Từ Hoa Vi đến Giải Phóng Quân Nhân Dân: Luân Đôn cảnh báo đe dọa đến từ Bắc Kinh

Thứ Sáu, 09 Tháng Mười 20206:00 CH(Xem: 4280)
Từ Hoa Vi đến Giải Phóng Quân Nhân Dân: Luân Đôn cảnh báo đe dọa đến từ Bắc Kinh
rfi.fr

Từ Hoa Vi đến Giải Phóng Quân Nhân Dân: Luân Đôn cảnh báo đe dọa đến từ Bắc Kinh

Mai Vân

Quan hệ Anh-Trung phải chăng đang trải qua giai đoạn tức nước vỡ bờ? Câu hỏi này đang được đặt ra sau hàng loạt động thái cứng rắn của Luân Đôn nhắm vào Bắc Kinh, trên mọi hồ sơ từ Hồng Kông, Duy Ngô Nhĩ, cho đến Biển Đông, Hoa Vi. Nổi bật hơn cả, nhưng ít được nói đến, là sự kiện tư lệnh lực lượng võ trang Anh ngày 30/09/2020 đã công khai xác định rằng Trung Quốc – cùng với Nga – là những mối đe dọa hàng đầu.

Phát biểu tại trung tâm tham vấn Policy Exchange ở Luân Đôn, tướng Nick Carter đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang sử dụng các cuộc tấn công mạng, các chiến dịch thông tin sai lệch và những biện pháp giám sát hàng loạt để tiến hành cả một cuộc “chiến tranh chính trị” ở phương Tây, với mục tiêu “phá vỡ sức mạnh ý chí” của đối phương mà không để cho tình hình leo thang thành xung đột chính thức.

Để đối phó, người đứng đầu lực lượng võ trang Vương Quốc Anh đã phác họa chiến lược mới mà ông đề ra cho quân đội Anh, để chống lại các mối đe dọa đến từ những quốc gia mà ông gọi là “đối thủ độc tài - authoritarian rivals”.

Áp dung bài bản của “Siêu Hạn Chiến”

Về Trung Quốc, lãnh đạo quân đội Vương Quốc Anh đã nhấn mạnh đến chủ trương thao túng các thể chế và luật pháp quốc tế, sử dụng công nghệ để đạt các mục tiêu chiến lược quân sự nhưng được ngụy trang dưới vỏ bọc liên doanh dân sự.

Đối với tướng Nick Carter, thủ đoạn này của Trung Quốc, mà ngày nay thường được gọi là “chiến tranh luật pháp - lawfare” trong lĩnh vực an ninh, bắt nguồn từ học thuyết “Siêu Hạn Chiến” - hay chiến tranh không giới hạn - mà Quân Đội Trung Quốc đề ra vào cuối những năm 1990 và sau đó tiếp tục được hoàn thiện.

Tướng Carter cho rằng các chiến thuật của Trung Quốc đã “đi trước sự chuyển biến của luật pháp quốc tế để cho các hành động của họ khỏi bị coi là hành vi gây chiến theo định nghĩa hiện hành của luật pháp quốc tế”.

Theo ông: “Các văn kiện có thẩm quyền của Giải Phóng Quân Nhân Dân (Trung Quốc) đã lập luận rằng ranh giới không rõ ràng giữa hòa bình và chiến tranh mở ra cho quân đội cơ hội đạt được mục đích, ngụy trang các hoạt động (chiến tranh) của họ dưới vỏ bọc dân sự, tức là vỏ hòa bình.”

Lũng đoạn WHO, tung bẫy nợ khắp nơi, gây hấn với láng giềng

Trong bài phân tích về chiến lược mới của tướng Carter, nhật báo Anh The Independent đã gắn liền đánh giá của nhân vật lãnh đạo Quân Đội Anh với những cáo buộc đang nhắm vào Trung Quốc.

Trước hết là vai trò của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch Covid-19. Trong vấn đề này, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) với vị tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus được Trung Quốc hậu thuẫn, đã bị cho là đã cố tình làm ngơ trước những cáo buộc theo đó Bắc Kinh đã che giấu sự bùng phát của virus corona vào lúc đầu và không cung cấp thông tin về loại virus này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “chấm dứt” quan hệ của Mỹ với WHO vì không quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về đại dịch , trong khi đó thì các quốc gia thành viên của WHO đã bỏ phiếu cho mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch.

Trung Quốc cũng bị buộc tội cố tình gieo rắc “sự lệ thuộc vào nợ” thông qua “Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường” ở các nước đang phát triển và sau đó chiếm lấy các vùng lãnh thổ chiến lược, chẳng hạn như cảng Hambantota ở Sri Lanka, khi các con nợ không thể trả được các khoản vay.

Trong khi đó, Quân Đội Trung Quốc đã đụng độ với quân đội Ấn Độ ở vùng biên giới trên bộ giữa hai nước, cho tập trận gần Đài Loan, đối đầu với một số quốc gia láng giềng, và đàn áp các quyền công dân ở Hồng Kông sau khi giành quyền kiểm soát lãnh thổ này.

Tướng Carter nhận định: “Cuộc khủng hoảng Covid đã nêu bật những thách thức phức tạp và biến hóa nhanh chóng mà các nhà nghiên cứu, xã hội dân sự và tất nhiên là giới hoạch định chính sách đang gặp phải trước các cách dùng tuyên truyền, sử dụng dữ liệu một cách sai lệch, thông tin thất thiệt và gây ảnh hưởng chiến lược. Và các đối thủ đọc tài của chúng ta đã sử dụng những kỹ thuật này một cách hiệu quả nhất”.

“Bằng chứng rõ ràng” là Hoa Vi thông đồng với Nhà Nước TQ

Lời tố cáo Trung Quốc “sử dụng công nghệ để đạt các mục tiêu chiến lược quân sự nhưng được ngụy trang dưới vỏ bọc liên doanh dân sự” mà tư lệnh Quân Đội Anh đưa ra như đã được minh họa bằng kết luận của một cuộc điều tra của Hạ Viện Anh, xác định có “bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng” giữa Hoa Vi và Nhà Nước Trung Quốc.

Trong bản báo cáo điều tra về An Ninh Mạng 5G công bố ngày 08/10/2020, Ủy Ban Quốc Phòng của Hạ Viện Anh đã khẳng định rằng tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi – luôn tự nhận mình là doanh nghiệp tư nhân – thực ra đã cấu kết với guồng máy của Nhà Nước Cộng Sản. Ủy Ban cho biết đã có “bằng chứng rõ ràng” về vấn đề này nhưng không đi vào chi tiết.

Trên cơ sở kết luận đó, Hạ Viện Anh khuyến cáo chính quyền là phải cho loại bỏ toàn bộ thiết bị của Hoa Vi vào năm 2025, sớm hơn thời hạn dự kiến là 2027.

Bản báo cáo trích dẫn một nhà đầu tư tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc “đã tài trợ khoảng 75 tỷ đô la cho Hoa Vi trong ba năm qua” giúp cho hãng này bán được phần cứng của mình với “giá thấp đến mức nực cười”.

Điều này càng làm nổi bật tuyên bố của một nhà nghiên cứu, cáo buộc rằng Hoa Vi đã “tham gia vào nhiều hoạt động tình báo, bảo mật và sở hữu trí tuệ”, điều mà tập đoàn này đã liên tục phủ nhận.

Ủy Ban kết luận: “Rõ ràng là Hoa Vi có liên hệ chặt chẽ với Nhà Nước và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố trái ngược của họ. Thực tế đó được chứng minh bằng mô hình sở hữu của tập đoàn và các khoản trợ cấp mà Hoa Vi đã nhận được.”

Từ bạn vàng trở thành đối thủ phê phán dữ dội nhất

Báo cáo của Hạ Viện và lời cảnh báo của Tư lệnh Quân Đội Anh là dấu hiệu mới nhất cho thấy là chỉ trong vài tháng, chính sách Trung Quốc của Vương Quốc Anh đã thay đổi hoàn toàn. Cho đến gần đây, Luân Đôn luôn tự nhận mình là “đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây” và cam kết phát huy mạnh hơn nữa “kỷ nguyên vàng son” được tuyên bố trong quan hệ với Bắc Kinh.

Trước khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 7 năm ngoái, ông Boris Johnson còn khẳng định rằng chính phủ của ông sẽ rất “thân Trung Quốc” và “rất nhiệt tình với Sáng Kiến ​​Vành Đai và Con Đường”. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, Vương Quốc Anh đã trở thành một trong những nước phê phán Trung Quốc dữ dội nhất, không ngần ngại chọc giận Bắc Kinh khi loại bỏ Hoa Vi khỏi mạng 5G, quyết định cung cấp cho hàng triệu người Hồng Kông khả năng trở thành công dân Anh và lên kế hoạch kềm chế các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn