Dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ lớn cỡ nào?

Thứ Ba, 17 Tháng Chín 20194:00 SA(Xem: 5676)
Dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ lớn cỡ nào?
Dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ được xây dựng từ năm 1975, sau khi Mỹ bị các nước Arab cấm vận dầu...
image1

Một giàn khoan dầu trên Vịnh Mexico của Mỹ - Ảnh: Reuters.

Ba ngày trước lễ Giáng sinh năm 1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ký một đạo luật thiết lập dự trữ dầu thô khẩn cấp đầu tiên của Mỹ. Trước đó vài năm, Mỹ đã rơi vào cảnh khốn đốn vì lệnh cấm vận dầu lửa của các nước Arab.

Khi Mỹ bắt tay vào xây dựng dự trữ dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang giữ vai trò thống trị nguồn cung dầu toàn cầu. Ngày nay, mọi chuyện đã khác: nước Mỹ đã trở thành một trong những nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới và cũng xuất khẩu nhiều dầu, thay vì chỉ nhập khẩu dầu như trước kia.

Tuy nhiên, không vì thế mà Mỹ từ bỏ việc sở hữu một dự trữ dầu lửa để đề phòng cho những tình huống khẩn cấp. Thay vào đó, nước này vẫn sở hữu một dự trữ dầu lửa khẩn cấp quy mô lớn. Theo trang CNN Business, Dự trữ Dầu lửa Chiến lược (SPR) của Mỹ hiện có 645 triệu thùng dầu, giữ vị trí kho dự trữ dầu lửa lớn nhất thế giới.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút dầu từ dự trữ chiến lược nếu cần thiết sau khi xảy ra vụ tấn công hôm thứ Bảy nhằm vào các cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia. Vụ tấn công đã khiến nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm 5% và đẩy giá dầu tăng mạnh chưa từng thấy.

Dự trữ dầu lửa chiến lược của Mỹ hiện nằm trong 4 kho chứa ở vùng bờ Vịnh Mexico thuộc các tiểu bang Texas và Louisiana. Các kho chứa này đều nằm sâu trong lòng đất từ 600-1.200 mét trong lòng đất. Dự trữ này đạt đỉnh điểm vào năm 2009, với 727 triệu thùng dầu.

Chỉ Tổng thống Mỹ mới có quyền ra lệnh rút dầu từ dự trữ dầu lửa chiến lược, và điều này mới chỉ xảy ra đúng 3 lần.

Trong đó, lần gần đây nhất Mỹ rút dầu từ dự trữ chiến lược là vào tháng 6/2011, khi cuộc nội chiến ở Libya gây sụt giảm nguồn cung dầu toàn cầu. Chính phủ Mỹ ở thời điểm đó lo ngại rằng sự gián đoạn nguồn cung dầu sẽ đe dọa nền kinh tế thế giới vốn đang trong quá trình phục hồi mong manh sau khủng hoảng tài chính. Vì vậy, Washington quyết định bán ra 30 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược.

Năm 2005 đánh dấu lần thứ hai Mỹ sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược, sau khi siêu bão Katrina phá hủy hạ tầng dầu lửa của nước này trên Vịnh Mexico. Lần đầu tiên Mỹ rút dầu từ dự trữ này là vào năm 1991, khi Mỹ tấn công Iran trong chiến dịch mang tên Cơn bão Sa mạc.

Dù Mỹ có rút dầu từ dự trữ chiến lược, thì một động thái như vậy cũng không làm cho nguồn cung dầu toàn cầu tăng ngay lập tức. Dầu sẽ phải lấy ra từ kho chứa sau đó bán ra thị trường - một quy trình có thể kéo dài khoảng 2 tuần.

(vneconomy.vn)

Bình Minh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn