Mỹ chấp thuận bán máy bay không người lái sát thủ MQ-9B cho Đài Loan ( Cập nhật )

Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Một 20207:28 SA(Xem: 5372)
Mỹ chấp thuận bán máy bay không người lái sát thủ MQ-9B cho Đài Loan ( Cập nhật )

Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chính quyền Tổng thống Trump đã thông qua thương vụ bán 4 máy bay không người lái hiện đại cùng các thiết bị liên quan cho Đài Loan với giá trị ước tính khoảng 600 triệu USD.

1604456419-5fa20fe33876e
(Ảnh: GA-ASI)

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông báo chính thức cho Quốc hội Mỹ về thương vụ này, bao gồm 4 máy bay sát thủ điều khiển từ xa MQ-9B có trang bị vũ khí cùng với hai trạm điều khiển cố định trên mặt đất, hai trạm điều khiển di động trên mặt đất và các dịch vụ liên quan như đào tạo nhân sự, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.

DSCA cho biết thương vụ này sẽ giúp cải thiện năng lực của Đài Loan nhằm đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp kịp thời thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), thu nhận mục tiêu, và khả năng tấn công đối đất, tấn công đối biển và chống tàu ngầm để đảm bảo an ninh và quốc phòng.

DSFA cho biết thêm rằng việc đề xuất bán các phương tiện bay tự động, thường được gọi là máy bay không người lái (drones) cũng sẽ tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan.

Bốn máy bay không người lái được sản xuất bởi General Atomics Aeronautical Systems đặt tại California, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ chuyên sản xuất các hệ thống máy bay không người lái. Ngoài ra, các máy bay không người lái này sẽ được trang bị Hệ thống Giám sát Điện tử SAGE 750.

Quốc hội Hoa Kỳ có 30 ngày để phản đối bất kỳ thương vụ nào, nhưng khả năng bác bỏ thương vụ bán vũ khí này rất khó xảy ra bởi vì Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình phải được thu hồi về Đại lục bằng vũ lực quân sự nếu cần. Phòng vệ của Đài Loan chủ yếu là để chống lại khả năng xảy ra cuộc xâm lược của chế độ cộng sản Trung Quốc. Đảo quốc này là một quốc gia độc lập trên thực tế với hiến pháp, tiền tệ, quân đội riêng và các quan chức được bầu cử một cách dân chủ.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã hoan nghênh  thương vụ bán vũ khí của Hoa kỳ trong một bài đăng trên Twitter, nói rằng thương vụ này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) và Sáu Bảo đảm mà Hoa Kỳ đã ban hành trước đây.

Bộ cho biết: “Thương vụ này cũng giúp đất nước duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ cũng như hòa bình và ổn định xuyên eo biển và trong khu vực.”

Washington đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để quay sang ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì quan hệ phi ngoại giao với đảo quốc dựa trên đạo luật TRA do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký thành luật vào tháng 4/1979, trong đó cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho đảo quốc này các thiết bị quân sự để tự vệ và thành lập một tổ chức phi lợi nhuận với tên gọi Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, hiện được xem là Đại sứ quán Hoa Kỳ trên thực tế tại đảo quốc.

Năm 1982, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đưa ra Sáu Đảm bảo an ninh đối với Đài Loan, bao gồm việc Hoa Kỳ cam kết không ấn định ngày chấm dứt việc bán vũ khí cho hòn đảo và sẽ không tham vấn Bắc Kinh đối với bất kỳ thương vụ mua bán vũ khí nào, cũng như không sửa đổi đạo luật TRA.

Bắc Kinh thường phản ứng giận dữ mỗi khi Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Hôm thứ tư (4/11), phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo hàng ngày đã cáo buộc Hoa Kỳ “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng cáo buộc Hoa Kỳ “phá hoại quan hệ Trung – Mỹ cũng như hòa bình và ổn định xuyên eo biển.”

Một ngày trước đó (3/11), Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo cáo buộc thương vụ bán vũ khí “là một quân bài trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Đài Loan được sử dụng như một công cụ.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Thông Tấn Xã Trung ương Đài Loan, ông Su Tzu-yun, giảng viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Đài Loan, cho biết các máy bay không người lái mới sẽ giúp quân đội Đài Loan tăng cường khả năng trinh sát (giám sát các hoạt động trong lãnh thổ của kẻ thù) cũng như khả năng quản lý chiến trường.

Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu của Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược Đài Loan, nói với CNA rằng các máy bay không người lái sẽ là công cụ rất thích hợp để tiến hành các hoạt động giám sát tầm xa so với máy bay săn tàu ngầm P-3C hiện tại, bởi máy bay không người lái có thể hoạt động trên không với thời gian dài hơn.

Do đó, theo ông Chieh, các máy bay không người lái sẽ thích hợp cho các hoạt động thu thập thông tin tình báo về các tàu của đối phương bao phủ trên một vùng biển rộng lớn gần Đài Loan.

Thương vụ mới nhất này là thương vụ thứ 10 mà Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một gói bán vũ khí cho Đài Loan trị giá trên một tỷ USD bao gồm 135 tên lửa tấn công đất liền chính xác do Boeing sản xuất. Sau đó, Bộ này phê duyệt một thương vụ bán vũ khí khác trị giá 2,37 tỷ USD bao gồm 100 Hệ thống tên lửa Phòng thủ Bờ biển Harpoon và 100 Tên lửa phóng từ mặt đất RGM-84L-4 Harpoon Block II do Boeing sản xuất.

Theo thông báo của Nhà Trắng, thương vụ bán máy không người lái được đề xuất dành cho Đài Loan được đưa ra sau khi chính quyền TT Trump nới lỏng các quy định xuất khẩu máy bay không người lái liên quan đến Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) vào tháng 7. MCTR là một thỏa thuận chính trị không chính thức giữa 35 quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn sự phổ biến các tên lửa có khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trước khi thay đổi quy định, các máy bay không người lái được xếp loại là tên lửa hành trình và Washington luôn giữ quan điểm từ chối đối với bất kỳ yêu cầu mua hàng nào của nước ngoài. Theo thông báo của Nhà Trắng, căn cứ để từ chối hiện đã được loại bỏ đối với các máy bay không người lái có tốc độ dưới 800km/giờ. Việc xuất khẩu máy bay không người lái sẽ được xem xét cho từng trường hợp cụ thể.

Frank Fang/ The Epoch Times

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn