Hồng Kông: Dây chuyền người cứu viện các sinh viên bị bao vây

Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một 20195:23 SA(Xem: 5476)
Hồng Kông: Dây chuyền người cứu viện các sinh viên bị bao vây
vi.rfi.fr
Trọng Nghĩa,

mediaMột số sinh viên rời khỏi khuôn viên đại học để đầu hàng cảnh sát Hồng Kông ngày 19/11/2019.Reuters

Hôm nay, 19/11/2019, vẫn còn cả trăm người biểu tình phản kháng, chủ yếu là sinh viên, trụ lại bên trong Đại Học Bách Khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây từ ba ngày nay. Trưởng đặc khu Hồng Kông tiếp tục đòi người biểu tình “đầu hàng”, trong lúc Bắc Kinh gia tăng các động thái hù dọa phong trào phản kháng, nhắc lại rằng sẽ không để ho Hồng Kông rơi vào trạng hỗn loạn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào sáng hôm nay, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã yêu cầu “những người biểu tình, bao gồm cả những kẻ bạo loạn” phải buông vũ khí và ra ngoài để “nhận chỉ thị từ cảnh sát”. Bà cam kết họ sẽ được đối xử nhân đạo. Theo lời lãnh đạo Hồng Kông, đã có 600 người biểu tình rời khỏi khuôn viên trường Đại Học Bách Khoa, trong đó khoảng 200 người dưới 18 tuổi.

Thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông ghi nhận:

Từ hôm qua, cảnh sát cho phép nhân viên cứu hộ can thiệp, hàng chục sinh viên được đưa ra khỏi ký túc xá, nhiều người trên băng ca, một số bị sốc, một số rét run.

Ngoài ra hơn 200 người phản kháng vị thành niên cũng đã rời được khu Đại Học nhờ sự can thiệp của một số nhân vật ôn hòa trong cánh thân Bắc Kinh.

Còn những người biểu tình trên 18 tuổi, chịu ra hàng, thì đã bị bắt giữ, trong lúc một số đã lén thoát được.

Một tia hy vọng nhỏ vào hôm nay: Lãnh đạo đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết là đã đồng ý với ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang), tân lãnh đạo cảnh sát vừa được đề cử, để tìm một lối thoát không bạo lực cho “sự cố Đại Học Bách Khoa”.

Giọng điệu hòa hoãn hơn bình thường, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói thêm là “chính quyền (của bà) sẽ cư xử một cách nhân đạo đối với những người bị thương và những người vị thành niên”.

Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn Lưu Hiểu Minh một lần nữa đã lại cảnh cáo Hồng Kông với tuyên bố: “Nếu tình hình trở nên không kiểm soát được, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi có đủ quyết tâm và sức mạnh để chấm dứt sự hỗn loạn đó."

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, tình trạng bạo lực tại Đại Học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU) là một cuộc đối đầu dài nhất và dữ dội nhất giữa người biểu tình với cảnh sát kể từ khi phong trào phản kháng bùng lên vào tháng 6.

Từ hôm Chủ Nhật, cảnh sát Hồng Kông đã bao vây khu đại học, bắt giữ tất cả những ai cố trốn khỏi nơi đó. Trong vòng vây chặt chẽ đó, tối hôm qua, hàng chục người biểu tình đã bất chấp nguy hiểm, buộc dây thừng từ một cây cầu rồi leo xuống đường nơi họ được bạn bè chờ sẵn chở đi bằng xe máy.

Dây chuyền người cứu viện các sinh viên bị bao vây

Hàng ngàn người Hồng Kông cũng đã đổ về khu đại học xá Đại Học Bách Khoa để tìm cách phá vỡ vòng vây cảnh sát, giúp những người bên trong trốn ra được. Xung đột đã nổ ra với lực lượng cảnh sát.

Đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde tại Hồng Kông đã có mặt trong đoàn người tới giải cứu các sinh viên bị bao vây ở Đại Học Bách Khoa, và ghi nhận sự hình thành của cả một “dây chuyền người” khổng lồ bao quanh khu vực đại học:

“Với cảnh tượng khăn vải, dầu hỏa được chuyền từ tay này sang tay khác, đoạn xa lộ Cửu Long và các con đường chung quanh Đại Học Bách Khoa chỉ là một dây chuyền người khổng lồ vào tối thứ Hai này tại Hồng Kông.

Laurent Gayer, chuyên gia nghiên cứu phong trào nổi dậy trong thành phố tại trường Khoa Học Chính Trị Pháp Sciences Po giải thích: “Họ chủ yếu là những thanh niên, chuyền tay nhau các chiếc ô, xăng dầu, khăn vải và chai không để làm bom xăng. Họ đang chế tạo vũ khí để đối phó với cảnh sát”.

Gần bến phà, người biểu tình giận dữ đập phá lề đường, gạch đá bị gỡ ra, và từng viên được chuyền lên chiếc cầu vượt bắt ngang qua đại lộ để sẵn sàng chờ đợi cảnh sát.

Tim, đầu bếp trong một khách sạn gần đấy, giải thích rằng những người đó muốn cứu các sinh viên bên trong Đại Học. Anh cho biết rất buồn cho đám trẻ, buồn cho tương lai Hồng Kông.

Gần khu đại hoc bị cảnh sát bao vây, phố Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) dầy đặc khói cay. Một chủ tiệm vội vàng kéo hạ bức màn sắt của tiệm bán Pizza, nhưng quá trễ, khách hàng khóc ròng trên đĩa bánh của mình. Anh rất bực tức vì công việc làm ăn bị phá hoại.

Nhưng không phải người bán hàng nào cũng bị thiệt. Một người Bangladesh bán bia tại đây đã vui mừng. Tất cả các thùng bia của ông đều đã được mua và được dây chuyền người nhanh chóng chuyển lên tuyến đầu."

Bắc Kinh gia tăng áp lực

Trong không khí căng thẳng này, Bắc Kinh gia tăng áp lực. Hôm thứ Hai, Toà Án Tối Cao Hồng Kông bác bỏ lệnh cấm « mang khẩu trang đi biểu tình », vì lệnh này bị xem là vi phạm Hiến pháp Hồng Kông.

Hôm nay, một phát ngôn viên của Trung Quốc cho rằng chỉ có quốc hội Trung Quốc mới có thẩm quyền phán quyết « luật nào là phù hợp, luật nào là đi ngược » với Luật Cơ bản ( Hiến pháp ) của đặc khu.

Trước nguy cơ Trung Quốc dùng biện pháp mạnh để giải quyết khủng hoảng, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hai lời kêu gọi : chính quyền Hồng Kông " ban hành các biện pháp minh bạch để đáp ứng nguyện vọng của người dân và tái lập ổn định », đảng Cộng sản Trung Quốc "phải tôn trọng những cam kết với người dân Hồng Kông, những người chỉ mong ước được sống trong tự do".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn