EU lên kế hoạch đối thoại với Mỹ 'để đối phó với sự lấn lướt gia tăng của TQ'

Thứ Ba, 16 Tháng Sáu 202011:55 CH(Xem: 3520)
EU lên kế hoạch đối thoại với Mỹ 'để đối phó với sự lấn lướt gia tăng của TQ'
bbc.com

EU lên kế hoạch đối thoại với Mỹ 'để đối phó với Trung Quốc'


Cao uỷ Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell Bản quyền hình ảnh FRANCISCO SECO/Getty Images
Image caption Cao uỷ Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell

Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch tổ chức một cuộc đối thoại song phương với Hoa Kỳ để đối phó với sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, theo SCMP.

Cao uỷ Đối ngoại của EU cho hay sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai 15/6,

"Tôi đề nghị khởi động một cuộc đối thoại song phương đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và những thách thức mà hành động và tham vọng của nước này đặt ra với chúng ta - Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu", ông Josep Borrell nói với các phóng viên.


Đề xuất của ông Borrell được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu cam kết trong mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách tiếp cận thù địch với EU, thì ông Pompeo được coi là sẵn sàng hợp tác với châu Âu hơn trong việc tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, bài báo trên SCMP viết.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận về việc liệu họ có đồng ý với đề xuất đối thoại này hay không.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Morgan Ortagus nói rằng ông Pompeo và các đối tác châu Âu đã thảo luận về tầm quan trọng "của việc giữ vững cam kết chung đối với các giá trị dân chủ để chống lại Nga và những nỗ lực [của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] nhằm phá hoại các xã hội dân chủ".

Ông Borrell cho biết Mỹ và EU đã "trao đổi quan điểm về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận".

"Có một số vấn đề mà chúng tôi cùng phải đối mặt trong mối quan hệ với Trung Quốc, và ở đó sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi là rất quan trọng để cùng nhau giải quyết. Điều này chắc chắn bao gồm tình hình ở Hong Kong," ông Borrell nói.

"Điều vô cùng quan trọng là hợp tác với Hoa Kỳ để chia sẻ mối quan tâm và tìm nền tảng chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta," ông nói thêm.

Andrew Small, thành viên cao cấp của Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, gọi ý tưởng này là "một bước hữu ích cho những ai muốn thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc điều hòa các chính sách của Trung Quốc giữa các nền dân chủ tự do".

"Phiên bản tối ưu của một cuộc đối thoại về Trung Quốc sẽ là một phiên bản có sự tham gia đầy đủ của Ủy ban châu Âu, bao gồm văn phòng thương mại, chính sách đối ngoại, chính sách công nghiệp và các vấn đề kỹ thuật số," ông Small nói.

Đề xuất của ông Borrell là một bất ngờ đối với một số nhà quan sát ngoại giao, vì bài đăng trên blog của ông vào Chủ Nhật dường như cho thấy rằng EU sẽ không hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

"Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là trục chính của chính trị toàn cầu, áp lực phải chọn phe nào đang gia tăng," ông viết trong blog. "Chúng ta là người châu Âu phải làm điều đó 'theo cách của chúng ta, với tất cả những thách thức mà việc này mang lại."

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết, EU "chắc chắn đã gửi tín hiệu đầy mâu thuẫn về việc họ có muốn hợp tác với Mỹ hay không để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức của Trung Quốc, hay đi theo con đường riêng của họ".

Ông Borrell đã không nói chi tiết về kết quả mong đợi của một cuộc đối thoại song phương với Mỹ, nhưng bà Glaser cho rằng "ít nhất, nó có thể cung cấp một kênh hữu ích để cập nhật tình hình lẫn nhau và thảo luận về sự khác biệt, và trong một số trường hợp, tạo ra một cách tiếp cận chung."

Bà Glaser cũng cho rằng một cuộc thảo luận về cách đối phó với các thông tin bóp méo ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể mang lại kết quả, trong khi việc tìm ra tiếng nói chung trong các lĩnh vực khác như thương mại và các vấn đề quanh các tổ chức đa phương có thể khó khăn hơn.

"Giúp Đài Loan tăng cường tham gia với quốc tế có thể là một chủ đề thú vị để thảo luận và hợp tác," bà Glaser nói, mặc dù việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực giúp Đài Loan khôi phục vai trò quan sát viên của mình.

Cuộc họp hôm thứ Hai với ông Pompeo cũng có sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia EU.

Về hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, ông Borrell nói: "Hiện Chúng tôi tiếp tục đàm phán để xem liệu chúng tôi có thể mang đến hội nghị thượng đỉnh này tiến triển gì không, không dễ dàng để đạt được một thỏa thuận chung… Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác Trung Quốc cho đến phút cuối cùng".

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng EU có mối quan tâm tương tự như Mỹ về Trung Quốc trong công bằng về thương mại và đầu tư, tuân thủ các điều ước và nghĩa vụ quốc tế - bao gồm vấn đề Hong Kong - và sự minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn