Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trung Quốc thông báo tập trận quy mô lớn trong 6 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa khiến Việt Nam lo ngại.

Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 23/8 dẫn thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ 24/8.

Theo trang Sina.cn, cuộc diễn tập kéo dài từ 24 đến 29/8 tại khu vực "phía đông nam đảo Hải Nam". Tọa độ khu vực diễn tập được công bố cho thấy có một số điểm nằm trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua Trung Quốc tiến hành tập trận lớn ở khu vực lân cận Hoàng Sa, quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ kể từ Hải chiến 1974. Theo thông báo của Bắc Kinh, quy mô tập trận lần này còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7.

Cuộc tập trận trên diễn ra theo sau một loạt động thái của Trung Quốc tại Hoàng Sa và khu vực Biển Đông khiến Việt Nam lo ngại.

Vào ngày 1/8, báo South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải nhằm định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Theo định nghĩa mới, đây là khu vực hàng hải "gần bờ" thay vì "xa bờ" như cách gọi trước đây. Sự thay đổi thuật ngữ có hiệu lực từ ngày 1/8.

Ngày 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về việc này:

"Việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị".

Cách đây hai tuần, một bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy có một máy bay ném bom H-6J của Trung Quốc đậu trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Sau sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố:

"Dù đã nhiều lần khẳng định, nhưng cũng không thể không nói lại, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Việt Nam chưa có tuyên bố về cuộc tập trận của Trung Quốc vào cuối tháng 8 này, nhưng truyền thông trong nước đã đồng loạt bày tỏ sự quan ngại và lên án. Theo thông lệ, các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Hoàng Sa bị Việt Nam coi là "phi pháp".

"Nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, tần suất tổ chức tập trận liên tục của Trung Quốc như chúng ta thấy rất đáng lo ngại", báo Tuổi Trẻ dẫn đánh giá của thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM).

Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản ứng mạnh và gởi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, đưa ra thông điệp yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai.

Trong thông điệp phát đi đối với sự kiện vào lúc đó, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hành vi của Bắc Kinh là vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC).

Động thái của Trung Quốc là không có lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó cũng ra tuyên bố chỉ trích cuộc tập trận, nhấn mạnh hành vi của Bắc Kinh đang đi ngược lại các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định khu vực. Ngay sau đó, hai tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông và thực hiện các cuộc diễn tập với mục đích đảm bảo tự do hàng hải.

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Hôm 23/8, tại cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì lễ kỷ niệm.

Tại sự kiện này, đại diện hai bên đã bày tỏ cam kết sẽ tăng cường hợp tác, đối thoại để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề về biên giới.