Báo South China Morning Post nói về vụ Đồng Tâm

Thứ Tư, 15 Tháng Giêng 20209:15 SA(Xem: 5763)
Báo South China Morning Post nói về vụ Đồng Tâm
rfi.fr

Báo South China Morning Post nói về vụ Đồng Tâm

Thanh Phương

Một con đường trong làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 20/04/2017. Ảnh minh họa.

Một con đường trong làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 20/04/2017. Ảnh minh họa. STR / AFP

Ngày 15/01/2020, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài tổng hợp thông tin về vụ mà một số người Việt Nam nay gọi là “Thảm sát Đồng Tâm”, xảy ra ngày 09/01, khiến 4 người chết, gồm 3 công an và ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm dân khiếu kiện về tranh chấp đất đai với chính quyền.

Theo South China Morning Post, một nhóm độc lập đã yêu cầu chính phủ tiến hành điều tra để làm rõ sự thật về vụ Đồng Tâm, vì cho tới nay có rất ít thông tin về vụ này được công bố.

Tờ báo nhắc lại là hôm 14/01, bộ Công An khẳng định chính dân làng đã gây ra bạo động và nhóm của ông Kình đã ném lựu đạn và phóng hỏa giết chết ba công an, khiến công an phải nổ súng và bắt giữ hàng chục người. Trong số những người bị bắt, 20 người sẽ bị truy tố về tội giết người và có thể lãnh án tử hình vì tội danh này.

Nhưng tờ nhật báo Hồng Kông trích lời nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết lực lượng của chính quyền đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để tấn công dân Đồng Tâm. Theo các nhà hoạt động, trong thời gian diễn ra cuộc bố ráp, mọi ngả đường đều bị chặn, mạng điện thoại và mạng Internet đều bị cắt. Theo tường thuật live stream của nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, ông Lê Đình Kình đã bị bắn hai viên đạn vào đầu, một viên vào ngực và một viên khác vào chân, và bị bắn ở nhà ngay trước mặt vợ.

Trước những thông tin trái ngược nhau như vậy, một nhóm mang tên Luật Khoa Tạp Chí ngày 11/01 đã gởi cho bộ trưởng Công An Tô Lâm nhiều câu hỏi, đề nghị cung cấp thông tin về vụ Đồng Tâm, chẳng hạn như : cơ sở pháp lý của việc sử dụng vũ khí, vũ khí mà hai bên sử dụng, vì sao phải cắt điện thoại và Internet, tổng số thiệt hại nhân mạng là bao nhiêu.

South China Morning Post trích lời phó giám đốc ban Á châu của Human Rights Watch Phil Robertson : “Tranh chấp đất đai giữa nông dân địa phương và chính quyền ở Đồng Tâm đã kéo dài từ nhiều năm qua. Việc trưng thu đất đai một cách độc đoán và bất công cho các dự án kinh tế đã là một vấn đề lớn ở Việt Nam trong vòng hai thập niên qua”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn