U.S. Navy

Nguồn hình ảnh, U.S. Navy

Chụp lại hình ảnh,

Tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ

Căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục dâng cao với những hành động cứng rắn, leo thang từ cả Washington và Bắc Kinh trong những ngày qua.

Hôm thứ Sáu 28/8, Hoa Kỳ đưa thêm 11 công ty nữa của Trung Quốc vào tầm ngắm trong lúc Bắc Kinh nói việc phóng tên lửa của quân đội nước này vào vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa là chính đáng.

Bất chấp việc Trung Quốc phóng các tên lửa tầm trung hôm thứ Tư nhằm 'ra tín hiệu cảnh báo', Hải quân Hoa Kỳ ngay hôm sau, thứ Năm, gửi tàu khu trục USS Mustin tiến vào sát Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc trên thực tế đang nắm quyền kiểm soát.

Mỹ tiếp tục mở rộng danh sách 'công ty quân đội TQ'

Có thêm 11 công ty Trung Quốc nữa, trong đó có tập đoàn xây dựng khổng lồ China Communications Construction Company, được xác định là thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, Ngũ Giác Đài nói hôm thứ Sáu, mở đường cho việc áp dụng các lệnh trừng phạt mới.

Hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã xác định 20 công ty hàng đầu của Trung Quốc là các công ty quân đội, có hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Hoa Kỳ.

Trong số này, có những công ty là "thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát" bởi quân đội Trung Quốc, chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại, sản xuất, chế biến hoặc xuất khẩu.

Quyết định của Ngũ Giác Đài không khai ngòi cho việc áp lệnh phạt. Tuy nhiên, theo luật ra hồi năm 1999 về việc tổng hợp danh sách này thì tổng thống có thể ra lệnh trừng phạt, gồm cả việc phong tỏa toàn bộ tài sản của các công ty bị đưa vào danh sách.

Danh sách cập nhật nhiều khả năng sẽ càng làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã đang ở thế đối đầu trong nhiều vấn đề từ nhiều tháng nay.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trung Quốc bị cáo buộc đã bồi đắp và quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Trong hình là ảnh chụp từ vệ tinh Đá Subi hồi 2015, một trong các điểm Bắc Kinh đã xây cất thành cơ sở quân sự tại Quần đảo Trường Sa

Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đưa vào "danh sách đen" 24 công ty Trung Quốc trong đó có China Communications Construction Company, và các cá nhân mà Hoa Kỳ nói rằng có tham dự vào việc xây dựng hoặc vào các hành động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh liên quan tới vùng biển chiến lược có tranh chấp.

Hoàng Sa: Mỹ cho tàu chiến tới, TQ nói bắn tên lửa là 'chính đáng'

Bắc Kinh bảo vệ quyết định phóng tên lửa trong các cuộc tập trận tại Biển Đông trong lúc Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục thách thức quân đội Trung Quốc, cả bằng hành động và lời nói.

Tàu USS Mustin hôm thứ Năm đã tiến gần vào Quần đảo Hoàng Sa, Hải quân Hoa Kỳ nói, nhằm thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển này.

Hãng tin CNN hôm 29/8 dẫn nguồn một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng quân đội Trung Quốc đã phóng bốn tên lửa tầm trung từ đại lục Trung Quốc hôm thứ Tư, tuy trước đó một số nguồn nói chỉ có hai tên lửa được phóng ra.

Các tên lửa, được cho là loại DF-26B và DF-21D, đã rơi xuống vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa, quan chức này cho biết.

Ngũ Giác Đài lên án việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển có tranh chấp là "phản tác dụng trong việc làm giảm bớt căng thẳng và duy trì ổn định".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu tại Bắc Kinh nói rằng việc phóng tên lửa là chính đáng, bởi đó là "các hoạt động thường lệ được thực hiện bởi quân đội Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc".

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hôm 28/8 nói việc phóng tên lửa tầm trung của Trung Quốc tuần rồi là chính đáng

"Chúng không nhắm vào bất kỳ nước nào, cũng không liên quan gì tới các tranh chấp," ông Triệu nói. "Không có cơ sở hoặc lý do gì để bất kỳ bên liên quan nào đưa ra cáo buộc."

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố rằng tàu khu trục USS Martin tiến vào vùng biển sát Quần đảo Hoàng Sa là nhằm đảm bảo đường các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực tiếp tục được duy trì tự do đi lại.

Trung Quốc hôm thứ Sáu cáo buộc tàu này đã tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc "mà không được sự cho phép".

Trước đó, hôm thứ Ba, Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ đưa một máy bay do thám U-2 vào vùng cấm bay gây gián đoạn cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng Hoa Kỳ đã đã liên tục khiêu khích gây sự tại Biển Đông, và thúc giục nước này hãy "ngay lập tức chấm dứt các hành động gây sự khiêu khích đó".