Người biểu tình Hồng Kông ném bom xăng, bắn tên, phản đối hoãn bầu cử

Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một 20194:43 SA(Xem: 4674)
Người biểu tình Hồng Kông ném bom xăng, bắn tên, phản đối hoãn bầu cử
*************
vi.rfi.fr

Bầu cử địa phương Hồng Kông ngày 24/11: 70% dân phản đối hoãn

Trọng Thành

mediaLãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 06/11/2019.REUTERS/Jason Lee

Hồng Kông từ gần nửa năm nay chìm trong không khí phản kháng chống lại các hành xử ''phản dân chủ'' của chính quyền, đặc biệt với dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Gần đến ngày bầu cử địa phương, 24/11/2019, khủng hoảng dường như không có lối ra. Bắc Kinh nhiều lần đe dọa bầu cử không diễn ra, nếu an ninh không bảo đảm. Công luận Hồng Kông nghiêng hẳn về phía phải tổ chức bầu cử đúng hạn.

Theo cuộc thăm dò của Viện Nghiên Cứu Dư Luận Hồng Kông mới đây, gần 70% người được hỏi phản đối việc hoãn cuộc bầu cử cấp quận, bất chấp bạo lực tiếp diễn. Chỉ có 17% muốn dời lại ngày bầu cử. Hơn 53% người trả lời tuyên bố ''kiên quyết phản đối'' việc dời lại ngày bỏ phiếu. Chỉ có hơn 9% ''đồng ý hoàn toàn'' việc hoãn bầu cử. Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 1035 người, trong hai ngày 30/10 và 01/11.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong bối cảnh chính quyền ngày càng mất quyền kiểm soát tình hình an ninh thành phố, lãnh đạo đặc khu quyết định thành lập một Ủy ban quản lý khủng hoảng, đứng đầu là thẩm phán Barnabas Fung Wah, vốn là chủ tịch Ủy ban phụ trách cuộc bầu cử địa phương, để tư vấn cho chính phủ về các biện pháp liên quan đến bầu cử ngày 24/11 tới. Ủy ban đề nghị chính quyền hoãn bầu cử, nếu xảy ra bạo động, hoặc bạo lực lan rộng, hay các hiểm họa khác đe dọa an ninh xã hội.

Thất vọng với cảnh sát

Tuy nhiên, cuộc thăm dò này cũng cho thấy 67% người trả lời cho rằng cảnh sát mới chính là một trong các nguyên nhân chính của tình hình ngày càng tồi tệ hiện nay, với việc ''mất khả năng tự kiềm chế'', ''tiến hành bắt bớ bừa bãi''. Hơn 64% người trả lời cho rằng người dân Hồng Kông phải yêu cầu cộng đồng quốc tế trợ giúp, bảo vệ các quyền của mình, bởi chính quyền thành phố đã tỏ ra bất lực. Tổng giám đốc Viện thăm dò dư luận, tiến sĩ Robert Chung Ting-yiu, cảnh báo là việc dân chúng mất niềm tin vào cảnh sát khiến bạo lực gia tăng.

Cảnh sát Hồng Kông, có thời được coi là lực lượng bảo vệ an ninh xuất sắc nhất châu Á, ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân chúng, kể từ đầu cuộc khủng hoảng dự luật dẫn độ đến nay. Theo một thăm dò của Trung tâm Thông tin và Điều tra Dư luận của Đại học Trung Văn Hồng Kông, hơn một nửa dân cư thành phố hoàn toàn không tin tưởng cảnh sát.

''Bế tắc chính trị''

Ông Martin Purbrick, một cựu sĩ quan cảnh sát Hồng Kông, làm việc trong lực lượng chống khủng bố, trong một phân tích công bố giữa tháng 10, ghi nhận việc sử dụng bạo lực cảnh sát mù quáng khiến cảnh sát Hồng Kông đột ngột mất đi uy tín vốn có. Trong dân chúng Hồng Kông xuất hiện trở lại cụm từ ''hắc cảnh'' (cảnh sát đen), vốn để chỉ sự đồng lõa của cảnh sát với xã hội đen, tại Hồng Kông, trong những năm 1960-1980.

Tuy nhiên, cựu sĩ quan cảnh sát Hồng Kông cũng nhấn mạnh là ''sự vắng mặt của các giải pháp chính trị'', từ phía chính phủ, biến cảnh sát trở thành bình phong của chính quyền và mục tiêu giận dữ của những người biểu tình, và đây mới là nguyên nhân sâu xa của tình hình không lối thoát hiện nay.


************
bbc.com

Hong Kong: Người biểu tình ném bom xăng, bắn tên


Một người biểu tình dùng cung tên bắn về phía cảnh sát Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Một người biểu tình dùng cung tên bắn về phía cảnh sát sáng 17/11

Bạo lực mới lại nổ ra xung quanh khuôn viên trường Đại học Bách Khoa Hong Kong vào sáng Chủ nhật, khi nhiều sinh viên biểu tình đụng độ với cảnh sát từ đêm qua.

Được vài giờ yên tĩnh khi các sinh viên và người biểu tình ngủ trên bãi cỏ và trong thư viện Đại học Bách khoa Hong Kong ở quận Kow Loon, cảnh sát bắn những phát đạn hơi cay đầu tiên ngay sau 10 giờ sáng.

Nhiều người biểu tình sau đó lại ném bom xăng, một số bằng máy bắn đá tự chế vào cảnh sát, trong khi cảnh sát bắn những luồng hơi cay và xả vòi rồng tẩm màu xanh. Một cảnh sát đã bị bắn trúng tên, nhưng vẫn tỉnh táo và được đưa đến bệnh viện, theo tuyên bố của cảnh sát.


Một số nơi trong khuôn viên trường học trông giống như một pháo đài vào sáng Chủ nhật, chằng chịt với những chướng ngại vật và người biểu tình mặc áo đen trên những pháo đài của họ, sử dụng những vũ khí ngẫu hứng như gạch, bom xăng, và cung tên.

"Chúng tôi không muốn tấn công cảnh sát, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ khu học xá của chúng tôi .... và chúng tôi muốn bảo vệ Hong Kong," Chan, 20 tuổi, một sinh viên năm ba tại trường đại học nói.

Đây là trường đại học cuối cùng trong số năm trường mà các sinh viên biểu tình đã sử dụng làm căn cứ để tiếp tục chặn đường đi qua cảng vào trung tâm thành phố.

Vài giờ trước đó, hôm thứ Bảy, một số quân lính của Quân đồn trú của Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) mặc quần lửng và áo phông mang xô nhựa và chổi, rời doanh trại và lần đầu tiên công khai xuất hiện dọn dẹp gạch đá và rào chắn trên đường phố Hong Kong.

Sự hiện diện của các binh sĩ PLA trên đường phố, dù là để dọn dẹp, có thể gây ra tranh cãi thêm về tình trạng tự trị của Hong Kong trong bối cảnh nhiều người lo ngại Bắc Kinh đang gia tăng sự kiểm soát lên thành phố.

Hong Kong không yêu cầu sự trợ giúp từ PLA và quân đội đã tự thực hiện "như một hoạt động cộng đồng tự nguyện", một phát ngôn viên của chính quyền thành phố cho biết.

Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã lên án các hành động của PLA trong một tuyên bố chung, cảnh báo rằng theo Luật Garrison của thành phố, quân đội không được can thiệp vào các vấn đề địa phương trừ khi được chính phủ yêu cầu giúp đỡ, kênh RTHK của chính phủ cho biết.

Trung tâm tài chính châu Á đã bị rung chuyển sau nhiều tháng biểu tình, khi nhiều người dân Hong Kong nhận thấy sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng sâu rộng.

Bắc Kinh phủ nhận can thiệp và đổ lỗi cho tình trạng bất ổn lên ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ngày càng trở nên bạo lực.

Các cuộc biểu tình đặt ra một thách thức lớn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.

Tập cho biết ông tin tưởng chính phủ Hong Kong có thể giải quyết khủng hoảng.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời tuyên bố hôm thứ Năm của ông Tập Cận Bình, tố cáo tình trạng bất ổn và nói rằng, ngăn chặn bạo lực và kiểm soát sự hỗn loạn trong khi lập lại trật tự hiện đang là nhiệm vụ khẩn cấp nhất của Hong Kong.

Quân đồn trú của PLA xuất hiện dọn dẹp trên đường phố hôm thứ Bảy chỉ vài ngày sau khi một số cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ nhất giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra tại Đại học Trung văn Hong Kong hôm thứ Ba.

Ít nhất năm trường đại học đã bị hàng ngàn sinh viên và người biểu tình tích trữ vũ khí để đối phó với cảnh sát.

Đến cuối ngày thứ Bảy, nhiều người biểu tình dường như đã rời khỏi khuôn viên các trường đại học nhưng đường hầm xuyên cảng Hong Kong vẫn bị chặn bởi những người biểu tình chiếm đóng tại Đại học Bách khoa.

Trước đó, hàng trăm người biểu tình thân Trung Quốc đã tập trung tại trụ sở cảnh sát và cơ quan lập pháp thành phố, vẫy cờ Trung Quốc và Hong Kong.

Một số người giơ cao áp phích với dòng chữ "Cảnh sát, chúng tôi sánh vai cùng bạn", trong khi những người khác hô vang "Ủng hộ cảnh sát".

Các cuộc biểu tình ủng hộ Trung Quốc cho đến nay đã thu hút số lượng người tham gia ít hơn nhiều so với các cuộc biểu tình chống chính quyền và phản đối Bắc Kinh.

Đến chiều muộn ngày thứ Bảy, lực lượng quân đồn trú của PLA đã rời khỏi đường phố bên ngoài Đại học Baptist bên cạnh doanh trại của họ ở Kow Loon.

Quân đội Trung Quốc chỉ mới xuất hiện trên đường phố Hong Kong một lần kể từ khi bàn giao năm 1997, và đó là để giúp dọn dẹp sau cơn bão năm 2018. Không rõ có bao nhiêu người tham gia vào các hoạt động dọn dẹp hôm thứ Bảy.

Quân đồn trú PLA ở Hong Kong cho biết, khi cư dân bắt đầu dọn dẹp, một số binh sĩ quân đội đã giúp dọn đường trước cổng đồn trú quân.

Vào tháng 8, Bắc Kinh đã chuyển hàng ngàn binh sĩ qua biên giới vào Hong Kong nhưng Tân Hoa Xã nói đó chỉ là một cuộc luân chuyển quân đồn trú thông thường.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn