Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông

Nguồn hình ảnh, Hải quân Hoa Kỳ

Chụp lại hình ảnh,

Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông.

Một số công ty nhà nước Trung Quốc có thể sẽ phải đối diện với trừng phạt của Hoa Kỳ, vì vai trò của họ trong việc mở rộng sự hiện diện của nước này tại Biển Đông, theo SCMP.

Tờ South China Morning Post hôm thứ Bảy cho biết ông David Stilwell, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tuần này cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng các công ty nhà nước, để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông ngõ hầu bảo đảm trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản.

Ông Stilwell cũng gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp liên quan.

Được biết, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm thứ Ba, ông David Stilwell nêu đích danh Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu nhà nước, đã giúp phát triển nhiều hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, và Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đặt một giàn khoan lớn trong vùng biển tranh chấp cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trong khi ông David Stilwell không nói các biện pháp trừng phạt sẽ như thế nào, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio trước đó cũng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty nhà nước Trung Quốc - trong đó có CNOOC, CCCC và hai công ty con - yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ chặn tài sản của họ ở Mỹ và loại trừ quan chức các công ty làm kinh doanh tại Mỹ.

Bình luận của David Stilwell được đưa ra sau khi Washington bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với Biển Đông, làm tăng nguy cơ tình trạng đối đầu có thể xảy ra giữa hai nước.Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông và các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ dựa trên cái gọi là ''đường chín đoạn'', nhưng nhiều nước láng giềng, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, có quan điểm trái ngược.

South China Sea

Giới quan sát cho biết bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ và các nước Đông Nam Á định nghĩa hành động của Trung Quốc.

"Thỏa thuận giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á về thời điểm và nơi Trung Quốc có thể được coi là hành động bất hợp pháp... tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán, hoặc hành động pháp lý của các quốc gia bị kích động", Jay Batongbacal, giáo sư về vấn đề hàng hải quốc tế tại Đại học Philippines, nói."Chẳng hạn, nếu CNOOC tìm cách trao quyền các khối thăm dò trên một khu vực của thềm lục địa của Malaysia, Malaysia và Mỹ sẽ có lý khi có hành động pháp lý chống CNOOC, nếu CNOOC có hoạt động kinh doanh khác với họ", ông Batongbacal nói.

Điều này có thể gây tổn hại nhiều hơn, khi nhiều công ty nhà nước Trung Quốc đã tích cực tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch thúc đẩy đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ví dụ, CNOOC sở hữu các dự án trên bờ ở các tiểu bang Texas, Colorado và Wyoming của Hoa Kỳ, cũng như ở Vịnh Mexico, trong khi công ty con của nó có cổ phần trong một số dự án dầu ở Mỹ.

CCCC, trong khi đó, đã hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á và vào tháng 12, giành được hợp đồng trị giá 10 tỷ đôla để xây dựng một sân bay quốc tế bên ngoài Manila, theo chương trình Vành đai và Con đường.

Ngay sau khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc tại The Hague vào năm 2013, Bắc Kinh đã tiến hành cuộc nạo vét chưa từng có ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, để tạo ra bảy hòn đảo nhân tạo, International Financial News, một tờ báo liên kết với cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Daily Daily, đưa tin năm 2015.

Vào tháng Năm, 2014, được theo sau bởi 86 tàu Trung Quốc, bao gồm tàu khu trục hải quân và hai tàu đổ bộ, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trị giá 1 tỷ đôla đã được chuyển đến vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Bắc Kinh nói giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hoạt động trong lãnh thổ của mình, nhưng Hà Nội nói dàn khoan này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hà Nội cũng cáo buộc Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật bắt nạt và tìm cách đâm vào các tàu đánh cá Việt Nam ở vùng biển giàu năng lượng.

Dàn khoan này đã được gỡ bỏ vào tháng Bảy cùng năm, động thái mà Bắc Kinh cho là phù hợp với kế hoạch ban đầu của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bị chỉ trích khắp nơi vì xây dựng đảo và quân sự hóa Biển Đông.

Các công ty nhà nước Trung Quốc đã nhiệt tình tham gia vào nỗ lực phát triển này, với các hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi tư vấn quốc phòng IHS Jane cho thấy Công ty nạo vét Thiên Tân - một công ty con của CCCC - đã đóng một vai trò trong việc phát triển các đảo san hô - bao gồm các rạn san hô đá vành Khăn và đá Chữ Thập - vào các hòn đảo lớn hơn hiện là nhà của phi đạo và các cơ sở quân sự.

A satellite image of Subi Reef, an artificial island being developed by China in the Spratly Islands in the South China Sea

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông

Trước đó, trong tuyên bố được đưa ra sáng 14/7, Hoa Kỳ khẳng định:

"Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", và tuyên bố:

"Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp."

Hoa Kỳ cũng cho rằng mong muốn giữ "hòa bình và ổn định, tự do trên biển theo luật pháp quốc tế" vì "lợi ích chung" "đã gặp phải sự đe dọa chưa từng thấy từ Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa.

"Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, bắt nạt họ trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng "chân lý thuộc về kẻ mạnh". Phương pháp tiếp cận này của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ trong nhiều năm. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao của CHND Trung Hoa khi đó là ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là sự thật."

"Thế kỷ 21 không có chỗ cho thế giới quan đầy dã tâm của CHND Trung Hoa."

"CHND Trung Hoa không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009. Trong một phán quyết được đồng thuận ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - mà CHND Trung Hoa là một thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của CHND Trung Hoa vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài đứng về phía Philippines, bên đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài, trong hầu hết các yêu sách của nước này."

Thông cáo của Hoa Kỳ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên".