Australia từ chối tăng cường tuần tra Biển Đông ( Sợ nhất là thề non hẹn biển nhưng vì quyền lợi bỏ rơi, như VNCH )

Thứ Ba, 28 Tháng Bảy 202011:10 CH(Xem: 5650)
Australia từ chối tăng cường tuần tra Biển Đông ( Sợ nhất là thề non hẹn biển nhưng vì quyền lợi bỏ rơi, như VNCH )

Australia không đồng ý với đề nghị tăng các chuyến tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông do Mỹ đề xuất trong hội đàm cấp cao tại Washington.

Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds ngày 28/9 đàm phán với hai người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Mark Esper tại thủ đô Washington trong khuôn khổ Tham vấn Bộ trưởng Thường niên Mỹ - Australia.

Trong hội nghị, các bộ trưởng hai nước tập trung vào vấn đề Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh áp luật an ninh Hong Kong, cam kết hợp tác chống lại hoạt động phát tán thông tin sai lệch và ký tuyên bố nguyên tắc mới về tăng cường quan hệ quốc phòng và hợp tác trong lĩnh vực phát triển, y tế.

Tuy nhiên, phía Australia không nhất trí với việc Mỹ hối thúc tăng tần suất tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Khi được hỏi liệu Mỹ có hối thúc Australia đưa tàu chiến áp sát những thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở vùng biển này hay không, Bộ trưởng Reynolds chỉ nói rằng đây là "chủ đề được thảo luận" và hai bên dường như không đạt được thỏa thuận.

"Chúng tôi vẫn nhất quán trong cách tiếp cận của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi qua khu vực tuân theo quy định của luật pháp quốc tế", Reynolds nói.

Hộ vệ hạm HMAS Arunta (trước), tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra (giữa) của Australia và khu trục hạm Teruzuki của Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, ngày 21/7. Ảnh: US Navy.

Hộ vệ hạm HMAS Arunta (trước), tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra (giữa) của Australia và khu trục hạm Teruzuki của Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, ngày 21/7. Ảnh: US Navy.

Hồi tuần trước, 5 chiến hạm Australia di chuyển gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng không tiến vào khu vực 12 hải lý. Các chiến hạm này có thể đã chạm mặt tàu hải quân Trung Quốc, trước khi hội quân với lực lượng Mỹ và Nhật Bản tại Biển Philippines để diễn tập chung.

Trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc ngày 23/7, Australia tuyên bố yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Ngoại trưởng Payne nhấn mạnh rằng dù Australia có nhiều điểm chung với Mỹ, hai nước không mặc nhiên có cùng quan điểm trong mọi vấn đề. "Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là đưa ra quyết định, đánh giá của mình dựa trên lợi ích quốc gia của Australia và việc bảo vệ an ninh, thịnh vượng lẫn giá trị của chúng tôi", bà Payne nói.

"Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc rất quan trọng và chúng tôi không muốn làm tổn thương nó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có ý định làm những điều trái với lợi ích của mình", bà cho biết thêm.

Tuy nhiên, bà cho hay Mỹ và Australia đều "bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi cưỡng chế và gây mất ổn định gần đây lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", nhất trí rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không có giá trị theo luật pháp quốc tế".

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ca ngợi lập trường của Australia với Trung Quốc và nói Washington và Canberra cần hợp tác để tái khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong khu vực.

Các bộ trưởng còn thảo luận về thỏa thuận lập kho dự trữ nhiên liệu cho quân đội Mỹ tại Darwin, Australia, đảm bảo cho các khí tài của Mỹ không bị mắc kẹt trong khu vực trong trường hợp mạng lưới hậu cần bị gián đoạn. Chưa rõ chi phí và thời gian hoàn thành của kho nhiên liệu này.

Australia đang dự trữ nhiên liệu tại Mỹ, nơi có chi phí rẻ hơn, song chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison hồi đầu năm cam kết sẽ thiết lập kho dự trữ trong nước trong bối cảnh giá dầu thấp kỷ lục.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Reynolds cho biết sự bất định trong Covid-19 đồng nghĩa Mỹ và Australia cần tăng cường hợp tác hơn bao giờ hết. "Chúng ta đang trải qua sự thay đổi sâu sắc trong khuôn khổ địa chính trị mang tính nền tảng cho an ninh lẫn thịnh vượng của mình", Reynolds nói.

Ngoại trưởng Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds là các quan chức chính phủ Australia đầu tiên đi công du nước ngoài từ khi nCoV xuất hiện tại quốc gia này. Cả hai sẽ phải cách ly 14 ngày khi về nước.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn