên lửa diệt ICBM

Việc tàu chiến Mỹ lần đầu đánh chặn tên lửa xuyên lục địa có thể là lời đáp trả cho vụ thử tên lửa "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) hôm 17/11 cho biết tàu khu trục USS John Finn đã phóng một quả đạn phòng không SM-3 Block IIA và đánh trúng mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Giới chuyên gia cho rằng vụ thử này của Mỹ là thông điệp răn đe được gửi đến Trung Quốc, Triều Tiên cũng như nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.

"Đợt thử nghiệm đạn SM-3 Block IIA có thể coi là động thái đáp trả vụ Bắc Kinh phóng hai tên lửa đạn đạo có biệt danh 'sát thủ tàu sân bay' xuống Biển Đông hồi tháng 8", chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định.

Trung Quốc sáng 26/8 phóng một tên lửa DF-26B từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc và một tên lửa DF-21D từ tỉnh Chiết Giang ở miền đông đất nước. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết cả hai quả đạn đều rơi xuống vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Wang Xiangsui, cựu đại tá quân đội Trung Quốc và hiện là giáo sư Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh, sau đó tiết lộ cả hai quả đạn đều đánh trúng mục tiêu di động trên Biển Đông. Thông tin được công bố hôm 14/11, chỉ vài ngày trước khi Mỹ phóng tên lửa SM-3 Block IIA.

Vụ thử tên lửa phòng không của Mỹ cũng có thể gửi thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên, quốc gia sở hữu chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân khiến Mỹ lo ngại. Bình Nhưỡng hôm 10/10 cũng ra mắt mẫu ICBM hạng nặng mới dựa trên dòng Hwasong-15, tên lửa đạn đạo có tầm bắn 13.000 km được nước này phóng thử năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng vụ Mỹ thử tên lửa SM-3 có thể trở thành lý do khiến Trung Quốc tiến hành thêm nhiều đợt phóng tên lửa đạn đạo trong năm nay.

"Washington đã lợi dụng những đợt thử tên lửa của Bắc Kinh để gia tăng sự hiện diện quân sự trên Thái Bình Dương, trong khi đợt phóng đạn đánh chặn SM-3 nhằm cho thấy họ đang chiếm ưu thế toàn diện ở châu Á. Họ muốn thể hiện rằng Washington vẫn đủ sức bảo vệ các đồng minh trong khu vực", Zhou nói thêm.

Đợt thử tên lửa SM-3 Block IIA đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ phóng đạn đánh chặn mục tiêu mô phỏng ICBM trong hành trình. Các cuộc phóng trước đây đều sử dụng tên lửa đặt trong hầm ngầm trên lãnh thổ Mỹ.

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình ở Hong Kong thì cho rằng tên lửa 0SM-3 Block IIA phóng từ tàu chiến Mỹ không đủ sức đánh chặn tên lửa DF-26B và DF-41 Trung Quốc vì chúng có khả năng đổi quỹ đạo chớp nhoáng trên đường bay đến mục tiêu.

"SM-3 khó lòng đối phó tên lửa DF-41, nhưng vẫn là mối đe dọa với các mẫu ICBM của Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, cuộc phóng thử của Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nỗ lực hiện đại hóa nhằm nâng cấp kho tên lửa đạn đạo thế hệ cũ", Tống nói.

Tên lửa SM-3 rời bệ phóng trên tàu USS John Finn hôm 16/11. Ảnh: US Navy.

Tên lửa SM-3 rời bệ phóng trên tàu USS John Finn hôm 16/11. Ảnh: US Navy.

SM-3 Block IIA được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa. Nó nằm trong hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) Aegis, có thể phóng từ tàu chiến trang bị hệ thống Aegis hoặc căn cứ vận hành tổ hợp Aegis Ashore.

SM-3 là tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay trong không gian.

Khi đạt độ cao phù hợp, SM-3 Block IIA phóng ra đầu đạn động năng để hạ mục tiêu bằng lực đâm va, thay vì dựa vào sức công phá từ thuốc nổ như tên lửa đánh chặn thông thường. Đầu đạn động năng có kích thước và tính cơ động cao hơn đầu đạn trên tên lửa SM-3 Block IB đời cũ. Biến thể Block IIA được trang bị động cơ lớn hơn giúp tăng tầm bắn, độ cao và vận tốc pha cuối.

SM-3 Block IIA ban đầu được thiết kế để lấp khoảng trống giữa các tổ hợp phòng thủ tên lửa pha cuối như Patriot và THAAD.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đặt mục tiêu mở rộng khả năng đánh chặn tên lửa ICBM của SM-3 Block IIA. Các kiến trúc Aegis BMD cho phép hệ thống Aegis tung đòn đánh chặn tên lửa đạn đạo trước khi nó hồi quyển và di chuyển với tốc độ nhanh hơn.

Vũ Anh (Theo SCMP)

Ý kiến bạn đọc
Thứ Bảy, 21 Tháng Mười Một 20207:20 CH
Khách
Trong chien tranh,ben nao co quan so tinh nhue-vu khi toi tan ap dao va nguoi chi huy thong suot y dinh cua dich quan,thi cam chac su chien thang. My , ho hay co thoi quen dua ra nhung vu khi ap dao cac cu khi duoc goi la toi tan va kinh khung nhat cua doi phuong .Goi la dan mat cung dung- Nhung tai sao ho lam vay ? Thu nhat: ho ran de chien tranh,voi ngam y,vo khi ma nguoi cho la toi tan,thi ta day da co tu lau va da du suc de tieu huy no.Vay cho manh dong va gay chien ! Thu hai : ngam co muc dich khuyen khich chay dua san xuat vu khi,trong khi ke thu dang hut hoi,tuong tu nhu stars war da khien lien bang so viet vo no ! Muc thu hai nay co ly hon !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn