Philippines cho TQ 'khai thác chung' ở vùng đặc quyền kinh tế

Thứ Tư, 11 Tháng Chín 20195:24 SA(Xem: 4344)
Philippines cho TQ 'khai thác chung' ở vùng đặc quyền kinh tế
bbc.com

Philippines cho TQ vào EEZ 'khai thác chung'


Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte trong lễ khai mạc giải World Cup Bóng rổ tại Bắc Kinh hôm 30/8

Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chia cho Manila phần nhiều trong một dự án khai thác năng lượng chung ở Biển Đông, với điều kiện Philippines đặt sang một bên nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) 2016.

Tin tức do phủ tổng thống Philippines chính thức công bố hôm thứ Tư 11/9/2019, sau khi ông Rodrigo Duterte nói chuyện với các phóng viên tối hôm thứ Ba.


Dự án được nhắc tới là một liên doanh khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong, tên quốc tế là Reed Bank, cách bờ Philippines 140km, nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.

Bắc Kinh: 'Hãy từ bỏ phán quyết PCA và để TQ vào EEZ'

Trong chuyến đi của ông Duterte tới Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị Manila hãy "để sang bên phán quyết trọng tài" và "để sang bên tuyên bố chủ quyền của quý vị", Tổng thống Philippines nói.

"Hãy để mọi người liên hệ với các công ty của Trung Quốc," ông Duterte dẫn lời ông Tập. "Nếu như đạt được gì, chúng tôi [Trung Quốc] sẽ đủ nhã nhặn để trao cho quý vị 60%, còn họ [các công ty Trung Quốc] sẽ chỉ được 40%. Ông Tập Cận Bình hứa hẹn thế."

Ông Duterte không cho biết là ông có đồng ý với lời mời chào của ông Tập hay không, nhưng nói rằng một phần trong phán quyết trọng tài, là phần nhắc tới EEZ, "chúng tôi sẽ phớt lờ để có hoạt động kinh tế".

Hồi 2016, Philippines được PCA trao phán quyết có lợi trong vụ kiện Trung Quốc, theo đó tòa trọng tài tại The Hague đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.

Trung Quốc không tham dự vụ kiện, và luôn tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Manila: 'Cho TQ vào EEZ nhưng không từ bỏ phán quyết PCA'

Ngoại trưởng hai nước hồi 11/2018 ký biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung; quá trình thương thảo đã được thực hiện trong hàng chục năm qua.

Sau tuyên bố tối thứ Ba của Tổng thống Duterte, Ngoại trưởng Philippines nói theo Hiến pháp Philippines, hoạt động khai thác chung được phép áp dụng tỷ lệ ăn chia 60-40, trang tin ABS CBN tường thuật.

Ông Teodoro Locsin cũng nói rằng việc khai thác chung theo nội dung bản ghi nhớ đã ký kết sẽ không có nghĩa là Manila nhượng bộ về nội dung phán quyết trọng tài PCA.

"Bản ghi nhớ về dầu khí chỉ đề cập tới các vùng có tranh chấp," ông nói.

"Rất rõ ràng, không hề có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề pháp lý khi chúng tôi ký kết thỏa thuận này."

Ông khẳng định Tổng thống Duterte đã rất kiên định trong vấn đề này khi họp với phía Trung Quốc hồi tháng trước.

Ông cho biết ông Duterte đã tuyên bố rằng "chúng tôi coi nội dung phán quyết là chung thẩm, có giá trị ràng buộc và không thể bị kháng cáo".

Tuy nhiên, hoạt động khai thác chung sẽ được coi như hợp pháp hóa tuyên bố của bên kia, thậm chí là việc từ bỏ quyền chủ quyền của Philippines, hãng tin Reuters bình luận.

Bắc Kinh-Manila: Thành lập ủy ban điều hành liên chính phủ về khai thác chung

Cũng trong hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Philippines nói rằng ủy ban điều hành liên chính phủ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông đã được thành lập.

Thỏa thuận thành lập ủy ban điều hành liên chính phủ đạt được sau cuộc gặp tại Bắc Kinh giữa ông Duterte và ông Tập.

Ngay trước chuyến công du Bắc Kinh của ông Duterte, hai nước đã ký kết các điều khoản tham chiếu về hoạt động khai thác tài nguyên chung ở vùng biển có tranh chấp.

Trung Quốc và EEZ của Việt Nam, Malaysia

Việc Bắc Kinh giành được quyền khai thác chung với Manila ở Bãi Cỏ Rong sẽ là một bước lùi tai hại cho các bên có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam.


Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Vũng Tàu nằm trong EEZ của Việt Nam và là nơi từ lâu nay đã diễn ra các hoạt động khai thác dầu khí của Hà Nội và các đối tác.

Tuy nhiên, từ hơn hai tháng nay nơi đây đã trở thành điểm nóng sau sự kiện Trung Quốc cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng đội tàu hộ tống kéo vào.

Nhà quan sát Carl Thayer từ Úc bình luận với BBC Tiếng Việt rằng việc quấy nhiễu khu vực này rất có thể là cách Bắc Kinh "gây sức ép để Việt Nam bắt đầu thảo luận về khai thác chung với Trung Quốc".

Bản quyền hình ảnh UNCLOS
Image caption Đường Lưỡi bò

Một quốc gia khác trong khu vực là Malaysia cũng bị Trung Quốc gây áp lực.

Hồi tháng Năm, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã tuần tra quanh Cụm bãi cạn Luconia trên thềm lục địa Malaysia ở phía nam Quần đảo Trường Sa.

Đây là nơi nằm hoàn toàn trong phần EEZ của Malaysia. Kuala Lumpur đang cho hãng dầu khí Sarawak Shell khai thác, nhưng Trung Quốc nói thuộc về vùng biển trong Đường Lưỡi Bò.

Tàu Trung Quốc cũng đã chạy sát, "chỉ cách 80 mét" đối với hai tàu của Malaysia tới nơi này tiếp vận, với thái độ khiêu khích, Tổ chức Asia Maritime Transparency Initiative nói.

Việt Nam và Malaysia hôm 28/8 ra tuyên bố chung "chia sẻ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông".

Tuy nhiên, bản tuyên bố được đưa ra trong dịp Thủ tướng Mahathir Mohamad tới thăm Hà Nội cũng xác định quan điểm của hai nước là "nhất trí giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn