Tàu cẩu TQ Lam Kình di chuyển vào vùng biển VN, chuẩn bị đặt giàn khoan?

Thứ Ba, 03 Tháng Chín 20191:44 CH(Xem: 6584)
Tàu cẩu TQ Lam Kình di chuyển vào vùng biển VN, chuẩn bị đặt giàn khoan?
voatiengviet.com

Tàu cẩu TQ Lam Kình di chuyển vào vùng biển VN, chuẩn bị đặt giàn khoan?

Khánh An-VOA

Tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc, tàu Lam Kình, đang di chuyển trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nguồn tin về Biển Đông trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu cho biết hôm 3/9. Thông tin này cũng được một chuyên gia xác nhận với VOA và đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam đang theo dõi động thái của con tàu này.

Theo trang South China News và IndoPacific_SCS_Info, tàu Lam Kình của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam hôm 3/9. Nguồn tin dự đoán rằng có thể Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa một giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

Nhà báo Duan Dang trích dẫn dữ liệu từ Marine Traffic cho biết thêm rằng tọa độ của Lam Kình là 14°56'6.00"N/109°23'42.00"E ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi vào lúc 9 giờ 42 phút cùng ngày, chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam chưa tới 11 hải lý và cách đảo Lý Sơn khoảng 30 hải lý về phía nam, nghĩa là trong lãnh hải của Việt Nam, cũng là nơi có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam đang hợp tác với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil để khai thác.

Xác nhận thông tin về sự xuất hiện của tàu cẩu Trung Quốc trong khu vực, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore, nói thêm với VOA rằng vị trí di chuyển của tàu Lam Kình là trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), chứ không phải bên trong lãnh hải (trong vòng 12 hải lý).

Theo ông, với tình trạng “đi qua vô hại” của tàu Lam Kình trong khu vực EEZ, thì Việt Nam chưa thể phản ứng gì vì đây là một hoạt động hợp pháp theo luật quốc tế.

“Đi kèm theo nó là mấy tàu vận tải khác, nhưng người ta thấy các tàu vận tải đó không có các khung nhà giàn hay khung giàn khoan cố định nào. Và kèm theo nó còn có hàng chục tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi hộ tống. Cảnh sát biển của Việt Nam cũng đi theo và không làm gì được người ta cả vì người ta đã làm gì đâu”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Mặc dù đưa ra giả thuyết về khả năng thời tiết xấu vào đêm 3/9 và sáng 4/9 khiến tàu Lam Kình có thể phải di chuyển xuống khu vực bên dưới, đối chiếu với đất liền là khoảng Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng TS. Hà Hoàng Hợp không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể từ một mũi khác kéo giàn khoan vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam và lúc đó sẽ “rất to chuyện”.

“Nếu Mỹ, Nga, Ấn Độ cảm thấy bị đe dọa, bị ngăn cản hoạt động kinh tế bình thường và hợp pháp của họ trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam thì phản ứng của họ có thể là phản ứng quân sự”, TS. Hà Hoàng Hợp dự báo.

Đang tham dự một hội nghị an ninh ở Singapore với sự có mặt của các nước Trung Quốc, Nhật, Australia, Ấn Độ…, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết các bên đang rất quan ngại về tình hình ở Biển Đông, với cảnh báo rằng “không còn ranh giới nào giữa hòa bình và chiến tranh trên biển nữa” trước những hành vi hung hăng và khó lường trước của Trung Quốc.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, hiện Việt Nam và các quốc gia liên quan đã “chuẩn bị sẵn sàng” cho tình huống xấu nhất, tức là khả năng xảy ra đối đầu quân sự.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng kêu gọi các nước giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông do “những diễn tiến nghiêm trọng” gần đây gây ra.

“Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực trên bình diện kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải”, bà Hằng nói trong một email gửi cho hãng tin Bloomberg hôm 2/9. “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với các nước khác và cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”.

Phát biểu của người đại diện Bộ Ngoại giao được đưa ra sau khi 3 quốc gia Anh, Pháp, Đức đưa ra tuyên bố chung vào ngày 29/8, nêu lên quan ngại về những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông và khả năng có thể dẫn tới bất ổn về an ninh và ổn định của khu vực.

Trước đó, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ cũng lên tiếng về việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong thời nhiều tháng qua, bất chấp phản đối liên tục của Hà Nội và chỉ trích từ phía Mỹ.

Tàu Lam Kình được trang bị một cần cẩu khổng lồ có khả năng nâng 7.500 tấn. Bản thân chiếc cần cẩu này nặng 4.000 tấn và có móc phụ nặng 1.600 tấn, có khả năng nâng và hạ các thiết bị đặc biệt nặng như các giàn khoan dầu. Cho đến nay, Lam Kình vẫn được xem là tàu cẩu lớn nhất trên thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn