CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều 29/2 )

Thứ Bảy, 29 Tháng Hai 20206:56 CH(Xem: 5942)
CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều 29/2 )
****************

Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.

Trung Quốc Đại lục (*)

  • Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 1/3 công bố số ca nhiễm của nước này tăng thêm 574 trường hợp, lên 79.826 ca; số ca tử vong tăng thêm 35 trường hợp, lên 2.870 người.

ADVERTISEMENT

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 

tong-so-ca-0103am2-567x1024

Thế giới

  • Mỹ có ca tử vong đầu tiên do virus corona là một nam giới 50 tuổi ở ngoại ô thành phố Seattle, bang Washington. Người này có vấn đề khác về sức khỏe và chưa từng ghé vùng dịch hoặc tiếp xúc với bất kỳ ca nhiễm nào đã được xác nhận. Đây là công dân Mỹ thứ 2 tử vong vì virus corona. Trước đó, một công dân Mỹ 60 tuổi được xác nhận đã tử vong tại thành phố Vũ Hán. Hiện nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng tại Mỹ ở mức khá cao do đã có 4 trường hợp chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Mỹ hiện có tổng cộng 68 ca nhiễm.
  • Thống đốc bang Washington Jay Inslee ngày 29/2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Bang Washington cũng vừa phát hiện một ổ dịch tiềm năng ở nhà dưỡng lão, với hơn 50 người có triệu chứng và đang chờ xét nghiệm. Tổng thống Donald Trump đã tổ chức họp báo kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và không sợ hãi.
  • Hải quân Mỹ yêu cầu các tàu chiến hoạt động ở Thái Bình Dương ở lại trên biển 14 ngày trước khi cập cảng mới do lo ngại dịch bệnh.
  • Mỹ đã quyết định hoãn cuộc họp với các nhà lãnh đạo của các nước Đông Nam Á được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 14/3, do lo ngại về sự bùng phát của virus corona.
  • Canada có thêm 4 người nhiễm mới, nâng tổng số lên 20.
  • Ý xác nhận thêm 239 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.128 và tổng số ca tử vong lên 29. CLB Juventus xác nhận có 3 ca dương tính với COVID-19.
  • Vatican: Hôm 29/2, Giáo hoàng Francis tiếp tục hủy bỏ các hoạt động chính thức ngày thứ ba liên tiếp sau khi ho, hắt hơi và có những biểu hiện không khỏe trong Lễ Tro ngày 26/2.
  • Châu Âu thêm 2 nước mới xác nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là Luxembourg và Ireland (Ai-len). Như vậy, châu Âu đã có tổng cộng 28 nước có người nhiễm COVID-19, tổng số ca nhiễm tại châu lục này là 1.486, tổng số ca tử vong là 31.
  • Số ca mới tại Pháp, nước giáp biên với Ý, cũng tăng kỷ lục với 43 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 100. Pháp hiện tạm thời cấm các cuộc tụ họp công cộng với hơn 5.000 người.
  • Nhiều quốc gia châu Âu khác ghi nhận số ca nhiễm mới tăng: Tây Ban Nha tăng 25 ca lên 58 ca; Na Uy tăng 9 ca lên 15 ca; Đức tăng 7 ca lên 79 ca; Hà Lan tăng 5 ca lên 7 ca; Áo tăng 4 ca lên 10 ca; Thuỵ Sĩ tăng 4 ca lên 19; Anh tăng 3 ca lên 23 ca; Hy Lạp tăng 3 ca lên 7 ca; Thuỵ Điển tăng 2 ca lên 13 ca; các nước Croatia, Đan Mạch, Georgia  mỗi nước tăng thêm 1 ca mới.
  • [MỚI] Hàn Quốc sáng 1/3 công bố có thêm 376 ca nhiễm mới so với ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.526
  • Nhật Bản: số ca nhiễm tại Nhật tăng thêm 3 ca, lên 241 ca. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khẳng định không hủy Olympic 2020 trong cuộc họp báo hôm 29/2. Ông Shinzo thông báo sẽ cung cấp thêm một gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá hơn 270 tỷ yen (2,5 tỷ USD) trong vòng 10 ngày để giúp ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật còn cho biết chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
  • Iran: số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh với 205 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong mới được chính quyền xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên 593 và tổng số ca tử vong lên 43. Trong số các ca tử vong mới có 1 Nghị sĩ. Một quan chức y tế của Iran thừa nhận rằng nước này đang chuẩn bị cho khả năng hàng chục nghìn người có thể dương tính với virus corona chủng mới. Hiện nhiều quan chức cấp cao ở Iran, bao gồm thứ trưởng Bộ Y tế và 5 nhà lập pháp đã được xác nhận nhiễm virus corona. Việc các quan chức cấp cao của Iran có kết quả dương tính với virus corona đã làm dấy lên những câu hỏi đối với số liệu thống kê chính thức. Iran hiện là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
  • Trung Quốc đã gửi các thiết bị y tế và chuyên gia y tế tới hỗ trợ Iran chống dịch COVID-19. Washington trước đó cũng đã đề nghị giúp đỡ Tehran nhưng Iran đã bác bỏ và gọi đề nghị của Mỹ là “nực cười”.
  • Một số nhà khoa học tại Đại học Toronto và Đại học Y tế công cộng Dalla Lana cho rằng dịch bệnh đã hoành hành ở Iran từ khoảng 1 tháng trước, ước tính số ca nhiễm virus corona ở Iran có thể rơi vào khoảng 23.000 người. Còn nếu sử dụng mô hình tính toán của dịch cúm lợn năm 2009, các nhà khoa học ước tính số người nhiễm bệnh hiện tại có thể lên tới hơn 40.000 ca. Độ tin cậy của mô hình này là 95%.
  • Bahrain đã có tổng cộng 41 ca nhiễm, tất cả đều được cho là bắt nguồn từ Iran. Bahrain đang đe dọa truy tố pháp lý đối với những du khách đến từ Iran nhiễm virus corona chủng mới.
  • Qatar xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của nước này.
  • Pakistan có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 4 ca; UAE cũng có 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 21 ca.
  • Iraq có 5 ca nhiễm mới; nâng tổng số lên 13 ca; 
  • Đài Loan có 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 39 ca.
  • Úc cho biết họ sẽ từ chối nhập cảnh tất cả các công dân nước ngoài đến từ Iran do sự bùng phát của dịch bệnh. Úc vừa cũng vừa có ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
  • Mexico có 3 ca nhiễm virus corona, đều trở về từ Italy.
  • Ecuador trở thành nước thứ 3 ở châu Mỹ latinh có người nhiễm COVID-19.

Việt Nam

  • Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã xác nhận với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc một trường hợp người Việt Nam tại thành phố Daegu nhiễm COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ chữa trị miễn phí cho công dân Việt Nam tại nước này trong trường hợp bị nhiễm bệnh.
  • Giám đốc Đại học Quốc gia Huỳnh Thành Đạt đề xuất tất cả sinh viên tại TP HCM nghỉ học hết tháng 3 trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.
  • Bộ Tư lệnh TP HCM, Quân khu 7 và các đơn vị sẽ thành lập bệnh viện dã chiến gần sân bay Tân Sơn Nhất trước khả năng có 7.000 người Việt từ Hàn Quốc về.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)


***********

Số ca nhiễm nCoV ở Italy lên hơn 1.000


Italy ghi nhận thêm 240 ca dương tính nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.128, trong đó 29 người đã tử vong.

Người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli hôm qua cho biết chỉ trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm 240 ca nhiễm nCoV và 8 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm nCoV tại Italy hiện là 1.128, trong đó 29 người đã tử vong và 50 người khỏi bệnh, chủ yếu ở các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna. Vùng Lombardy ghi nhận số người nhiễm nCoV cao nhất Italy.

Italy là ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Âu và nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở các nước khác liên quan đến người trở về từ nước này. Giới chức y tế cảnh báo các bệnh viện ở Italy đã chạm ngưỡng và sẽ rơi vào khủng hoảng nếu số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng mạnh.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, chính phủ Italy tuần trước đã cấm các cuộc tụ tập đông người trên khắp miền bắc Italy và đóng cửa các trường học ít nhất đến ngày 8/3.

Nhân viên y tế trong một túp lều dựng tạm bên ngoài bệnh viện thành phố Cremona, miền bắc Italy. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế trong một túp lều dã chiến bên ngoài bệnh viện thành phố Cremona, miền bắc Italy. Ảnh: AP.

Chính phủ cũng lo lắng dịch bệnh có thể tác động đến nền kinh tế mong manh của Italy. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, khi rất nhiều người hủy kế hoạch du lịch tới Italy kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Các nước láng giềng của Italy cũng đang thực hiện những biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn virus lây lan. Pháp hôm qua ban hành lệnh cấm tạm thời đối với các cuộc tụ họp công cộng hơn 5.000 người, trong khi Thụy Sĩ hôm 28/2 cấm các sự kiện thu hút hơn 1.000 người. Mỹ cũng khuyến cáo công dân tránh đi lại không cần thiết đến Italy.

Dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12, đến nay đã xuất hiện tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch đã khiến hơn 86.000 người nhiễm bệnh, gần 3.000 người tử vong trên toàn thế giới.


**************

Iran nhận viện trợ TQ để chống dịch Covid-19, từ chối đề nghị của Mỹ

Trọng Thuấn

Trung Quốc đã gửi các thiết bị y tế và chuyên gia y tế tới hỗ trợ Iran chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Iran lại từ chối đề nghị hỗ trợ của Mỹ.

Đại sứ Trung Quốc tại Iran Chang Hua thông báo trên mạng xã hội về đợt viện trợ nói trên ngày 29/2.

“Lô hàng đầu tiên đã vào Iran và sẽ có những hỗ trợ tiếp theo. Iran hãy mạnh mẽ lên”, ông Chang viết.

Dịch virus corona đang lây lan nhanh chóng ở Iran. BBC hôm 28/2 đưa tin ít nhất 210 người đã tử vong vì virus corona trên khắp Iran, dựa trên nguồn thông tin từ các bệnh viện.

Nhưng Bộ Y tế Iran bác bỏ thông tin nói trên, vào ngày 29/2 cho biết Iran có 43 người đã tử vong và 593 người nhiễm virus.

Iran nhan vien tro TQ de chong dich Covid-19, tu choi de nghi cua My hinh anh 1 14a65fd0_5ac4_11ea_b438_8452af50d521_image_hires_182444_Mizan_News_agency.jpg

Một y tá chăm sóc cho bệnh nhân tại khu dành riêng để điều trị virus corona ở một bệnh viên ở Qom. Ảnh: Hãng tin Mizan.

Một số quan chức cấp cao của Iran đã nhiễm bệnh Covid-19, bao gồm Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, một trong 12 phó tổng thống của Iran. Bà đã dự một cuộc họp nội các với Tổng thống vào ngày 26/2, ngồi cách hai người so với tổng thống.

Bà là quan chức cấp cao thứ ba của chính quyền Tehran nhiễm virus corona sau ông Iraj Harirchi - Thứ trưởng Y tế - và ông Mojtaba Zonnour - người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại ở Quốc hội.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 28/2 cho biết Washington đã đề nghị giúp đỡ Tehran ứng phó với sự lây lan của virus corona. Ông cho biết có một số kênh để gửi hàng y tế và nhân đạo tới Iran. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết đã hoàn tất một thỏa thuận với chính phủ Thụy Sĩ để giúp hàng nhân đạo vào được Iran.

Iran đã bác bỏ và gọi đề nghị của Mỹ là "nực cười".

"Đề nghị giúp đỡ Iran chống lại virus đến từ một quốc gia đã áp đặt những sức ép đắt đỏ lên nhân dân Iran thông qua những hành động khủng bố kinh tế, thậm chí ngăn chặn việc mua thiết bị y tế và thuốc men, là nực cười và chỉ là trò chơi tâm lý chính trị", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cản trở khả năng đối phó với bệnh dịch của Iran. Mỹ đã thắt chặt trừng phạt trong hai tháng qua kể từ sau căng thẳng hồi tháng 1, trong đó Mỹ tiêu diệt tư lệnh hàng đầu Qassem Soleimani của Iran ở Baghdad.

Bắc Kinh vẫn luôn có quan hệ tốt đẹp và chiến lược với Iran trong những năm gần đây, vì dựa nhiều vào nguồn cung dầu từ Trung Đông, theo South China Morning Post.


**************

Hoảng loạn thái quá ở Italy



Nhiều người dân Italy đang bị nhấn chìm trong cảm xúc lo âu vì Covid-19, khiến họ luôn lo sợ mọi thứ đều có thể là nguồn lây bệnh.

Những biện pháp nhanh chóng được thực hiện ở miền bắc Italy nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn, vượt ngoài số ca nhiễm và tử vong. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết ngày càng có nhiều người tỏ ra hoảng loạn, lo âu quá đà về dịch bệnh.

Một cửa hàng ở Milan, Italy, treo biển đã bán hết khẩu trang. Ảnh: AFP.

Một cửa hàng ở Milan, Italy, treo biển đã bán hết khẩu trang. Ảnh: AFP.

Giữa lúc 50.000 người đang bị phong tỏa tại những điểm nóng lây nhiễm và khoảng 10 triệu người khác bị ảnh hưởng từ lệnh đóng cửa trường học, cơ quan chính quyền, các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần cảnh báo đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lưu tâm liên quan tới hành vi xã hội.

Bác sĩ tâm thần Rossella Candela ở Rome lấy việc người dân đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa, càn quét các kệ hàng siêu thị là một ví dụ cho thấy tâm lý hoảng loạn. "Một số người thích ứng được nhưng số khác phản ứng như thể họ đang bị dội bom Thế chiến II", bà nói.

Khẩu trang hiện cháy hàng ở hầu hết các hiệu thuốc tại khu vực phía bắc Italy. Cơn sốt khẩu trang cũng là một phần trong cơn hoảng loạn Covid-19.

Theo Candela, sau làn sóng hoảng loạn đầu tiên, con người sẽ xuất hiện cảm giác lo lắng thường trực ở mức độ thấp, bắt nguồn từ việc họ bị gián đoạn các thói quen thường nhật.

"Tại những ngôi làng nhỏ bé ở Lombardy của chúng tôi, hủy Thánh lễ là điều điên rồ, chưa từng có tiền lệ", Alessandra Braga, nhà tâm thần học tại Brescia, thành phố thuộc vùng Lombardy, nơi dịch bệnh đang hoành hành, cho hay.

Việc đóng cửa trường học và văn phòng chính phủ có nghĩa "rất nhiều người sẽ chỉ dành cả ngày ở nhà xem các chương trình truyền hình, nơi ai cũng nói về virus corona. Điều này sẽ làm tăng tâm lý hoang mang, lo lắng", Braga nhận định và thêm rằng bà luôn khuyến khích bệnh nhân "ra ngoài, hít thở không khí trong lành".

Tuy nhiên, Braga lưu ý nỗi sợ Covid-19 giống như "một dịch bệnh cảm xúc và cảnh xúc thì rất khó kiểm soát".

Một nhà hàng Trung Quốc ở Milan vắng khác vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Một nhà hàng Trung Quốc ở Milan vắng khác vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Dù nhà chức trách đã nỗ lực trấn an người dân, việc chiến đấu với nỗi sợ hãi khi bạn đối diện "một thứ gì đó vô định, vô hình như virus" là vô cùng khó khăn, nhà tâm lý học Gabriele Zanardi ở Pavia, phía nam Milan, bình luận.

Theo ông, những người lo lắng nhiều hơn cả lại chính là người dân sống ở bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi họ không có trải nghiệm thực tế. Hệ quả là tâm lý dè chừng, thái độ kỳ thị nảy sinh, đặc biệt đối với những người có liên quan tới Trung Quốc.

Khu phố Tàu của Milan trở nên hoang vắng trong ba ngày qua. Rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã chọn cách đóng cửa hàng, quán ăn để tránh bị tẩy chay.

Tại Turin, sau khi ca tử vong đầu tiên vì nCoV được công bố, một phụ nữ 40 tuổi Trung Quốc đã bị những người lạ tấn công trên đường phố. Họ dành cho bà những lời lẽ như: "Bà mang virus, hãy biến đi không chúng tôi sẽ giết bà".

"Italy đã trở thành một đất nước đáng sợ", Mariella Enoc, giám đốc bệnh viện Bambino Gesu ở Rome, nói với báo La Stampa.

Với các chuyên gia tâm lý, lo lắng lớn nhất hiện nay là tình trạng thông tin sai lệch bị truyền bá rộng rãi. Hôm 25/2, giới chức Italy phải lên tiếng bác bỏ một thông báo giả mạo rằng tất cả trường học của nước này sẽ đóng cửa tới ngày 5/3.

Bên cạnh đó, hàng loạt thuyết âm mưu vô căn cứ cũng liên tục được đưa ra, rằng nCoV có thể tồn tại 6 ngày trên những kiện hàng đến từ Trung Quốc hay dịch bệnh được làm cho bùng phát nhằm hủy hoại nền kinh tế thịnh vượng của Lombardy.

Dù vậy, giữa cơn khủng hoảng, vẫn còn chút hài hước. Braga nhớ tới chuyện một bệnh nhân của bà nói đùa rằng "sau một tuần mắc kẹt trong nhà, nếu lũ trẻ không chết vì nCoV, tôi sẽ tự tay giết chúng".

"Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến cơn khủng hoảng không thể kiểm soát đạt đỉnh trong vài ngày qua", Zanardi nói. "Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Mọi người đang dần thích nghi và điều đặc biệt sẽ trở nên bình thường".


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn