Biển Đông: VN liên tiếp yêu cầu TQ rút tàu và 'không đe dọa hòa bình'

Thứ Năm, 22 Tháng Tám 20192:50 CH(Xem: 5032)
Biển Đông: VN liên tiếp yêu cầu TQ rút tàu và 'không đe dọa hòa bình'
bbc.com

Bãi Tư Chính: VN tái yêu cầu Trung Quốc rút tàu


Biển Đông Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng Biển của Việt Nam mà Trung Quốc đang gây đối đầu, tranh chấp trong mùa Hè 2019

Việt Nam lại yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các nhóm tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam và không có các hành động đe dọa hòa bình ở Biển Đông, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao từ Hà Nội.

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ, Bộ Ngoại giao Việt Nam qua người phát ngôn nêu phản ứng và thái độ của nước này liên quan vụ việc căng thẳng đối đầu ở bãi Tư Chính và khu vực cận kề mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

"Như đã thông tin ngày 16/8, trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982," báo Thế giới & Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao dẫn lời Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong một cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm 22/8/2019.


"Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực," bà Thu Hằng nói, khi trả lời câu hỏi của truyền thông đề nghị cho biết phản ứng và hành động cụ thể của Việt Nam trước việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc quay trở lại.

"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, và pháp luật của Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Một lần nữa, chúng tôi đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982."

Liên quan tuyên bố của người người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói rằng tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo Thế giới & Việt Nam dẫn lời, khẳng định:

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 08, chúng tôi đã nói rõ nhiều lần: Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982."

Về thông tin báo Ấn Độ dẫn lời nguồn tin ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam có thể đưa vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và có thể cân nhắc kiện ra tòa án quốc tế, vẫn theo tường trình và dẫn lời của tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao VN, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

"Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế."

Tam trụ ở đâu?

Việt Nam Bản quyền hình ảnh VNA
Image caption Có câu hỏi vì sao 'tam trụ' lãnh đạo cao nhất VN chưa nói gì trên truyền thông về sự kiện đối đầu Việt - Trung ở bãi Tư Chính

Bà Lê Thị Thu Hằng là tiếng nói cấp cao tại Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên thông báo cho quốc tế trong mùa Hè này về các sự kiện liên quan đối đầu trên Biển Đông và bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam.


Có ý kiến đặt ra trong dư luận trong suốt thời gian vừa qua và tới nay về việc vì sao 'Tam Trụ', cách gọi thường được dùng nói về dàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không có tiếng nói công khai nào trước quốc tế và khu vực.

Cũng có ý kiến đặt vấn đề là vì sao trong sự việc này, mà nhiều người gọi đó là một cuộc 'khủng hoảng' trên Biển Đông lần thứ hai trong quan hệ Việt - Trung kể từ năm 2014 gắn với sự kiện giàn khoàn HD-981 được Trung Quốc đưa vào vùng biển 'tranh chấp' giữa hai quốc gia cộng sản láng giềng, Việt Nam lại nói là 'giao thiệp' với phía Trung Quốc mà không có các động thái mạnh khác như 'triệu đại sứ' của bên đã 'vi phạm' hay 'xâm phạm' nghiêm trọng chủ quyền để 'phản đối mạnh mẽ' và đưa ra các yêu sách của mình.

p07km3ym

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

TS. Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận thực chất việc TQ điều tàu trở lại Bãi Tư Chính.

Cũng hôm thứ Năm, 22/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận Việt Nam tham gia một cuộc tập trận quân sự lần đầu tiên tổ chức giữa Hoa Kỳ và khối Asean, hoạt động mà Việt Nam gọi là "diễn tập".

Tin tức quốc tế cũng xác nhận về thời gian tập trận chung Mỹ - ASEAN được đưa ra vào lúc đang có căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nơi Hà Nội nói là hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng nói rằng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào ngày 2/9/2019, ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam.

Tin cho hay cuộc tập trận kéo dài năm ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ, hãng tin Nhật Bản Kyodo News Service tường thuật.

Phía Mỹ theo kế hoạch sẽ đưa Đội tàu Khu trục 7, thuộc Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ, tham gia.

Căn cứ hải quân Sattahip đặt tại tỉnh Chonburi của Thái Lan sẽ là nơi mở màn.

Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa 10 thành viên của khối ASEAN với Hoa Kỳ, và có vẻ như một phần nhằm tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang có những ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, Kyodo bình luận.

Tiếp tục quan tâm

Trong một diễn biến khác, tin cho hay ngày 19/8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đại tướng David L. Goldfein, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ.

Ông David L. Goldfein đã trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.

"Trong chuyến thăm hai ngày đến Hà Nội, ông đã giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông," đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin và bình luận hôm 21/8.

Hôm 22/8, trên diễn đàn Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt, dù chủ đề bàn về Giáo dục Việt Nam vào năm học mới và Dự án cao tốc Bắc - Nam với nhà thầu gây tranh cãi, các khách mời là diễn giả bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng các nhà thầu hoặc vay vốn của Trung Quốc trong các dự án lớn, trong bối cảnh Trung Quốc 'vi phạm nghiêm trọng' và 'đe dọa nghiêm trọng' chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, như Việt Nam tuyên bố.

"Việc để cho Trung Quốc làm đường sắt Bắc - Nam thì chẳng khác gì giơ đầu ra để cho Trung Quốc, "kẻ thù" của chúng ta (Việt Nam) "đâm một nhát xuyên từ đỉnh óc xuống dưới" và rất là nguy hiểm," Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện phát biểu từ quan điểm riêng.

"Vì vậy cho nên chúng ta (VN) phải kiên quyết đối với những nhà thầu Trung Quốc, chỉ trả lời một cách rất đơn giản, giống như bà Phạm Chi Lan đã nói (...) rằng là không bao giờ có thể để cho những nhà thầu mà họ (TQ) đang là kẻ thù xâm lược chủ quyền của Việt Nam, mà lại có thể để cho họ vào làm trong công trình tối quan tr của đất nước.

"Và như vậy chúng ta nghĩ rằng là Bộ Chính trị và Quốc hội nên lắng nghe toàn bộ và dừng lại việc đề xuất dự án Đường Cao tốc Bắc - Nam, có như vậy thì nhân dân mới có thể yên tâm và có thể đồng lòng với nhà nước trong vấn đề các đối sách đối với "kẻ thù" của chúng ta (VN) hiện nay là Bắc Kinh trong việc xâm lược bãi Tư Chính, mà cho đến hiện nay sau hai tháng vẫn chưa chịu rút," nhà nghiên cứu kiêm blogger từ Hà Nội bày tỏ nhận định trên tư cách cá nhân.

Tuy nhiên, cũng tham gia chương trình Bàn Tròn của BBC hôm 22/08, TS Nghiêm Thuý Hằng từ Hà Nội đã không đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Diện, và cho rằng không nên coi TQ là kẻ thù.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn