Người biểu tình Hong Kong vây kín các văn phòng chính phủ

Thứ Ba, 11 Tháng Sáu 20199:17 CH(Xem: 3571)
Người biểu tình Hong Kong vây kín các văn phòng chính phủ
Người biểu tình Hong Kong vây kín các văn phòng chính phủ

Sáng sớm 12/6, cảnh hỗn loạn đã diễn ra tại Hong Kong khi hàng ngàn người biểu tình xông vào con đường chính cạnh các văn phòng chính phủ để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa người Hong Kong tới Trung Quốc đại lục để xét xử.

Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy hàng ngàn người biểu tình tập trung tại và xung quanh đường Lung Wo , con đường huyết mạch gần văn phòng của Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyện Nga ( Carrie Lam) trong khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động cảnh báo họ ngừng xông lên.

Người biểu tình Hong Kong vây kín các văn phòng chính phủ - Ảnh 1.

Người biểu tình dựng rào sắt trước cửa trụ sở ủy ban hành chính Hong Kong để ngăn giao thông đi lại sáng 12/6.

Một số người biểu tình đã dựng rào chắn để ngăn cản giao thông ở trung tâm tài chính châu Á này mặc cho cảnh sát kêu gọi họ rút lui. Quang cảnh này lại khiến cho nhiều người liên tưởng tới cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong hồi cuối năm 2014.

Bà Carrie Lam cho biết, sẽ thúc đẩy dự luật gây tranh cãi mặc làn sóng biểu tình bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trên khắp trung tâm tài chính châu Á này.

Những người biểu tình từ khắp nơi, các tầng lớp trong xã hội Hong Kong đã bắt đầu tham gia biểu tình từ đêm qua và hàng ngàn doanh nghiệp Hong Kong sẽ cho công nhân đình công để tham gia biểu tình ngày 12/6. Đây là cuộc biểu tình chính trị lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi bàn giao từ Anh sang Trung Quốc năm 1997.

Dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong đã tạo ra sự phản đối rộng rãi khác thường trong và ngoài nước. Ngày 12/6, vòng tranh luận thứ hai giữa 70 nghị sỹ về dự luật này sẽ được diễn ra tại Hội đồng lập pháp, cơ quan lập pháp được kiểm soát bởi đa số đại biểu thân Bắc Kinh.

Bà Carrie Lam đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của công chúng và cho biết chính quyền của bà đang tạo ra những sửa đổi bổ sung cho dự luật, bao gồm bảo vệ nhân quyền .

Trong một động thái hiếm hoi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tên tuổi của Hong Kong lên tiếng cảnh báo rằng, việc thông qua luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào Hong Kong và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của nó.

Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào ngày Chủ nhật, mà các nhà tổ chức cho biết đã có hơn một triệu người xuống đường. Ngoài ra, một phản ứng dữ dội đối với dự luật dẫn độ có thể đặt ra câu hỏi về khả năng quản trị hiệu quả của Trưởng đặc khu Carrie Lam.

Đình công và di chuyển chậm

Nhằm phản đối việc thông qua dự luật dẫn độ, người dân Hong Kong kêu gọi đình công và các phương tiện giao thông di chuyển chậm vào ngày 12/6.

Hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó có các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn như HSBC, Standard Chartered, công ty kiểm toán Big Four, đều đồng ý sắp xếp công việc linh hoạt cho nhân viên đình công để tham gia vào biểu tình ngày 12/6.

Các doanh nghiệp, sinh viên, tài xế xe buýt, nhân viên xã hội, giáo viên và các nhóm khác cũng tham gia vào lời kêu gọi đình công và di chuyển chậm trong nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn dự luật. 

Bà Carrie Lam đã cảnh báo sẽ chống lại hành động cực đoan tại cuộc biểu tình mới nhất.

Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc 22 năm trước và đặc khu hành chính Hong Kong được vận hành theo chủ trương “ một nước, hai chế độ” với sự đảm bảo rằng quyền tự chủ và tự do của họ, bao gồm cả một hệ thống tư pháp độc lập, sẽ được bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều người Hong Kong cáo buộc Trung Quốc can thiệp sâu rộng kể từ đó, bao gồm cản trở cải cách dân chủ, can thiệp vào bầu cử địa phương và đứng sau sự biến mất của năm nhà văn có sách bán chạy nhất Hong Kong, những người chuyên viết chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2015.

Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc đó và trong tuần này các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết, lực lượng nước ngoài đã cố gắng gây thiệt hại cho Trung Quốc bằng cách tạo ra sự hỗn loạn về dự luật dẫn độ.

Cuộc biểu tình phản đối ngày Chủ nhật đã khiến Hong Kong rơi vào khủng hoảng chính trị , giống như cuộc biểu tình nhiều tháng ủng hộ dân chủ hồi năm 2014 nhằm gây áp lực lên chính quyền bà Carrie Lam, và những người ủng hộ chính thức của bà ở Bắc Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn