Iraq : Cảnh sát trấn áp biểu tình chống chính phủ, ba người chết

Chủ Nhật, 26 Tháng Giêng 202010:00 SA(Xem: 3901)
Iraq : Cảnh sát trấn áp biểu tình chống chính phủ, ba người chết
rfi.fr

Irak : Cảnh sát trấn áp biểu tình chống chính phủ, ba người chết

Thu Hằng

Lực lượng an ninh Irak giải tán người biểu tình chống chính phủ tại Bagdad, ngày 25/01/2020.

Lực lượng an ninh Irak giải tán người biểu tình chống chính phủ tại Bagdad, ngày 25/01/2020. REUTERS/Thaier al-Sudani

Ngày 26/01/2020, ngày thứ hai liên tiếp, cảnh sát Irak đã bắn đạn thật vào nhiều khu vực tập trung biểu tượng của phong trào phản đối chính phủ cầm quyền ở Bagdad và ở miền nam Irak. Trong số ít nhất 17 người bị thương, có sáu người bị thương vì trúng đạn thật.

Từ gần 4 tháng nay, phe phản đối chính phủ chiếm khu vực trung tâm thủ đô Bagdad, thành phố cảng Bassora (cực nam) và thành phố thánh Najaf (phía nam Bagdad). Ngày 25/01, cảnh sát đã mở đợt chống bạo động để chiếm lại một phần lớn những khu vực trên, ba người chết vì xô xát với cảnh sát.

Thông tín viên RFI Lucile Wassermann tường trình từ Bagdad :

Phong trào chống chính phủ bị trấn áp không thương tiếc ở Bagdad. Thứ Bẩy 25/01, lực lượng an ninh đã đánh bật một phần lớn người biểu tình cắm trại quanh khu vực quảng trưởng Tahrir.

Cuộc can thiệp đã diễn ra trong bạo lực. Theo một số nhân chứng tại chỗ, lực lượng chống bạo động đã bắn đạn thật để người biểu tình sợ bỏ chạy, sau đó đốt một số lều trại, được dựng tạm ở quảng trường từ nhiều tuần nay.

Đến hôm nay (26/01), chỉ còn quảng trường Tahrir, trung tâm của phong trào phản kháng, và một phần cây cầu Cộng Hòa dẫn thẳng đến khu vực Xanh, vẫn còn bị người biểu tình chiếm đóng.

Cuộc trấn áp của lực lượng an ninh diễn ra trong bối cảnh Moqtada Sadr, giáo sĩ có ảnh hưởng thuộc hệ phái Shia, tuyên bố rút ủng hộ phong trào phản kháng. Trong khi chỉ vài giờ trước đó, ông tổ chức một cuộc tập hợp có quy mô lớn hôm thứ Sáu (25/01), với hàng trăm nghìn người Irak tham gia, để chống sự hiện diện của Mỹ. Tuy nhiên, vị giáo sĩ theo hệ phái Shia này thấy rằng ông bị chỉ trích quá nhiều trong phe phản đối chính phủ cầm quyền và dường như ông không còn được phong trào bảo vệ.

Ngay lập tức, đa số những người ủng hộ giáo sĩ Moqtada Sadr, có mặt rất đông trên quảng trường Tahri, rời khỏi quảng trường và nhiều khu vực đấu tranh khác. Phong trào phản kháng giờ bị tạm ngừng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn