Pro-democracy protesters near the Democracy Monument in Bangkok, Thailand, August 16, 2020

Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình mới nhất đều do sinh viên dẫn đầu

Hàng ngàn người biểu tình tuần hành phản đối chính phủ tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm Chủ Nhật, đòi phải có cải tổ chính trị.

Những người biểu tình muốn có một bản hiến pháp sửa đổi và cũng kêu gọi cải tổ cả Hoàng gia, một chủ đề nhạy cảm ở Thái Lan.

Theo luật Thái, bất kỳ ai chỉ trích Hoàng gia cũng đều phải đối diện với án tù dài hạn.

Trong những tuần qua, hầu như ngày nào cũng có các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu.

Một số lãnh đạo biểu tình đã bị bắt.

Tuy nhiên, những người tổ chức nói rằng họ hy vọng cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật sẽ cho thấy sự ủng hộ rộng rãi hơn đối với yêu cầu đòi thay đổi chứ không chỉ giới hạn trong nhóm các sinh viên như trước.

Cảnh sát Bangkok tối hôm Chủ Nhật nói có khoảng 10.000 người tham dự biểu tình.

"Chúng ta muốn có một kỳ bầu cử mới và một quốc hội hội mới cho nhân dân," nhà hoạt động 24 tuổi hiện đang là sinh viên, Patsalawalee Tanakitwiboonpon, nói với đám đông reo hò.

"Cuối cùng, mơ ước của của chúng ta là có một Hoàng gia thực sự theo Hiến pháp."

Những nhà quan sát nói rằng cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật tại Bangkok của phong trào dân chủ là một trong những cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Prayuthe Chan-ocha lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Họ vẫy biểu ngữ và hô vang: "Độc tài hãy ra đi. Dân chủ muôn năm."

Người biểu tình đang đòi ông Prayuth, cựu tướng, người đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái, phải từ chức.

Phóng viên BBC Jonathan Head tại Bangkok nói rằng việc người biểu tình nêu cả vấn đề Hoàng gia như một trong các đòi hỏi thay đổi trong thời gian gần đã kích thích cuộc tranh luận.

Khoảng 600 nhân viên cảnh sát theo dõi cuộc biểu tình.

Ở gần đó, hàng chục người ủng hộ Hoàng gia cũng tổ chức tuần hành.

Kỳ bầu cử hồi năm ngoái là kỳ bầu cử đầu tiên kể từ khi quân đội khi nắm quyền, năm 2014, và với nhiều người trẻ thì đây được coi là cơ hội để tạo thay đổi.

Tuy nhiên, quân đội đã tiến hành các bước nhằm củng cố vai trò chính trị của mình, và kết quả là sau kỳ bầu cử, quyền lực của ông Prayuth được tái xác lập.

Ông Prayuth nói rằng đa số dân Thái không ủng hộ người biểu tình.

Làn sóng biểu tình mới nhất nổ ra từ tháng Hai, sau khi đảng Future Forward Party thiên dân chủ bị giải thể theo lệnh tòa án.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức nhưng nhanh chóng bị chặn lại do những hạn chế phòng chống Covid-19.

Căng thẳng dâng lên trong tháng Sáu, khi Wanchalearm Satsaksit, một nhà hoạt động có tiếng đã sống lưu vong tại Campuchia kể từ năm 2014, bị mất tích.

Chính phủ Thái bác bỏ việc có liên hệ tới vụ ông này mất tích.

Các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu bùng lên trở lại vào ngày 18/7, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Các cuộc tuần hành đã được tổ chức hầu như hàng ngày kể từ đó tới nay.

Hồi tuần trước, lãnh đạo sinh viên nổi tiếng Parit Chiwarak, 22 tuổi, đã bị bắt và phải đối diện với nhiều cáo buộc, trong đó có cáo buộc nổi loạn, tấn công và tổ chức sự kiện có thể làm lây lan dịch bệnh.