Anh 'quan ngại sâu sắc' vụ Iran bắt tàu dầu

Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy 20195:40 SA(Xem: 4322)
Anh 'quan ngại sâu sắc' vụ Iran bắt tàu dầu
bbc.com

Anh 'quan ngại sâu sắc' vụ Iran bắt tàu dầu


File photo showing Iranian Revolutionary Guards naval vessels during a ceremony near Bandar Abbas on 2 July 2012 Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Lực lượng hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng của Iran tuần tra tại Vịnh Hormuz

Chính phủ Anh nói "quan ngại sâu sắc" về vụ bắt giữ "không thể chấp nhận được" của Iran đối với một tàu chở dầu mang cờ Anh tại Vùng Vịnh.

Hãng sở hữu tàu Stena Impero nói họ đã không thể liên lạc được với tàu. Tàu này bị bắt giữ tại Eo biển Hormuz, nơi có tuyến đường biển then chốt trong khu vực.


Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu như tình hình không được giải quyết nhanh chóng.

Iran nói con tàu đã "vi phạm các quy tắc về hàng hải quốc tế".

Một con tàu thứ hai thuộc sở hữu của Anh nhưng mang cờ Liberia, MV Mesdar, cũng đã bị các lực lượng có vũ trang lên tàu, nhưng được thả.

Chuyện gì xảy ra?

Tàu Stena Impero bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran bắt giữ hôm thứ Sáu.

Chiếc tàu dầu bị bốn tàu và một trực thăng vây trước khi tiến vào vùng biển của Iran, ông Hunt nói.

Ông nói vụ bắt giữ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", và nói "quyền tự do đi lại phải được duy trì".

"Chúng tôi đang không tìm kiếm các giải pháp quân sự," ông nói thêm. "Chúng tôi đang trông vào biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình."


Hãng thông tấn quốc doanh IRNA của Iran nói chiếc tàu dầu bị bắt sau khi đâm va với một tàu cá và không phản hồi tín hiệu từ chiếc tàu nhỏ hơn đó.

Chủ tàu Stena Impero thì nói tàu đã tuân thủ các quy định và đang trong vùng biển quốc tế thì bị áp sát.

Được biết không có thương vong gì trong số 23 thành viên thủy thủ đoàn, gồm những người mang quốc tịch Ấn Độ, Nga, Latvia và Philppines.

Nữ phát ngôn viên chính phủ Anh nói với BBC: "Chúng tôi đã khuyến cáo tàu bè Anh tạm thời tránh khỏi khu vực một thời gian."

Bối cảnh

Những diễn biến mới nhất xảy ra vào lúc quan hệ giữa Iran và Anh cùng Mỹ đang xấu đi.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran dâng cao đột ngột kể từ tháng Tư, khi Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt được tái áp với Iran sau khi Washington đơn phương rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân ký hồi 2015.

Mỹ đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công vào các tàu dầu qua lại tại vùng biển then chốt này kể từ tháng Năm. Tehran bác bỏ mọi cáo buộc.

Hôm thứ Sáu, Mỹ nói đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran tại Vùng Vịnh.

Khác với Mỹ, chính phủ Anh vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận hạt nhân, là thỏa thuận kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt.

Tuy nhiên, Anh khiến Iran tức giận sau khi Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh giúp sức trong vụ bắt giữ một tàu dầu của Iran ở ngoài khơi Gibraltar hồi đầu tháng này.

Hôm thứ Sáu, Gibraltar chuẩn thuận gia hạn 30 ngày để giới chức tiếp tục bắt giữ tàu dầu này, bị nghi là chở dầu tới cho Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Để trả đũa cho vụ bắt giữ tàu Grace 1, Iran dọa sẽ bắt giữ một tàu dầu Anh.

Một tuần sau, các tàu Iran đã tìm cách cản trở một tàu dầu Anh tại khu vực trước khi bị một tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đuổi đi, Bộ Quốc phòng Anh nói.

Iran bác bỏ việc có bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt tàu.

Kể từ đó, mức độ đe dọa đối với tàu bè Anh tại vùng biển của Iran tại Vùng Vịnh luôn ở mức "nghiêm trọng".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn