Người Hồng Kông đổ xô đi mua hàng dự trữ như trong thời chiến

Thứ Hai, 07 Tháng Mười 20198:00 CH(Xem: 5371)
Người Hồng Kông đổ xô đi mua hàng dự trữ như trong thời chiến

Hôm Chủ Nhật (6/10), người dân Hồng Kông đã đổ xô tới các siêu thị mua nhu yếu phẩm dự trữ và xếp hàng dài tại các cây ATM rút tiền mặt như trong thời chiến. Động thái này của cư dân Hồng Kông dường như là để tính “đi đường dài” trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục leo thang vì chính quyền Đặc khu mới ban hành “Luật Cấm che mặt” gây tranh cãi.

nguoi-dan-do-xo-mua-hang-o-cac-sieu-thi
Người dân Hồng Kông “càn quét” các siêu thị và cửa hàng tạp hóa hôm 6/10. (Ảnh: Xiaomei Chen/ Nam Hoa Tảo báo)

Tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông) ghi nhận hôm Chủ Nhật (6/10), hầu hết các siêu thị mở cửa tại Hồng Kông đều gặp phải tình trạng kệ hàng nhanh chóng trống trơn do nhu cầu mua sắm tăng cao đột biến. Những khách hàng đến sớm phải mất khoảng 45 phút xếp hàng thanh toán tiền, trong khi những khách đến sau gần như không còn gì để mua.

Trong suốt buổi sáng 6/10, các phương tiện truyền thông xã hội tại Hồng Kông tràn ngập những hình ảnh về các siêu thị và các cửa hàng tạp khóa gần như không có hàng trên kệ hàng.

Bà nội trợ xưng tên Ma đến siêu thị Wellcome tại Mong Kok vào trưa 6/10, chỉ còn nhìn thấy các kệ hàng trống, nói với Nam Hoa Tảo báo: “Tôi không chắc liệu mọi người có hành động thái quá hay không. Nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này trong đời mình. Nó giống như thời chiến vậy. Tôi thậm chí thấy mọi người tích trữ cả giấy vệ sinh.

Cũng theo Nam Hoa Tảo báo, tại Ma On Shan, khu Lãnh thổ Mới, người dân đã xếp hàng dài tại các cây ATM còn hoạt động để rút tiền mặt.

Một số người tỏ ra thất vọng vì tình trạng bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình ngày càng tăng cao, dẫn tới cuộc sống thường nhật tại Hồng Kông bị đảo lộn.

Trong khi đó, không ít người đổ lỗi sự bất tiện này là do cách xử lý khủng hoảng kém của chính quyền Đặc khu khi họ không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân mong muốn duy trì đời sống tự do dân chủ tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á này.

Một công dân tại Ma On Shan xưng tên Grace nói với Nam Hoa Tảo báo rằng chính phủ nên phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bất ổn hiện nay.

Nếu chính phủ đã đáp ứng các đòi hỏi của người biểu tình sớm hơn, thì tình huống có thể không trở nên tồi tệ như bây giờ,” cô Grace nói.

Người dân Hồng Kông đã rất giận dữ khi Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 4/10 tổ chức họp báo tuyên bố ban hành “Luật Cấm che mặt” với hy vọng có thể dập tắt được phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ đã kéo dài hơn 3 tháng qua tại Hồng Kông.

Tuy nhiên, động thái của chính quyền Đặc khu thân Bắc Kinh đã phản tác dụng và đã kích hoạt cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người dân trong hai hôm 5 và 6/10.

Thành viên đảng Dân chủ Hồng Kông Quách Vinh Khanh nhận định một cách bi quan rằng nhân quyền và tự do của người Hồng Kông đang dần dần bị tước đoạt. Luật Cấm che mặt được thông qua chính là lời nguyền chết chóc đầu tiên khiến Hồng Kông rơi vào “xã hội cực quyền”.

Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông (nhóm tổ chức các cuộc biểu tình gần đây) nhấn mạnh rằng Luật Khẩn cấp mà bà Lâm dùng làm căn cứ ban bố Luật Cấm che mặt đã vi phạm an toàn cá nhân, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của người dân, đồng thời kêu gọi bãi bỏ điều luật này nhằm ngăn chặn sự bành trướng quyền lực của các cơ quan hành chính trong việc đàn áp người dân Hồng Kông thêm nữa.

Ngoài ra, mặc dù “Luật Cấm che mặt” có thể khiến một số người lo sợ, nhưng hầu hết cư dân mạng Hồng Kông không lo lắng, và thậm chí họ còn đang tìm cách sáng tạo để thay đổi kiểu tóc, cách trang điểm, dùng các loại trang phục tạo hình để che giấu danh tính và sẽ tiếp tục đấu tranh biểu tình.

Theo BBC, những người ủng hộ dân chủ và một số bộ phận thương nhân thân chính phủ từng chỉ ra rằng, điều luật này khi ban hành sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi và thậm chí sẽ có tác dụng ngược.

Nghị viên Đảng Dân chủ của Hội đồng Lập pháp cho rằng, đối với cao trào biểu tình hiện nay, Luật Cấm che mặt “không chữa được các triệu chứng bề mặt, càng không trị được tận gốc vấn đề”, thậm chí còn gây ra sự bất mãn hơn nữa của người dân Hồng Kông. Chính phủ Hồng Kông phải đáp ứng “năm yêu cầu” của người dân mới có thể kết thúc biểu tình.

Ủy viên lập pháp Dương Nhạc Kiều thậm chí còn đặt vấn đề rằng, nếu một số lượng lớn người biểu tình phớt lờ điều luật mới và vẫn che mặt diễu hành, cảnh sát Hồng Kông cũng không có cách nào xử lý. Rõ ràng, việc ban hành điều luật này sẽ chỉ càng khiến người dân oán thán chính quyền hơn.

Như Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn