Cảnh sát Anh muốn ‘bảo vệ danh dự’ của nạn nhân vụ 39 người chết

Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một 20195:57 SA(Xem: 4698)
Cảnh sát Anh muốn ‘bảo vệ danh dự’ của nạn nhân vụ 39 người chết
voatiengviet.com

Vụ 39 người chết: Cảnh sát Anh muốn ‘bảo vệ danh dự’ của nạn nhân

Viễn Đông

Cảnh sát Anh nói rằng “danh tính của các nạn nhân hiện vẫn chưa được xác định” sau tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong khi thân nhân của người có thể nằm trong số 39 nạn nhân nói rằng chồng cô “không xác định đi để chết”.

“Ưu tiên của chúng tôi là điều tra kỹ lưỡng về tội ác dẫn tới cái chết của các nạn nhân, nhằm bảo vệ danh dự của những người đã khuất và hỗ trợ gia đình, người thân của họ”, Phó cảnh sát trưởng Tim Smith, sỹ quan cảnh sát cấp cao phụ trách cuộc điều tra chung, cho biết trong một thông cáo ra chiều tối ngày 5/11, sau khi VOA tiếng Việt liên hệ để hỏi về tiến trình điều tra cũng như thông báo trước đó của ông Phúc.

Thủ tướng Phúc chiều cùng ngày được cổng thông tin chính phủ dẫn lời nói rằng “có thể chiều nay [thứ Ba] hoặc sáng mai [thứ Tư], đoàn công tác việt nam phối hợp phía Anh sẽ công bố danh tính các nạn nhân”. Tới tối ngày 6/11 (giờ Hà Nội), VOA tiếng Việt chưa thấy việc công bố này.

Về đoàn công tác của Việt Nam, ông Smith nói rằng các sĩ quan cảnh sát liên quan tới cuộc điều tra của phía Anh “đã tiếp đón và gặp gỡ đoàn công tác của Bộ công an và các cán bộ từ Việt Nam”.

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để tìm ra câu trả lời cho gia đình và người thân của những người đã thiệt mạng, đồng thời đưa những kẻ đứng sau tội ác này ra trước công lý”, Phó cảnh sát trưởng Hạt Essex, nơi tìm thấy thi thể 39 người, nói thêm.

Cô Hoàng Thị Thương, vợ của Nguyễn Đình Tứ, một người có thể trong số những người bỏ mạng, cho VOA tiếng Việt biết rằng cảnh sát Anh đã gọi điện về Nghệ An để tìm hiểu những điểm nhận dạng của chồng cô về “hình xăm ở cánh tay trái và lắc bạc màu trắng”, và cô đã xác nhận điều đó.

“Họ không nói chính xác 100% đó là Nguyễn Đình Tứ, mà họ bảo là có những người như thế”, bà mẹ có hai con nhỏ này nói thêm.

“Bây giờ người không còn nữa thì trước hết em muốn đưa anh về nhà. Thực sự mà nói, mong muốn thì nhiều. Đi sang đó, người mất mà tiền bạc cũng thế. Nhà cũng ‘cắm’ để đi đó. Đau xót nhiều thứ”.

Khi được hỏi lý do vì sao thấy nguy hiểm mà vẫn ra đi, cô Thương nói thêm rằng “ở nhà không có việc làm” nên gia đình cô phải “cầm cố, vay mượn” để chồng cô “tìm đường đi nước ngoài”.

“Đi thì phải vất vả thôi. Còn nói đến nguy hiểm tính mạng, không ai biết. Nếu mà biết nguy hiểm tính mạng như thế, không ai đi. Còn xác định đi làm là phải vất vả. Có vất vả mới có tiền để làm, để về. Xác định những người đi lao động là phải vất vả, nhưng mà để chết, hay để thiệt mạng thì mình không nghĩ đến, mà cũng không ai nói với mình như thế. Trước khi đi, nhà em cũng không biết những chuyện đó”, cô nói.

VietNamNet dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Anh cho biết “đã tiến hành một số dàn xếp để hỗ trợ gia đình các nạn nhân có nguyện vọng muốn đến Anh”.

“Những hỗ trợ này bao gồm miễn lệ phí visa và các hỗ trợ tại chỗ khác ở Việt Nam”, Bộ Nội vụ Anh nói, theo báo điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn