Mỹ tăng áp lực quân sự với Trung Quốc giữa căng thẳng về dịch Covid-19

Thứ Bảy, 16 Tháng Năm 20204:00 SA(Xem: 5018)
Mỹ tăng áp lực quân sự với Trung Quốc giữa căng thẳng về dịch Covid-19

Chiến hạm USS Bunker Hill của Hải quân Hoa Kỳ (trước) và khu trục hạm USS Barry đi ngang qua Biển Đông để hỗ trợ an ninh và ổn định trong khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 18/4/2020. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Nicholas V. Huynh

Mỹ đang tăng áp lực quân sự với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông và Bắc Kinh bị tố cáo là lợi dụng đại dịch Covid để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Trong vài tuần qua các tàu chiến của hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Hoa Kỳ đã thi hành nhiệm vụ để đánh đi một thông điệp rõ rệt rằng quân đội Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện trong khu vực, và trấn an các đồng minh, đài CNN đưa tin.

Một ưu tiên hàng đầu của Ngũ Giác Đài là đưa hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay bị nhiễm virus, trở lại hoạt động trên biển trước cuối tháng này.

Các động thái này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo công khai tố cáo Bắc Kinh là đã không chặn được sự lây lan của virus Covid-19, và thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh.

Trung Quốc còn bị cáo buộc là lợi dụng dịch Covid-19 để đạt lợi thế quân sự và kinh tế bằng cách mở rộng các khu vực hoạt động.

Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Michael Kafka, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ nói với CNN trong một tuyên bố hôm thứ Tư: "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang khai thác tình trạng khu vực đang tập trung chống dịch Covid để khẳng định các lợi ích riêng của mình."

Ngoài ra, Ngũ Giác Đài khẳng định vụ bột phát dịch Covid-19 không làm tổn hại tới khả năng ứng phó của Hoa Kỳ trước các hành động của Trung Quốc.

Tướng Timothy Ray, Tư lệnh Bộ Tư lệnh giám sát lực lượng máy bay ném bom trong khu vực của Không quân Hoa Kỳ khuyến cáo:

“Chúng tôi có khả năng và thực lực để cung cấp hỏa lực tầm xa ở mọi nơi, mọi lúc và có thể tung ra hỏa lực áp đảo - ngay cả giữa đại dịch".

Hôm thứ Tư, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đã có một động thái bất thường khi tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm của họ trong khu vực đang hoạt động trên biển "để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở giữa đại dịch do virus corona gây ra".

Trong khi quân đội Hoa Kỳ gần đây kết thúc "sự hiện diện liên tục của các máy bay ném bom" trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, lần đầu tiên kể từ năm 2004, nhưng Không quân Hoa Kỳ tiếp tục phái máy bay ném bom tới khu vực.

Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã ba lần điều máy bay ném bom B-1 từ các căn cứ ở Hoa Kỳ đến khu vực, gồm một chiến dịch trên Biển Đông và việc triển khai bốn máy bay ném bom B-1 cùng 200 quân nhân từ Căn cứ Không quân Dyess ở Texas đến đảo Guam.

Cuối tháng trước, Hải quân Hoa Kỳ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng tại đây để chứa vũ khí và làm các cơ sở quân sự.

Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước những thách thức của Hoa Kỳ, nói rằng Washington nên tập trung đối phó với dịch Covid-19.

"Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ hãy tập trung vào các việc nội bộ như phòng chống và kiểm soát đại dịch, đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 và ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự gây bất lợi cho an ninh, hòa bình và ổn định khu vực", ông Li Huamin, người phát ngôn của Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Nam của Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố.

Không ai cho rằng Hoa Kỳ đang hướng tới một cuộc xung đột với Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper coi việc cản trở tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi lo ngại về các hành động vô nguyên tắc ngày càng gia tăng của Trung Quốc để ép buộc các nước láng giềng và đẩy mạnh yêu sách chủ quyền trái với pháp luật của họ ở biển Đông, giữa lúc khu vực và thế giới tập trung xử lý đại dịch COVID-19”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Dave Eastburn, nói với CNN.

Trung Quốc từ lâu vẫn đả kích các hoạt động quân sự của Mỹ mà họ cho là có tính cách ‘khiêu khích’ trong Biển Đông, trong khi Mỹ khởi sự các hoạt động đó từ nhiều năm trước khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.

Lên tiếng mới đây sau khi Mỹ đưa chiến hạm tới khu vực trong chiến dịch “duy trì sự hiện diện ở Biển Đông” vìTrung Quốc điều tàu Hải Dương 8 vào vùng biển này để hăm dọa các hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Malaysia, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói:

“Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt thói bắt nạt các nước Đông Nam Á, cấm cản các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, và đẩy họ ra khỏi các ngư trường truyền thống. Hàng triệu người lệ thuộc và các nguồn tài nguyên đó để sinh sống.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn