Anh đưa chiến hạm đến gần Iran ( Còn cập nhật những thông tin khác )

Thứ Bảy, 04 Tháng Giêng 20209:02 CH(Xem: 7642)
Anh đưa chiến hạm đến gần Iran ( Còn cập nhật những thông tin khác )
****************

Anh đưa chiến hạm đến gần Iran

Hai tàu chiến Anh sẽ được điều tới vịnh Ba Tư để bảo vệ tàu hàng đi qua eo biển Hormuz sau vụ Mỹ không kích giết tướng Soleimani.

"Tôi lệnh cho hộ vệ hạm HMS Montrose và khu trục hạm HMS Defender nối lại nhiệm vụ hộ tống các tàu hàng mang cờ Anh. Chính phủ sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ tàu và công dân Anh tại thời điểm này", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo ngày 4/1.

Hải quân Anh từng triển khai tàu chiến hộ tống tàu hàng đi qua eo biểu Hormuz sau khi tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Iran bắt hồi tháng 7. Hoạt động hộ tống này chấm dứt từ tháng 11/2019, sau khi Iran thả tàu Stena Impero.

Khu trục hạm HMS Defender (phía sau) diễn tập triển khai xuồng cao tốc. Ảnh: Royal Navy.

Khu trục hạm HMS Defender (phía sau) diễn tập triển khai xuồng cao tốc. Ảnh: Royal Navy.

Quyết định nối lại chiến dịch hộ tống tàu hàng được Anh đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông gia tăng sau vụ Mỹ không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). 

Iran đã đe dọa sẽ tiến hành các hoạt động "trả thù tàn khốc" nhắm vào các mục tiêu của Mỹ trong khu vực. Chỉ huy IRGC tại tỉnh Kerman Gholamali Abuhamzeh nói nước này "đã xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm" và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.

Bộ trưởng Wallace cho biết đã hội đàm với người đồng cấp Mỹ Mark Esper hôm 3/1. "Các lực lượng Mỹ liên tục bị dân quân do Iran hậu thuẫn tấn công trong vài tháng qua. Tướng Soleimani là trung tâm của hoạt động sử dụng lực lượng ủy nhiệm phá hoại các quốc gia có chủ quyền láng giềng và nhằm vào đối thủ của Iran", Wallace viết trên Twitter.

Chính phủ Anh hôm 4/1 khuyến cáo công dân tránh du lịch tới Iran và Iraq. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ về nước hôm nay sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở vùng biển Caribbean. Johnson chưa bình luận về vụ Mỹ không kích giết tướng Iran.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ sẽ tấn công "rất nhanh và dữ dội" vào 52 mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này báo thù cho tướng Soleimani. Khoảng 3.500 lính Mỹ sẽ được điều đến Kuwait để đối phó mối đe dọa gia tăng với lực lượng nước này tại Trung Đông..

HMS Montrose và HMS Defender đều là các chiến hạm hiện đại của hải quân Anh, được trang bị nhiều loại tên lửa phòng không, chống hạm và hải pháo, có khả năng cơ động tốc độ cao để ngăn chặn các hành vi thù địch trên biển.


************

Trump dọa tấn công 52 mục tiêu Iran

Trump tuyên bố sẽ tấn công "rất nhanh và dữ dội" các mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này có hành động báo thù cho tướng Soleimani.

"Hãy xem đây là lời cảnh báo rằng nếu Iran tấn công bất cứ công dân hay tài sản nào của Mỹ, chúng tôi đã chọn sẵn 52 địa điểm của Iran (đại diện cho 52 con tin Mỹ bị Iran bắt nhiều năm trước) làm mục tiêu tấn công", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter hôm nay.

"Một số mục tiêu có cấp độ rất cao và quan trọng đối với Iran và văn hóa nước này. Những mục tiêu đó và cả Iran sẽ bị tấn công rất nhanh và dữ dội. Mỹ không muốn có thêm mối đe dọa nào nữa".

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 3/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 3/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida. Ảnh: Reuters.

Trump cho rằng Iran đang có những phát ngôn "rất mạnh miệng" về việc tấn công các mục tiêu của Mỹ để báo thù cho vụ không kích giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds chết trong trận không kích hôm 3/1 gần sân bay Baghdad, Iraq. Tổng thống Mỹ cáo buộc Soleimani sát hại một công dân Mỹ và làm bị thương nhiều người khác trong vụ căn cứ của Iraq ở Kirkuk trúng rocket, cũng như giết hại hàng trăm người biểu tình trước đó.

"Ông ta đã tấn công đại sứ quán của chúng ta và chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở các địa điểm khác", Trump viết. "Iran chẳng có gì ngoài rắc rối suốt những năm qua".

Trước đó, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei thề sẽ "báo thù" cho thiếu tướng Soleimani. Giới chuyên gia nhận định Iran có thể kích động các nhóm dân quân ở Trung Đông nhắm vào các lợi ích Mỹ trong khu vực hoặc mở các cuộc tấn công mạng.

Gholamali Abuhamzeh, một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, hôm 3/1 cũng tuyên bố nước này đã "xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm" và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.

Hai quả đạn cối tối 4/1 đã rơi vào Vùng Xanh, nơi có sứ quán Mỹ ở Baghdad và hai quả rocket nhắm mục tiêu vào căn cứ phía bắc thủ đô của Iraq, nhưng không gây thương vong. Hiện chưa rõ bên nào thực hiện các vụ tấn công.

Lầu Năm Góc rạng sáng 3/1 triển khai hai máy bay không người lái MQ-9 Reaper thực hiện đòn không kích bằng tên lửa nhằm vào đoàn xe khiến tướng Soleimani cùng một chỉ huy dân quân Iraq thiệt mạng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ hành động như vậy để bảo vệ mạng sống công dân nước này tại Trung Đông.

Đòn tên lửa Mỹ giết tướng Iran. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Đòn tên lửa Mỹ giết tướng Iran. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Thiếu tướng Soleimani được coi là quan chức quyền lực thứ hai tại Iran sau lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei. Soleimani đóng vai trò chủ chốt tại Iraq sau khi tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ra khắp Trung Đông và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến từ năm 2011.


***********

Mỹ lên án dân quân Iraq

Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích Kataib Hezbollah sau khi nhóm dân quân kêu gọi quân đội Iraq tránh xa căn cứ Mỹ ít nhất một km.

"Những tên côn đồ thuộc Kataib Hezbollah đang đòi lực lượng an ninh Iraq từ bỏ nghĩa vụ bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và tại các địa điểm người Mỹ đang hợp tác cùng những người Iraq tốt", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter ngày 5/1.

Tuyên bố được Pompeo đưa ra sau khi Kataib Hezbollah, nhóm dân quân thân Iran có ảnh hưởng lớn ở Iraq, gửi thông điệp yêu cầu lực lượng an ninh Iraq "cách xa căn cứ Mỹ ít nhất một km" với hạn chót vào 17h ngày 5/1.

Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 12/2019.

Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 12/2019. Ảnh: AFP.

"Iran đang yêu cầu chính phủ Iraq thực hiện những việc khiến mạng sống của người Iraq yêu nước gặp nguy hiểm", Pompeo viết. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng dân Iraq muốn thoát khỏi "ách thống trị của Iran" và nhắc lại vụ người biểu tình Iraq đốt lãnh sự quán Iran tại Najaf hồi tháng 11/2019.

Kataib Hezbollah đưa ra cảnh báo cho lực lượng an ninh Iraq sau khi hai quả đạn cối rơi gần đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và hai quả rocket lao vào căn cứ không quân ở thành phố Balad, nơi có binh sĩ Mỹ đóng quân. Quân đội Iraq cho biết không có thương vong trong các cuộc tấn công, nhưng hiện chưa rõ thủ phạm.

Các cuộc tấn công bằng đạn cối và rocket này có thể là lời cảnh báo về việc trả đũa vụ Mỹ không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cùng Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy nhóm Kataib Hezbollah hôm 3/1. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết liên minh quân sự chống IS đã chuyển sang giám sát nguy cơ tấn công bằng rocket.

Kataib Hezbollah là một trong các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite thân Iran quan trọng nhất tại Iraq. Lực lượng này được Muhandis, người có quan hệ thân cận với tướng Soleimani, thành lập trong giai đoạn 2003-2007. Kataib Hezbollah được chính phủ Iraq cho phép gia nhập Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) để chống lại phiến quân IS và Muhandis được bổ nhiệm làm phó tư lệnh PMU.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei thề sẽ "báo thù" cho thiếu tướng Soleimani. Giới chuyên gia nhận định Iran có thể kích động các nhóm dân quân ở Trung Đông nhắm vào các lợi ích Mỹ trong khu vực hoặc mở các cuộc tấn công mạng. Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tấn công "rất nhanh và dữ dội" 52 mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này có hành động báo thù cho tướng Soleimani.


*************

Tấn công đạn cối gần sứ quán Mỹ ở Iraq

Hai quả đạn cối tấn công Vùng Xanh, nơi có sứ quán Mỹ ở Baghdad và hai quả rocket nhắm mục tiêu vào căn cứ phía bắc thủ đô tối 4/1.

Một quả đạn cối rơi vào bên trong Vùng Xanh, khu vực rộng 10 km2 được canh phòng cẩn mật ở trung tâm Baghdad trong khi quả còn lại rơi gần khu vực, theo tuyên bố của quân đội Iraq. Nguồn tin giấu tên tại sứ quán Mỹ nói rằng còi báo động đã vang lên ở tòa nhà.

Lực lượng chống khủng bố Iraq canh gác đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad hôm 2/1. Ảnh: AFP.

Lực lượng chống khủng bố Iraq canh gác đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad hôm 2/1. Ảnh: AFP.

Hai quả rocket Katyusha sau đó tấn công căn cứ không quân Balad ở phía bắc Baghdad, nơi binh sĩ Mỹ đồn trú. Không có thương vong, hiện chưa rõ bên nào thực hiện các vụ tấn công.

Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad cũng như 5.200 lính Mỹ đóng quân ở Iraq đối mặt với một loạt cuộc tấn công rocket trong những tháng gần đây. Washington cáo buộc Iran và các đồng minh ở Iraq đứng sau những vụ này. Tháng trước, một nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công rocket ở bắc Iraq, khiến Mỹ không kích trả đũa giết 25 dân quân thân Iran thuộc lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU).

Người biểu tình Iraq ngày 31/12 xông vào đại sứ quán Mỹ để phản đối cuộc không kích và chỉ chịu rời đi sau khi PMU kêu gọi dừng hoạt động chiều 1/1.

Vị trí sứ quán Mỹ ở Iraq. Đồ họa: Digital Globe.

Vị trí sứ quán Mỹ ở Iraq. Đồ họa: Digital Globe.

Căng thẳng Washington và Tehran sôi sục từ ngày 3/1 khi Mỹ không kích giết tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bên ngoài sân bay Baghdad. Iran thề sẽ trả thù và ám chỉ có thể tấn công tàu Mỹ. Washington ngày 3/1 điều thêm khoảng 3.500 quân đến Trung Đông để đối phó với mối đe dọa gia tăng trong khu vực.

Đòn tên lửa Mỹ giết tướng Iran. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Đòn tên lửa Mỹ giết tướng Iran. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.


***************
rfi.fr

Bagdad tổ chức lễ tang tướng Iran Soleimani, Teheran dọa trả thù Mỹ

Trọng Nghĩa
Người dân Irak dự đám tang tướng Iran Qassem Soleimani và chỉ huy dân quân cấp cao Irak Abu Mahdi al-Muhandis, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại sân bay Bagdad. Ảnh chụp ngày 04/01/2020.
Người dân Irak dự đám tang tướng Iran Qassem Soleimani và chỉ huy dân quân cấp cao Irak Abu Mahdi al-Muhandis, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại sân bay Bagdad. Ảnh chụp ngày 04/01/2020. REUTERS/Thaier al-Sudani

Ngày 04/01/2020, chính quyền Irak đã tổ chức tang lễ cho viên tướng Iran Qassem Soleimani vừa bị thiệt mạng trong một vụ không kích của Quân Đội Mỹ ngày 03/01, gần sân bay Bagdad. Một đám đông hàng ngàn người đã tuần hành theo xe tang tại thủ đô Irak, hô vang những khẩu hiệu đòi tiêu diệt nước Mỹ.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người để tang, đa số trong quân phục dã chiến màu đen, mang theo cờ Irak cũng như cờ của các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và rất trung thành với tướng Soleimani. Những người này cũng để tang ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy dân quân cấp cao của Irak đã thiệt mạng trong cùng cuộc tấn công của Mỹ.

Tham gia lễ tang có hầu hết các lãnh đạo quan trọng tại Irak, từ thủ tướng từ nhiệm Adel Abdul-Mahdi, cựu thủ tướng Nouri al-Maliki, lãnh tụ phe nghị sĩ thân Iran tại Nghị Viện Irak Hadi al-Ameri, và lãnh đạo nhiều nhóm theo hệ phái Hồi Giáo Shia thân Iran. Thậm chí, một phiên họp của Quốc Hội Irak cũng bị dời qua Chủ Nhật 05/01 để các dân biểu có thể đi dự tang lễ viên tướng Iran.

Sau nghi thức tại thủ đô Irak, chiều tối 04/01, quan tài của tướng Soleimani sẽ được đưa về Iran, nơi chính quyền đã quyết định ba ngày quốc tang. Lễ tang sẽ kết thúc vào thứ Ba 07/01 tại thành phố Kerman, quê hương của nhân vật này ở miền trung Iran.

Iran dọa Mỹ sẽ phải trả nợ máu

Tại Iran, phản ứng giận dữ sau khi viên tướng đầy uy tín của họ bị Mỹ tiêu diệt vẫn không ngừng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện. Các lãnh đạo Iran đã đồng thanh lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả nợ máu.

Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi từ Teheran tường trình:

“Hoa Kỳ đã có hành động quân sự chống lại Iran và phản ứng của chúng tôi chắc chắn sẽ là quân sự”. Ông Majid Takhte Ravanchi, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên. Tuy nhiên, nhân vật này không nói rõ là phản ứng cụ thể là gì.

Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao, tập hợp các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Iran, đã ra một tuyên bố cho biết rằng phản ứng của Iran sẽ là một phản ứng gay gắt và Washington sẽ phải gánh chịu hậu quả về hành động của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, lãnh đạo ngành ngoại giao Iran nói rằng lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, vốn đã gợi lên một sự trả thù khủng khiếp nhắm vào Mỹ, là người không bao giờ đưa ra một lời đe dọa vu vơ.

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói nguyên văn như sau : “Khi Ayatollah Khamenei nói rằng phản ứng sẽ rất khủng khiếp thì thực tế sẽ rất khủng khiếp”.

Lãnh đạo số hai của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã khẳng định rằng tướng Qassem Soleimani đã bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ khi ông từ Syria qua Irak theo lời mời của chính quyền Bagdad để thảo luận với các quan chức Irak.

Iran đang chuẩn bị tổ chức tang lễ trọng thể cho tướng Soleimani, vào ngày 05/01 tại thành phố thánh Machhad, sau đó là lễ chính thức vào thứ Hai 06/01 tại Teheran với sự hiện diện của lãnh tụ Hồi Giáo Tối Cao Iran và các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước”.

************

Cuộc hội ý 'nghẹt thở' trước khi ông Trump hạ lệnh giết tướng Iran


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành nhiều ngày cân nhắc kỹ lưỡng 'nước cờ nguy hiểm" chứa đựng rủi ro lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.

Bên trong các căn phòng ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Trump hôm 31/12, Tổng thống Mỹ đương nhiệm cùng nhiều cố vấn cấp cao và thành viên thân thiết của ông tại Quốc hội đã bàn bạc về một cuộc không kích lấy mạng vị tư lệnh các cơ quan an ninh và tình báo Iran.

Cuộc hội ý 'nghẹt thở' trước khi ông Trump hạ lệnh giết tướng Iran

Giữa các lượt chơi golf và ăn uống cùng gia đình trong 48 giờ tiếp theo, ông Trump được cập nhật thông tin tình báo, về các mối đe dọa từ Iran nhằm vào người Mỹ trong khu vực và chuyến đi dự kiến của thiếu tướng Iran Qassem Soleimani tới Baghdad.

Các cố vấn và quan chức quân sự cấp cao cũng trình bày với ông Trump viễn cảnh có thể xảy ra với khu vực, với nước Mỹ và với nhiệm kỳ tổng thống nếu Mỹ không kích giết chết Soleimani.

Với Trump, một vị tổng thống không thích chiến tranh và đã cam kết chấm dứt các cuộc xung đột của Mỹ ở nước ngoài, cuộc tấn công đánh dấu điểm rẽ trong cuộc đối đầu âm ỉ lâu nay với Iran, mà chắc chắn sẽ dẫn đến đối đầu mạnh hơn.

CNN dẫn lời các nguồn thạo tin tiết lộ, đã có những bàn bạc "nghẹt thở" bên trong chính quyền trước khi ông Trump hạ lệnh tấn công, bởi lo ngại chung là tiêu diệt một chỉ huy quân sự của Iran sẽ khiến tình hình leo thang ngoài dự đoán.

"Tất cả mọi người đều lo lắng về những bước đi tiếp theo", một quan chức cho biết.

Buổi sáng sau cuộc không kích, ông Trump đã bỏ dở kế hoạch chơi một trận golf, thay vào đó ông dành thời gian tham khảo ý kiến các cố vấn cấp cao về lệnh giết Soleimani. Và khi đưa ra phát biểu vào giữa buổi chiều, ông Trump đã mang trọn sức nặng của quyết định này.

"Đêm qua chúng tôi đã hành động để ngăn chặn một cuộc chiến", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định khi tìm cách xoa dịu lo ngại rằng ông đang kéo Mỹ vào một cuộc xung đột đẫm máu nữa ở Trung Đông. "Chúng tôi không hành động để khởi sự một cuộc chiến".

Những người tiền nhiệm của ông Trump đều quyết định không nhắm đến Soleimani, coi cái chết của nhân vật này trong tay Mỹ có thể sẽ làm leo thang căng thẳng mà rốt cuộc càng đẩy Washington lún sâu hơn vào Trung Đông. Tuy nhiên, đối với Trump, quyết định tấn công thể hiện một chiến thắng tức thời hơn, và nó làm thay đổi tâm điểm chú ý của dư luận, dù chỉ trong chốc lát, khỏi cuộc chiến luận tội nhằm vào ông.

Cuộc hội ý 'nghẹt thở' trước khi ông Trump hạ lệnh giết tướng Iran
Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani

"Ông ta lẽ ra nên bị trừ khử từ nhiều năm trước", Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter, miêu tả vị tướng Iran là người "bị ghét và đáng sợ ở bên trong chính đất nước".

Khi tin tức nổ ra, rằng Mỹ đã tấn công và giết chết chỉ huy đội quân tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Trump đang ăn tối tại câu lạc bộ Mar-a-Lago cùng với những người bạn thân thiết, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy. Một số người con của ông cũng có mặt tại đây, cùng với Jared Kushner (con rể) khi họ hưởng nốt những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ năm mới.

Một nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Trump đã ra khỏi phong giao ban an ninh tại Mar-a-Lago lúc 6h chiều (giờ miền đông Bắc Mỹ) cùng với các trợ tá và điệp vụ. Ông được các trợ tá cập nhật tình hình suốt tối hôm đó khi các cuộc không kích ở Iraq diễn ra.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng được nhìn thấy tại câu lạc bộ cùng khoảng thời gian, và sau đó ông nói với các phóng viên rằng mình đã ở bên Tổng thống khi các chỉ huy Mỹ báo tin chiến dịch đã hoàn thành.

"Đó là điều đã diễn ra trong vài ngày, và Tổng thống quyết định chúng tôi phải di chuyển và phải hành động để bảo vệ người Mỹ", cố vấn O'Brien nói.

"Tôi có thể miêu tả tâm trạng của Tổng thống là rất tập trung", nghị sĩ Matt Gaetz, một đồng minh dành cả tối thứ Năm (2/1) ở cạnh ông Trump, kể trên Fox News. "Tôi nghĩ ông ấy bị cuốn vào những cách mà Soleimani đang lên kế hoạch giết người Mỹ, làm hại các nhà ngoại giao của chúng ta và đẩy toàn khu vực vào một cuộc nội chiến".

Video hiện trường vụ tướng Iran Qassem Soleimani bị giết:

Sau cái chết của thiếu tướng nổi tiếng của Iran, Lầu Năm Góc đã chính thức xác nhận Mỹ thự hiện vụ tấn công và đây là thông điệp duy nhất từ chính quyền Trump sau đó.

CNN dẫn lời một quan chức cho biết, trước cuộc không kích, các luật sư Nhà Trắng - trong tham vấn với các quan chức an ninh quốc gia - đã đưa ra một "lập luận mạnh mẽ" rằng quyết định này sẽ không dẫn tới chiến tranh, và Tổng thống trên cương vị Tổng tư lệnh không cần Quốc hội phê chuẩn vấn đề tự phòng thủ.

Một nguồn thạo tin tiết lộ, trên thực tế, các cuộc thảo luận giữa ông Trump và các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh quốc gia về vụ tấn công tiêu diệt Soleimani đã diễn ra từ nhiều tháng trước. Nhưng mãi đến đầu tuần này khi ông Trump gặp gỡ các quan chức cấp cao tại cơ ngơi ở Florida thì mọi việc mới trở nên rõ ràng rằng đã đến lúc phải tấn công.

Thanh Hảo


*************

Hàng nghìn người Iraq đưa tang hai tư lệnh bị Mỹ ám sát

Trọng Thuấn

Hàng nghìn người Iraq ngày 4/1 đi theo đoàn đưa tang Tư lệnh Iran Qassem Soleimani và chỉ huy Abu Mahdi al-Muhandis của lực lượng bán quân sự Iraq.

Hai ông Soleimani và al-Muhandis đều thiệt mạng khi đoàn xe của họ bị drone Mỹ tấn công tại sân bay Baghdad rạng sáng ngày 3/1.

Đoàn đưa tang bắt đầu gần Kadhimiya, quận linh thiêng của người Shi’ite ở thủ đô Baghdad, rồi đi đến khu trụ sở chính phủ và ngoại giao mang tên Vùng Xanh, nơi diễn ra lễ tang cấp nhà nước có sự tham dự của các chức sắc cao cấp.

Tổng cộng, 10 người, bao gồm 5 người Iran, 5 người Iraq, thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Trump, theo AFP.

Hang nghin nguoi Iraq dua tang hai tu lenh bi My am sat hinh anh 1 2020_01_04T072623Z_578146908_RC2V8E9XR8CZ_RTRMADP_3_IRAQ_SECURITY_FUNERAL_Reuters.JPG

Hàng nghìn người mặc đồ đen tập trung ở thủ đô Baghdad ngày 4/1 cho đám tang các vị chỉ huy Iraq và Iran vừa thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Các thi thể được đưa tới Kadhimiya trên xe bán tải, trong những chiếc quan tài được phủ lá cờ quốc gia họ.

Đoàn xe tang đi qua một biển người mặc đồ đen đã tới chờ từ trước để tỏ lòng thương tiếc. Nhiều người mang chân dung của Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Trước đó, ngày 3/1, sau vụ không kích, các đám đông người Iraq đã cầu nguyện ở các thánh đường, nhiều người cầm ảnh chân dung các vị chỉ huy thiệt mạng.

CNN mô tả một số nơi, người dân trải thảm đỏ để chờ đợi đoàn xe đi qua. Không khí có phần căng thẳng, nhiều người khóc, trong khi nhiều người hô vang “Cái chết cho nước Mỹ" đầy căm phẫn.

Một số người chống Iran đã ăn mừng cái chết của tướng Soleimani, nhưng “đa phần, cảm xúc của mọi người là sợ hãi”, phóng viên Jomana Karadshed của CNN cho biết.

“Họ rất lo ngại tình hình sẽ đi tới đâu, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ lo ngại về tương lai của đất nước”, bà nói.

Hang nghin nguoi Iraq dua tang hai tu lenh bi My am sat hinh anh 2 2020_01_04T072618Z_1692502781_RC2V8E9TT7XY_RTRMADP_3_IRAQ_SECURITY_FUNERAL_Reuters.JPG

Đoàn xe đi qua biển người mặc đồ đen ngày 4/1 ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: Reuters.

Có sự căm giận chung trước việc Iraq một lần nữa có thể trở thành “chiến trường cho các ông lớn trong khu vực và quốc tế trả đũa lẫn nhau”, bà Karadshed nói thêm.

Mọi sự chú ý đổ dồn về khả năng Iran sẽ trả đũa, leo thang nguy hiểm, nhưng chính phủ Iraq cũng đang chịu sức ép phải hành động.

Iraq vẫn có thể được coi là đồng minh hay đối tác của cả Mỹ và Iran, vì vậy phản ứng của chính phủ Iraq thế nào cũng bị kẹt giữa hai nước.

“Nhiều người Iraq, nhất là các phiến quân Shi’ite quyền lực do Iran hậu thuẫn, muốn thấy chính phủ của họ đứng lên và cứng rắn với Mỹ, và họ muốn đánh giá lại quan hệ với Mỹ”, phóng viên của CNN bình luận.

Hang nghin nguoi Iraq dua tang hai tu lenh bi My am sat hinh anh 3 2020_01_04T071254Z_305018572_RC2V8E91XD5D_RTRMADP_3_IRAQ_SECURITY_FUNERAL_Reuters.JPG

Những dân quân Kata’ib Hezbollah thân Iran mang bức chân dung lớn của Tư lệnh Iran Qassem Soleimani, chờ đoàn xe tang đi qua. Ảnh: Reuters.

Sau đe dọa trả đũa của Iran, Mỹ kêu gọi công dân rời Iraq ngay lập tức. Nhiều công nhân dầu mỏ Mỹ nhanh chóng ra sân bay rời Iraq trong ngày 3/1, chẳng hạn như ở thành phố Basra, theo Reuters. Tuy nhiên ở Baghdad, vài hãng hàng không đã tạm dừng bay đến và đi sau vụ không kích của Mỹ, theo CNN.

Các thi thể người Iran sẽ được đưa lên máy bay trở về nước vào tối 4/1 (giờ Iran), nơi đang có ba ngày quốc tang dành cho tướng Soleimani.

Đám tang của ông sẽ được tổ chức ngày 7/1 ở quê hương tại tỉnh Kerman miền Trung Iran.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn