Polish Defence Minister Mariusz Blaszczak (R) and US Secretary of State Mike Pompeo after signing a defence deal

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak huých khuỷu tay sau khi ký hiệp ước

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa ký một thỏa thuận quân sự mới vớ Ba Lan, theo đó một số binh sỹ Mỹ đóng ở Đức sẽ chuyển sang Ba Lan.

Hiệp ước này sẽ khiến số binh sỹ Mỹ đóng ở Ba Lan tăng lên tới mức 5500 binh sỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói số quân này sẽ có thể nhanh chóng được tăng lên 20.000 nếu có mối đe dọa.

Tổng thống Donald Trump trước đó đã cáo buộc Đức không đóng góp đủ cho NATO.

Nhưng động thái này của Hoa Kỳ cũng làm tăng lo ngại trong khối NATO về khả năng Nga thực hiện chủ nghĩa bành trướng.

Hiệp ước Hợp tác Quân sự Tăng Cường (EDCA) do ông Pompeo và ông Blaszczak ký ở Warsaw hôm thứ Bảy.

"Đây sẽ là một bảo đảm mở rộng - một bảo đảm rằng trong trường hợp có mối de dọa, các binh sỹ của hai nước chúng ta có thể sát cánh cùng nhau," Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu tại lễ ký.

"Hiệp ước này cũng sẽ giúp tăng cường an ninh của các nước khác trong khu vực châu Âu của chúng ta."

Khoảng 4500 binh sỹ Mỹ hiện đang đóng ở Ba Lan, và 1000 binh sỹ nữa sẽ được điều động thêm theo hiệp ước này.

Đại bản doanh của V Corps Quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ được chuyển từ Đức sang Ba Lan.

Tháng trước Hoa Kỳ xác nhận gần 12.000 binh sỹ - trong tổng số 38.000 - sẽ được rút khỏi Đức trong một động thái mà Hoa Kỳ gọi là tái định vị "chiến lược" các lực lượng của mình tại châu Âu.

Khoảng 6.400 binh sỹ được đưa về nước. Số còn lại chuyển đến các nước NATO khác trong đó có Ba Lan, Ý và Bỉ.

Tổng thống Trump nói động thái này là phản ứng trước việc Đức không đáp ứng mục tiêu đóng góp ngân sách quân sự của NATO.

Grey line

Phân tích của Jonathan Marcus Phóng viên Quân sự của BBC

Grey line

Một Ba Lan 'mạnh' là kiểu đồng minh ông Trump thích

Được những người ủng hộ gọi là một cách tốt hơn để bảo vệ NATO và tăng cường phòng thủ trước Moscow, hiệp ước quân sự mới này có lẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều tương đương với ý nghĩa chiến lược.

Hoa Kỳ vốn đã đóng góp và điều hành một nhóm chiến đấu đa quốc gia nhỏ của NATO ở Ba Lan, với các cuộc tập trận thường xuyên có sự tham gia của các lực lượng bổ sung. Một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên mặt đất hiện đang được xây dựng.

Nhưng kể từ 2018, các chính trị gia Ba Lan đã kêu gọi Mỹ tăng hiện diện. Có thời điểm họ nói rằng cả một sư đoàn quân Mỹ phải thường trú ở Ba Lan với Warsaw chịu một phần chi phí, một kế hoạch có người gọi là "Pháo đài Trump."

Hiệp ước mới không được mức như vậy. Nhưng nó gửi một dấu hiệu rõ ràng về ý thích của ông Trump. Một Ba Lan mạnh, với chi tiêu khá lớn về quốc phòng, là kiểu đồng minh mà vị tổng thống Hoa Kỳ thích.

Ngược lại, ông đã tuyên bố sẽ rút một số quân Mỹ khỏi Đức, quốc gia mà ông cho rằng không chịu chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.

Không rõ việc điều chuyển quân Mỹ có thực sự đẩy mạnh NATO hay không, ở một thời điểm khi nhiều vấn đề lớn của khối này dường như liên quan đến nội bộ.

Grey line

"Chúng ta không muốn là những kẻ khờ nữa," Ông Trump nói với các phóng viên sau khi hiệp ước với Ba Lan được tuyên bố. "Chúng ta giảm quân vì họ không trả chi phí; chuyện rất đơn giản."

Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng các thành viên khối NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng và không nên dựa quá nhiều vào Mỹ.

Tranh cãi giữa các đồng minh tập trung vào mức đóng góp mà tất cả các thành viên NATO nhất trí rằng chi tiêu quốc phòng phải đạt mức 2% GDP trước năm 2024.

Đức, cùng một số nước khác, tới giờ chưa đáp ứng được mức đóng góp này.

Các quan chức Đức đã chỉ trích động thái của Mỹ, và gợi ý rằng hiệp ước mới với Ba Lan có thể làm suy yếu NATO và khiến Nga thêm liều lĩnh.