CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Sáng 13/2 )

Thứ Năm, 13 Tháng Hai 20205:40 SA(Xem: 4720)
CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Sáng 13/2 )

Những tin tức cập nhật, tổng hợp MỚI NHẤT về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc đại lục, trên thế giới và tại Việt Nam tính đến tối ngày 13/2.T

Trung Quốc đại lục (*)

  • Tính đến 5h30 chiều ngày 13/2, UB Y tế Nhà nước Trung Quốc công bố số ca nhiễm và số ca tử vong trên toàn quốc lần lượt là 59.823 ca (tăng 15.170 ca, gấp 10 lần so với thông thường) và 1.367 ca (tăng 254 ca, gấp gần 3 lần so với thông thường), được giải thích là do thay đổi cách tính.
  • ĐCSTQ đã sa thải hàng loạt quan chức cấp cao tỉnh Hồ Bắc. Bí thư Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) đã bị sa thải sáng nay 13/2, người thay thế ông là Ứng Dũng (Ying Yong) – thị trưởng Thượng Hải và là thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bí thư TP. Vũ Hán Mã Quốc Cường (Ma Guogiang) cũng bị cách chức và thay bằng Vương Chung Lâm (Wang Zhonglin) – bí thư Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) và cũng thuộc phe thân tín của ông Tập.
  • Hình ảnh các “đội mai táng” được huy động đến Vũ Hán hỗ trợ thời gian gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ về trò gian lận số liệu của ĐCSTQ. Xem chi tiết.
  • Các hiệu thuốc ở thành phố Nam Kinh đã bị cấm bán tất cả các loại thuốc trị sốt và ho cho người dân để những người bị sốt hoặc ho sẽ phải đến bệnh viện điều trị. Trong khi đó tại Bắc Kinh, các nhà thuốc được khuyến khích thu thập thông tin (gồm tên, địa chỉ, số CMND, thông tin liên lạc, triệu chứng) của tất cả các khách hàng mua thuốc hạ sốt và ho, theo Tân Hoa Xã.
  • Tuần lễ thời trang Thượng Hải (Shanghai Fashion Week) dự kiến diễn ra từ 26/3 đến 2/4 sẽ bị hoãn.
  • Quân đội Trung Quốc vừa triển khai thêm 2.600 y bác sĩ tới Vũ Hán để đối phó virus corona, 1.400 người lên đường ngay hôm nay.

Bác sĩ ghép thận Vũ Hán tử vong do Covid-19 nghi từng mổ cướp nội tạng

Những tin đã đưa vào sáng 13/2:

  • Theo cập nhật của UB Y tế Nhà nước Trung Quốc lúc 9h sáng 13/2, tổng số ca nhiễm là 59.763, tăng 15.110 ca so với ngày trước đó; số ca tử vong tăng lên 252 ca, tổng cộng 1.365 người.
  • Tỉnh Hồ Bắc giải thích sở dĩ số ca nhiễm bệnh tăng cao đột biến là do họ thay đổi phương pháp tính số ca nhiễm từ ngày 13/2. Theo đó, 90% các ca nhiễm mới hiện mới chỉ là chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 nhưng không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hồ Bắc trước đây không thống kê số liệu theo cách này. Ủy ban y tế tỉnh cho biết thay đổi được thực hiện để phù hợp với những báo cáo từ các tỉnh khác trên khắp Trung Quốc, theo SCMP. Tuy nhiên, có người đã chỉ ra sự mâu thuẫn trong cách giải thích này, bởi chỉ vài ngày trước đó, UB Y tế Nhà nước Trung Quốc đã thông báo thay đổi định nghĩa về cách xác định ca nhiễm bệnh: đó là những ai dù xét nghiệm dương tính nhưng chưa có triệu chứng thì vẫn chưa được coi là một ca nhiễm bệnh được xác nhận.
  • Nhiều trường hợp “âm tính giả” trong chẩn đoán nCoV đã được phát hiện tại Trung Quốc Đại Lục, một trong số đó là một bệnh nhân Bắc Kinh trải qua ba lần xét nghiệm nCoV nhưng vẫn cho kết quả âm tính (không bị nhiễm nCoV), nhưng cuối cùng phát hiện nCoV trong mẫu xét nghiệm đường hô hấp. Các trường hợp “âm tính giả” tương tự cũng đã được phát hiện tại Ninh Hạ, Hắc Long Giang. Xem chi tiết.
  • Theo một chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/2, hơn 2.000 quận/huyện ở Trung Quốc sẽ được phân loại và xếp hạng dựa trên mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm xác định lại các mức độ ưu tiên và chính sách chống dịch sát với tình hình địa phương.
  • Theo một chuyên gia từ UB Y tế Nhà nước Trung Quốc, thông qua nghiên cứu 1.000 ổ dịch bệnh Covid-19, nhóm của ông phát hiện 83% ổ dịch tập trung ở các hộ gia đình. 17% còn lại là ở bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm, và nơi làm việc…Những ổ dịch này bao gồm tất cả nhóm tuổi, từ trẻ sơ sinh cho tới người già.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 

Vũ Hán: Câu chuyện về thất bại của hệ thống miễn dịch và sức mạnh xã hội

Thế giới

  • Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản bày tỏ lo ngại các nhân viên người Ấn làm việc trên tàu Diamond Princess đang gặp rủi ro không đáng có khi tiếp tục làm việc và tiếp xúc trong môi trường lộn xộn trên tàu. Hiện đang có 132 nhân viên và sáu khách người Ấn Độ trên tàu, trong đó 2 trong số các nhân viên dương tính với Covid-19 và đã được đưa đến bệnh viện địa phương.
  • Du thuyền Diamond Princess: có thêm 44 trường hợp dương tính với Covid-19 được xác nhận, nâng tổng số ca bị nhiễm trên tàu đến thời điểm này lên tới 219 ca (gồm cả 1 quan chức Nhật trong đoàn kiểm dịch). Đây là nơi có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất sau Trung Quốc Đại lục. Hiện các hành khách trên tàu đang được cách ly đến 19/2. Nhật Bản vẫn chưa quyết định có cho toàn bộ hơn 3.700 hành khách xét nghiệm Covid-19 hay không.
  • Hồng Kông xác nhận ca nhiễm thứ 51, đồng thời gia hạn thời gian trở lại trường học tới ít nhất ngày 16/3.
  • Chính phủ Úc vừa thông báo gia hạn cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh thêm một tuần đến hết 22/2. Lệnh cấm này sẽ được giới chức Úc đánh giá hàng tuần trước thời điểm hết hạn để quyết định có gia hạn thêm hay không. Việc gia hạn lệnh cấm di trú thêm một tuần sẽ khiến 100.000 du học sinh Trung Quốc tại Úc không thể tới Úc bắt đầu kỳ học mới.
  • 2020 Tokyo Olympics dự kiến vẫn diễn ra như bình thường, theo các nhà tổ chức sự kiện này.
  • Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết một số bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 được chuyển đến các phòng thí nghiệm trên khắp Hoa Kỳ cho kết quả sai, hiện cơ quan này đang tái sản xuất một loại thuốc thử được sử dụng trong bộ dụng cụ.
  • Du thuyền Westerdam sau khi bị chính quyền ở bốn quốc gia từ chối cập cảng (gồm Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines) cuối cùng đã được phép cập cảng ở Campuchia, mặc dù không có trường hợp nhiễm Covid-19 nào được báo cáo trên tàu. 
  • WHO hiện đang cung cấp vật tư y tế cho Triều Tiên mặc dù nước này chưa báo cáo trường hợp nhiễm bệnh nào. Các vật tư được chuyển tới Triều Tiên bao gồm thuốc thử trong phòng thí nghiệm và các thiết bị bảo vệ cá nhân như kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang và bộ quần áo bảo hộ. 
  • Truyền thông nhà nước Triều Tiên vừa thông báo rằng các nhà chức trách nước này đã gia hạn thời gian phong tỏa kiểm dịch toàn quốc lên 30 ngày.
  • Hãng United Airlines gia hạn thêm thời gian ngừng bay tới Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đến cuối tháng 4.
  • Malaysia xác nhận ca nhiễm thứ 19.
  • Nhật Bản: 1 tài xế taxi ở Tokyo được xác định dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này (gộp cả trên tàu Diamond Princess) là 248.

Những tin đã đưa sáng 13/2:

  • Hồng Kông có 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 50 người;
  • Singapore có 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 50 người;
  • Mỹ có 1 ca nhiễm mới; nâng tổng số lên 14 người. Đây là người nằm trong số những người được sơ tán về từ Vũ Hán;
  • Anh có 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 9 người;
  • Chính quyền Đài Loan ngày 12/2 cho biết đã tham gia cuộc họp trực tuyến với Tổ chức Y tế thế giới  về dịch Covid-19 mà không cần Trung Quốc Đại lục phê chuẩn. Trước đó, Đài Loan phản đối khi cho rằng họ không thể nhận được thông tin kịp thời từ WHO do đã bị loại tư cách thành viên.
  • Triển lãm công nghệ di động thường niên lớn nhất thế giới (Mobile World Conference) tại Barcelona, Tây Ban Nha đã phải hủy vì những lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19. Đây là một tin buồn với giới yêu công nghệ bởi MWC được xem là cơ hội lớn nhất trong năm được trải nghiệm các sản phẩm di động hàng đầu thế giới sắp sửa ra mắt. Trước đó, nhiều công ty đã tuyên bố rút khỏi MWC như Amazon, Nokia, Ericsson, Vivo, Sony, AT&T, Vodafone v.v.

Cái chết của BS Lý Văn Lượng và việc “duy trì sự ổn định” của ĐCSTQ

Việt Nam

  • Chiều 13/2, Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại 41 địa phương, cho biết hiện có 5.112 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc đang được cách ly, theo dõi. Xem thêm.
  • Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng giáo viên, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. Xem thêm.
  • Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương không có dịch Covid-19, có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh. Xem thêm.
  • Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ thực hiện đóng cửa tạm thời lớp học trong trường hợp có từ 2 trẻ trở lên mắc bệnh trong vòng 7 ngày và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan. Ngoài ra, sẽ đóng cửa tạm thời trường học trong trường hợp từ 2 lớp học trở lên có trẻ nhiễm dịch Covid-19, kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan giữa các lớp trên cơ sở đề xuất của cơ quan y tế và được sự thống nhất của lãnh đạo ngành và sự chấp thuận của UBND thành phố. Xem thêm.
  • UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với đề xuất của Sở Du lịch Quảng Ninh, không cho hành khách và thuyền viên trên tàu Aidavita (Ý) với 1.116 khách lên bờ, tham quan các điểm du lịch tại Quảng Ninh. Xem thêm.
  • Sở Công thương Tp.HCM cho biết Tổng Công ty 28 (Bộ Quốc phòng) đang gấp rút sản xuất 2,5 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang trong giai đoạn hiện nay.
  • Trưa ngày 13/2, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 16 tại Việt Nam là bố của 1 bệnh nhân thuộc 1 trong 8 người từ Vũ Hán trở về.

Những tin đã đưa sáng 13/2:

  • UBND huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết kể từ hôm nay (13/2), lực lượng chức năng sẽ tổ chức 8 chốt để cách ly người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) trong khoảng thời gian 20 ngày (13/2 – 3/3) để khoanh vùng, dập dịch Covid-19.
  • Từ ngày 13/2, 2 đội công tác đặc biệt về Vĩnh Phúc hỗ trợ dập dịch Covid-19.
  • Cũng tại Vĩnh Phúc: người có hộ khẩu thường trú và tạm trú tại tỉnh thuộc đối tượng phải cách ly tập trung hoặc cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 60.000 đồng/người/ngày; người cách ly tại cộng đồng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày; cán bộ y tế và những người tham gia phòng chống dịch bệnh tại các chốt được hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày làm việc bình thường; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ.
  • Khoảng 300.000 học sinh tại 516 trường và cơ sở trường tại Vĩnh Phúc sẽ được nghỉ học thêm một tuần, đến ngày 23/2.
  • Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hiện đang được theo dõi sức khoẻ. Ngoài ra còn có 6 trường hợp khác là học sinh trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuân) được thực hiện xét nghiệm virus corona (nCoV).
  • UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2 (thứ Hai). Khánh Hòa là một trong ba tỉnh xảy ra dịch bệnh do Covid-19 gây ra được đưa vào quyết định của Thủ tướng khi công bố dịch bệnh trên cả nước.
  • Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy người phụ nữ đã bỏ trốn khỏi khu vực cách ly phòng chống dịch corona tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn ngày 10/2. Hiện bà này đang được đưa vào một khu cách ly theo dõi virus corona khác cũng nằm tại tỉnh Lạng Sơn.
  • Chiều 12/2, bệnh nhân Li Ding, 66 tuổi, người Trung Quốc, một trong 2 người Trung Quốc nhiễm Covid-19 điều trị tại BV Chợ Rẫy, được tuyên bố hoàn toàn khỏi bệnh với 5 kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp. Ông Li Ding đã xuất viện sau đó.
  • Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị Sở Y tế phối hợp kiểm định 600.000 khẩu trang thu giữ, nếu đảm bảo chất lượng có thể sử dụng phát miễn phí cho các trường.
  • Sau khi được thông quan sang Trung Quốc sau nhiều ngày chờ ở cửa khẩu biên giới, container chở nông sản Việt tiếp tục mắc kẹt ở bên kia cửa khẩu, “đi tiếp không được, quay về không xong.” Tại các trục đường lớn từ cửa khẩu Lạng Sơn đi Trung Quốc, hàng trăm container chở nông sản Việt xếp thành dãy dài chờ xe đến bốc hàng đi. Theo Bộ Công Thương, tại các cửa khẩu với Trung Quốc, hàng nghìn tấn nông sản vẫn đang tiếp tục ùn ứ do lượng xe đổ lên biên quá nhiều. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), 106 xe nông sản (thanh long, mít, ớt, nhãn) đang tiếp tục chờ đợi.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn