Thương hiệu hàng hóa Đức đang ngày càng sụt giảm

Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một 20191:00 SA(Xem: 4041)
Thương hiệu hàng hóa Đức đang ngày càng sụt giảm

Lâu nay ngành công nghiệp chế tạo của Đức luôn được đánh giá có uy tín hàng đầu thế giới, đảm bảo về chất lượng vượt trội. Nhưng vài năm qua, thương hiệu hàng hóa Đức đã bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể vì hàng loạt vụ bê bối. Theo nghiên cứu, điều này phần lớn là do chính người Đức gây ra.

nhà máy, nhà máy ở Đức, công xưởng
Theo khảo sát đo lường độ tin cậy do công ty Edelman của Mỹ thực hiện, hình ảnh các công ty Đức đã giảm 15 điểm phần trăm trong vòng chưa đầy một năm, trong các nước phát triển hiện chỉ có 44% số người giữ quan điểm tích cực về thương hiệu hàng hóa Đức. Hình ảnh nhà máy sản xuất của Alfred Karcher GmbH & Co. KG tại Đức. (Ảnh: Oleg Golovnev/Shutterstock)

Danh tiếng hàng hóa Đức suy giảm ở mức chưa từng thấy

Theo báo Thế giới (DIE WELT) của Đức trích dẫn nghiên cứu khảo sát về độ tín nhiệm (Trust Barometer) do công ty quan hệ công chúng Edelman của Mỹ thực hiện, hình ảnh công ty của Đức đã giảm 15 điểm phần trăm trong vòng chưa đầy một năm, trong các nước phát triển hiện chỉ có 44% số người giữ quan điểm tích cực về thương hiệu Đức.

Khảo sát này chỉ ra đây là vấn đề chưa từng xảy ra, gây ngạc nhiên cả về tốc độ và phạm vi, vì liên quan đến các ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, dược phẩm, công nghệ và ngân hàng ở Đức. Vì nước Đức là “gã khổng lồ” về xuất khẩu công nghiệp, đến phân nửa số việc làm ở Đức phụ thuộc vào xuất khẩu, cho nên thông tin có thể xem là hồi chuông báo động cho nước Đức.

Brand Finance, một tổ chức đánh giá thương hiệu quốc tế khác (trụ sở tại Anh), cũng nhận thấy thực trạng này của người Đức, nhưng tổ chức đánh giá này cho rằng mức sụt giảm tín nhiệm chỉ vào 6%, không nghiêm trọng như kết quả khảo sát của Mỹ.

Theo thông tin, từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay, Edelman đã thực hiện khảo sát trên 1.000 người từ 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm Pháp, Anh, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico và Đức.

Trong những nước này, ấn tượng xấu nhất về Đức thuộc về người Mỹ, theo đó chỉ có 38% số người được hỏi tin tưởng vào thương hiệu Đức; còn chỉ số này tại chính nước Đức là 60%, cũng theo xu hướng suy giảm. Ngược lại, người dân ở các nước đang phát triển thì vẫn tin tưởng vào sản phẩm của Đức, trong đó mức tín nhiệm cao nhất đối với thương hiệu Đức là tại Trung Quốc, với 77%. Khách hàng Trung Quốc rất chuộng thương hiệu Đức, từ dầu gội cũng như các loại máy móc và xe hơi.

Bê bối ảnh hưởng đến uy tín

Theo khảo sát, tính trung bình trong các nước phát triển hiện chỉ có 44% số người giữ quan điểm tích cực về thương hiệu Đức. Khảo sát của Edelman chỉ ra những vụ bê bối khiến người tiêu dùng cảnh giác hơn trong lựa chọn hàng hóa của Đức, đặc biệt rõ nhất là người Anh, họ chỉ chọn sản phẩm của Đức nếu không có lựa chọn nào khác.

Theo phân tích của chuyên gia, ấn tượng về một sản phẩm cụ thể hay một khu vực hoặc quốc gia có liên quan mật thiết đến chất lượng sản phẩm, vì chỉ cần những lỗi nhỏ về chất lượng cũng mất nhiều công sức để sửa chữa.

Vài năm gần đây cơ quan chức năng đã vạch trần nhiều vụ bê bối lớn liên quan đến thương hiệu Đức, đầu tiên là vụ bê bối xả khí thải của hãng xe hơi Volkswagen. Là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, năm 2015 Volkswagen đã bị vạch trần vấn đề “gian lận trong thử nghiệm khí thải tại Mỹ”, vụ việc ảnh hưởng đến khoảng 11 triệu chiếc  xe của Volkswagen trên toàn thế giới. Đến nay, Volkswagen đã chi hơn 27 tỷ Euro trong vấn đề xử lý giải quyết các khiếu nại, tiền phạt và các biện pháp khắc phục phát sinh từ vấn đề khí thải. Nhưng vấn đề này vẫn còn đó, cơ quan chức năng ước tính đến năm 2020 Volkswagen vẫn phải chi thêm cả tỷ Euro cho việc này.

Một trường hợp bê bối tiêu biểu khác là Deutsche Bank, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, hầu như mọi vụ bê bối lớn trong lĩnh vực ngân hàng như rửa tiền, thao túng tiền tệ, trốn thuế… đều liên quan đến ngân hàng lớn nhất nước Đức này. Tình hình khiến nhiều năm liên tiếp ngân hàng này phải gánh chịu thua lỗ, chỉ trong năm 2015 đã thua lỗ 6,8 tỷ Euro. Nhưng điều tra về các vụ bê bối vẫn chưa kết thúc, chỉ trong một vụ kiện ở Mỹ năm 2016 mà Deutsche Bank đã bị phạt 14 tỷ Đô la Mỹ. Nhiều nguồn tin chỉ ra, trong thập kỷ qua, ngân hàng đã chi hơn 17 tỷ Đô la Mỹ cho các yêu cầu bồi thường, kiện tụng

Tháng 10 năm nay, Deutsche Bank đã công bố thông tin cho biết, để tiết kiệm chi tiêu, ngân hàng sẽ buộc phải “thắt lưng buộc bụng” – sa thải 18.000 nhân sự. Các nguồn tin cho biết, trong hoạt động sa thải này có đến gần một nửa số nhân sự nằm tại Đức.

Ngày nay người tiêu dùng không chỉ đánh giá sản phẩm qua chất lượng, thiết kế, dịch vụ hậu mãi; mà vấn đề quan trọng còn là tính minh bạch của công ty, tính công bằng của công ty với nhân viên, tư cách ông chủ công ty chuẩn mực ra sao. Đặc biệt đối với tiêu chí về ông chủ công ty, nhiều ông chủ lớn của Đức đã đánh mất đáng kể hình ảnh trong mắt người tiêu dùng trên toàn thế giới, trong số 8 quốc gia nằm trong khảo sát thì Đức tồi tệ nhất trong vấn đề này.

Huệ Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 03 Tháng Chín 202011:54 SA