Chính trị gia 23 nước lên án Trung Quốc định áp đặt luật ANQG lên Hồng Kông

Thứ Hai, 25 Tháng Năm 20206:00 CH(Xem: 4565)
Chính trị gia 23 nước lên án Trung Quốc định áp đặt luật ANQG lên Hồng Kông

Cựu Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông thuộc Anh Chris Patten là người khởi xướng cùng gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp từ 23 nước phát hành một tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc có kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia của Đại Lục cho Hồng Kông. Tuyên bố chung đã cảnh báo rằng động thái của chế độ Bắc Kinh có thể làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình hơn nữa tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á và thế giới.

Theo trang tin HKFP, gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp của 23 nước ký tên vào tuyên bố chung có cựu Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông thuộc Anh Chris Patten; cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind; 3 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz, Josh Hawley và Marco Rubio; 12 Dân biểu Hoa Kỳ; hàng chục nghị sĩ Anh Quốc, cũng như các nhà lập pháp đến từ Châu Âu, New Zealand, Canada, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar và Malaysia.

Dự luật An ninh được Trung Quốc đề xuất trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên hôm thứ Sáu (21/5) nhắm vào 4 tội chính: chia rẽ quốc gia, lật đổ chính quyền, hoạt động khủng bố và can thiệp từ nước ngoài. Các điều khoản mới này cũng sẽ cho phép công an, an ninh Trung Quốc Đại Lục được tự do hoạt động trực tiếp tại Hồng Kông, từ đó tiến thêm một bước làm suy yếu luật pháp tại Hồng Kông.

Các quy định an ninh quốc gia do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra sẽ gây nguy hiểm cho những người ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động dân sự , nhà báo, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Hồng Kông đã bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc Đại Lục, bao gồm cả người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người tập Pháp Luân Công, Công giáo La Mã và các Kitô hữu khác.

Dự luật An ninh này sẽ vượt trên luật pháp hiện hành tại Hồng Kông. Luật mới sẽ yêu cầu chính phủ Đặc khu Hồng Kông thành lập các thể chế mới để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và cho phép các cơ quan Đại Lục được hoạt động tại thành phố bán tự trị này khi cần.

Trong tuyên bố chung, gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc chế độ Bắc Kinh đơn phương giới thiệu luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông.

Đây là một cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông. Tính toàn vẹn của nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ đang bị đe dọa nghiêm trọng”, tuyên bố chung có đoạn viết.

Cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten nói: “Tuyên bố chung này cho thấy sự phẫn nộ quốc tế ngày càng tăng và lan rộng trước quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Quy mô tham gia vào tuyên bố chung này, bao gồm tất cả các đảng phái và từ bốn lục địa, cho thấy cả mức độ nghiêm trọng của tình hình và sự đoàn kết của quốc tế trong việc ủng hộ [duy trì] nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ [tại Hồng Kông]”.

Cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là người bảo trợ cho tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, Sir Malcolm Rifkind cho hay: “Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với người dân Hồng Kông xuất phát từ chính quyền Trung Quốc kể từ năm 1997. Người dân Hồng Kông cần và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của chúng ta”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính hôm thứ Bảy (23/5) đã cam đoan với các đại biểu địa phương tại quốc hội Trung Quốc rằng luật mới sẽ chỉ nhắm vào “một nhóm nhỏ người dân” để khỏa lấp lỗ hổng pháp lý đã bị phơi bày trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông diễn ra suốt 7 tháng năm ngoái.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các chính trị gia và nhà lập pháp quốc tế khẳng định rằng biểu tình tại Hồng Kông là xuất phát từ sự bất bình thực sự của thường dân hòn đảo này.

Những luật hà khắc sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng hơn nữa, gây nguy hiểm cho tương lai Hồng Kông với vai trò là thành phố quốc tế mở của Trung Quốc… Nếu cộng đồng quốc tế không tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa về Hồng Kông, thì họ cũng sẽ khó mà tin cam kết của Bắc Kinh trong các vấn đề khác. Các chính phủ cùng ý chí phải đoàn kết lên tiếng rằng sự vi phạm trắng trợn Tuyên bố chung Trung-Anh này là điều không thể được dung thứ”, theo tuyên bố chung.

Trước khi có tuyên bố chung của ông Chris Patten và gần 200 chính trị gia, nhà lập pháp tại 23 quốc gia, thì cả giới chức đương nhiệm của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh Quốc, Úc và Canada cũng đã chính thức lên tiếng chỉ trích kế hoạch lập pháp mới của chính quyền Trung Quốc và yêu cầu họ phải tuân thủ Tuyên bố chung Trung-Anh 1984.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 22/5 đã mạnh mẽ lên án kế hoạch của Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông, gọi đây là “hồi chuông báo tử” đối với nền tự do vô cùng quan trọng của thành phố đặc biệt này.

Hoa Kỳ lên án việc đề xuất của Quốc hội Trung Quốc nhằm đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông”, ông Pompeo nói hôm thứ 22/5.

Quyết định bỏ qua các tiến trình lập pháp đã được thiết lập tỷ mỉ của Hồng Kông và bỏ qua ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ là một hồi chuông báo tử dành cho nền tự trị cao độ mà Bắc Kinh đã cam kết của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc”.

Hoa Kỳ mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh tái xét lại đề xuất thảm họa này, thực hiện theo trách nhiệm quốc tế và tôn trọng nền tự do dân sự, các thể chế dân chủ và nền tự trị cao độ của Hồng Kông. Đây là những tiêu chí quan trọng để duy trì quy chế đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ. Chúng tôi ủng hộ nhân dân Hồng Kông”, ông Pompeo nói.

Bất Kỳ quyết định nào làm hại đến nền tự trị và tự do của Hồng Kông, như được đảm bảo trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ và địa vị của Hồng Kông”.

Cũng trong ngày thứ Sáu (22/5), Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông.

Theo AFP, Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell sau khi tham vấn các đồng nghiệp thành viên trong khối đã phát hành một tuyên bố kêu gọi “bảo vệ quyền tự trị cao độ của Hồng Kông”.

Ông Borrell cho hay: “Liên minh Châu Âu có liên quan rất lớn về sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”.

EU cho rằng một điều rất quan trọng là phải duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông, phù hợp với Luật Cơ bản và các cam kết quốc tế”, ông Borrell nói thêm.

Theo tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông), các ngoại trưởng Anh Quốc, Úc và Canada hôm thứ Bảy (23/5) đã phát đi tuyên bố chung nhấn mạnh Tuyên bố chung Trung-Anh – thỏa thuận được ký kết giữa Anh Quốc và Trung Quốc năm 1984, mở đường cho việc bàn giao Hồng Kông về Đại Lục – vẫn còn ràng buộc về mặt pháp lý.

Cũng trong ngày thứ Bảy (23/5), văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông đã đáp trả chỉ trích của quốc tế về luật an ninh quốc gia mới, gọi đó là “những bình luận vô trách nhiệm”.

Như Ngọc (T/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn