Vụ đầu độc Navalny : G7 yêu cầu Nga xét xử khẩn cấp thủ phạm

Thứ Tư, 09 Tháng Chín 20204:07 SA(Xem: 3366)
Vụ đầu độc Navalny : G7 yêu cầu Nga xét xử khẩn cấp thủ phạm
rfi.fr

Vụ đầu độc Navalny : G7 yêu cầu Nga xét xử khẩn cấp thủ phạm

Thu Hằng

Nhà hoạt động đối lập Nga, Alexei Navalny, trong một sự kiện tại Matxcơva ngày 29/02/2020.

Nhà hoạt động đối lập Nga, Alexei Navalny, trong một sự kiện tại Matxcơva ngày 29/02/2020. REUTERS - Shamil Zhumatov

Trong cùng ngày 08/09/2020, cả Liên Hiệp Quốc và nhóm G7 lên tiếng về vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok, hết hôn mê từ ngày 07/09. Bà Michelle Bachelet, cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đề nghị Matxcơva mở điều tra « độc lập ». Trong khi đó, nhóm G7 yêu cầu Nga xét xử « khẩn cấp » những thủ phạm vụ đầu độc nhà đối lập.

Trong một thông cáo chung được Mỹ, hiện là chủ tịch luân phiên của nhóm G7, công bố, ngoại trưởng các nước Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Anh và Nhật Bản khẳng định « nhất trí lên án, với những từ ngữ mạnh mẽ nhất, vụ đầu độc Alexei Navalny đã được xác nhận ».

Ngoài yêu cầu đưa thủ phạm ra xét xử, khối G7 còn nhắc lại « những cam kết » của Matxcơva đối với Công ước về Vũ khí Hóa học, theo đó « mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học, ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào, dù là bất kỳ ai hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều không chấp nhận được và đi ngược với chuẩn mực quốc tế ».

AFP cho biết nhóm G7 sẽ « theo dõi sát sao » câu trả lời của Nga trước những yêu cầu giải thích của cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Pháp cũng tỏ ra kiên quyết về vụ đầu độc Navalny. Ngày 08/09, Paris thông báo hoãn cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Pháp - Nga, dự kiến diễn ra ngày 14/09 ở Paris. Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Pháp Agnès von der Müller, quyết định được đưa ra sau khi đã « trao đổi với chính quyền Nga ».

Belarus : Thêm một nhà lãnh đạo đối lập bị bắt cóc

Luật sư Maxim Znak, một trong hai thành viên cuối cùng còn được tự do (cùng với nhà văn Svetlana Alexievitch được giải Nobel) của Hội đồng Điều phối của phe đối lập Belarus đã bị một nhóm người che mặt bắt cóc sáng 09/09, theo thông tin của AFP.

Trước đó, bà Maria Kolesnikova cùng với hai nhân vật khác trong Hội đồng Điều phối đã bị một nhóm người lạ mặt bắt và đưa đến tận biên giới với Ukraina để ép rời khỏi Belarus. Ba nhân vật đối lập này nhận được một chiếc ô tô, hộ chiếu và vé máy bay đến nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, bà Maria Kolesnikova đã xé hộ chiếu để không rời Belarus và bặt vô âm tín từ thứ Hai 07/09. Thông tin trên được hai người đi cùng bà đến biên giới, Anton Rodnenkov và Ivan Kravtsov, cung cấp trong một buổi họp báo tại Kiev, Ukraina, tối 08/09.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn