Sống trong nỗi sợ Trung Quốc ở Australia

Chủ Nhật, 22 Tháng Chín 20196:00 CH(Xem: 4238)
Sống trong nỗi sợ Trung Quốc ở Australia

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nghị sĩ Gladys Liu được hỏi: Bà có phải người phát ngôn cho đảng Cộng sản Trung Quốc không?

"Câu trả lời rất đơn giản. Không", Liu trả lời.

Nhưng thực tế, câu trả lời tưởng chừng như đơn giản của Liu trong buổi phỏng vấn tuần trước lại đang tạo nên một làn sóng tranh cãi ở Australia. Liu là nghị sĩ gốc Hoa đầu tiên của quốc hội Australia và có những thông tin rằng bà cách đây không lâu còn giữ vai trò thành viên trong các nhóm có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Câu trả lời của Liu, cùng những phản ứng gay gắt sau đó, đã cho thấy những mâu thuẫn nội bộ ở Australia về việc làm sao để hòa nhập cộng đồng nhập cư Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, những người vốn không được coi trọng trong hệ thống chính trị Australia và chủ yếu bị nhìn nhận giống như nguồn cung cấp tài chính dồi dào.

1048xGladys Liu trong một phiên họp của hạ viện Australia ngày 12/9. Ảnh: AFP.

Cộng đồng người Trung Quốc ở Australia đang gia tăng nhanh chóng về quy mô và ảnh hương, nhưng cùng với đó, Australia ngày càng hoài nghi về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thể chế Australia, chuyên gia nhận định.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để đối phó với nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thách thức này đặc biệt rõ rệt ở Australia.

"Những tranh cãi về Gladys Liu là lời cảnh báo rằng Australia, giống như các quốc gia khác, cần chín chắn hơn trong các cuộc tranh luận về Trung Quốc", Rory Medcalf từ Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia bình luận.

"Sai lầm thực chất nằm ở sự tự mãn lâu nay của giới chính trị gia Australia", ông nói và thêm rằng trong khi các đảng phái chính trị lớn ở Australia cảm thấy việc coi cộng đồng người Trung Quốc giống như những "cỗ máy in tiền" không có gì là sai trái, các cơ quan tình báo và chiến lược Trung Quốc lại nhìn nhận Australia như một mảnh đất ẩn chứa những cơ hội tuyệt vời.

Australia hiện có hơn một triệu người gốc Hoa. Người Trung Quốc đã tới Australia từ hai thế kỷ trước nhưng số lượng bắt đầu gia tăng nhanh chóng kể từ sau khi Canberra ban hành Chính sách Australia Trắng vào đầu những năm 1970.

Rất nhiều người Australia gốc Hoa đã đạt được thành công về kinh tế, đôi khi nhờ vào các mối quan hệ với đại lục. Thực tế trên cùng với áp lực dân tộc chủ nghĩa mà Bắc Kinh đặt vào các Hoa kiều, cộng đồng người nhập cư Trung Quốc ở Australia giờ đây liên tục phải đối diện với câu hỏi "Bạn có thể chứng minh lòng trung thành với Australia không" hay "Bạn có quá gần gũi với Trung Quốc không".

Đây là bối cảnh cho cuộc phỏng vấn hồi tuần trước của Liu, nghị sĩ đã vươn lên trên chính trường Australia nhờ khả năng gây quỹ và thiết lập mối quan hệ trong cộng đồng người Trung Quốc.

Liu cho biết bà không nghĩ mối quan hệ lâu dài giữa bà với các tổ chức Trung Quốc có liên quan tới nỗ lực gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Bà gặp khó khăn trong việc đưa ra lập trường về những hành vi Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông hay tình hình căng thẳng vì biểu tình ở Hong Kong, nơi bà sinh ra. Các nhà phân tích cho rằng Liu đã cân nhắc cẩn thận ngôn từ để không làm mất lòng Bắc Kinh.

Các đối thủ chính trị kêu gọi Liu tuyên bố trung thành với Australia, nơi bà sống từ những năm 1980 tới nay, đồng thời yêu cầu cơ quan tình báo để mắt kỹ hơn tới bất kỳ mối liên hệ nào giữa Liu với chính phủ Trung Quốc. Lãnh đạo đảng Tự do của bà, Thủ tướng Scott Morrison, gọi những yêu cầu trên là phân biệt chủng tộc và nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Trung Quốc.

Ý kiến của công chúng hiện cũng chia rẽ. Một số ý kiến lo ngại Australia đang nghi ngờ cả một cộng đồng và hạ bệ một nghị sĩ nhiệm kỳ đầu có liên kết với các tổ chức Trung Quốc dựa trên ý thức hệ hơn là cân nhắc tới tiềm năng tài chính và quyền lực. Số khác tin rằng các tranh cãi xung quanh Liu bắt nguồn từ những mối quan ngại về chủ quyền và an ninh quốc gia.

Giới chuyên gia nhận định Australia đã né tránh những câu hỏi như vậy trong suốt thời gian dài bởi sự thèm khát tài nguyên thiên nhiên và bằng đại học của Trung Quốc đã giúp Australia trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn.

"Chỉ hai năm gần đây Australia mới đề cập tới mặt hạn chế trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. 15 năm trước, chúng ta chỉ nói về mặt tích cực", John Lee, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Sydney, cho hay.

Năm ngoái, Australia thông qua các quy định chống lại sự can thiệp của nước ngoài, theo đó yêu cầu bất kỳ ai vận động hành lang cho một quốc gia khác đều phải đăng ký. Hai năm trước, Sam Dastyari, chính trị gia cánh tả thuộc Công đảng phải rời thượng viện do có cáo buộc một tỷ phú Trung Quốc đã trả tiền bất hợp pháp cho ông để vận động đảng thay đổi quan điểm về tranh chấp ở Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Thủ tướng Australia Scott Morrison trong phiên họp hạ viện ngày 10/9 ở Canberra. Ảnh: Reuters.

Chính quyền liên bang Australia cũng đã có một số biện pháp nhằm giữ khoảng cách với bắc Kinh, ví dụ như từ chối tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng, loại bỏ các gói thầu của Trung Quốc nhằm xây dựng mạng lưới điện và đường ống dẫn khí đốt quốc gia hay cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc triển khai mạng không dây 5G.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Australia lại không công khai lý do họ thực hiện những bước đi này, thay vào đó, họ chỉ đưa ra những thông báo mơ hồ, chẳng hạn cáo buộc "các thực thể nhà nước phức tạp" thực hiện những hành vi xâm nhập như tấn công mạng Australia.

Hôm 16/9, Reuters đưa tin cơ quan tình báo Australia đã kết luận Trung Quốc đứng sau những cuộc tấn công như vậy song các quan chức chính quyền đề xuất nên giữ bí mật nhằm tránh làm tổn thương quan hệ thương mại.

Giới quan sát đánh giá chính sự thiếu minh bạch của chính phủ đã hạn chế những cuộc tranh luận công khai, dẫn tới việc hình thành các thuyết âm mưu.

"Tôi nghĩ tình báo Australia nên công bố nhiều thông tin hơn về những gì họ biết bởi nếu không, người dân có thể thoải mái tưởng tượng về việc Trung Quốc làm và không làm gì", Lee nói. "Từng làm việc cho chính quyền, tôi biết những việc Trung Quốc làm nhưng họ nên công bố chúng để công chúng có thể nhìn nhận và không bị phản ứng thái quá".

Nhưng cho đến lúc đó, những cuộc tranh luận về Trung Quốc sẽ không thể phát triển và tác động của cộng đồng người Australia gốc Hoa, đặc biệt là những người có tham vọng chính trị, sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, theo Lee. "Nó có thể đi theo hướng chúng ta lo sợ, rằng người Australia gốc Hoa cảm thấy mọi thứ họ làm đều bị hoài nghi, chỉ vì họ có liên quan tới các nhóm Trung Quốc hay là một phần của những tổ chức Trung Quốc", ông cho biết.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes)

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 23 Tháng Chín 20196:46 SA
Khách
Trích từ HNPD:
"....sau khi Canberra ban hành Chính sách Australia Trắng vào đầu những năm 1970."
Trich từ VNExpress:
"...gia tăng nhanh chóng kể từ đầu thập niên 1970, khi Canberra chấm dứt Chính sách Australia Trắng, vốn ngăn người châu Á và dân các quốc đảo ở Thái Bình Dương nhập cư tới nước này."

Cho thấy bài trên HNPD không đúng như bài dăng trên VNExpress mặc dù in lại từ VNexpress.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn