Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm đáng ngại vì chiến tranh thương mại

Thứ Bảy, 01 Tháng Sáu 20194:00 CH(Xem: 4142)
Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm đáng ngại vì chiến tranh thương mại

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 co lại với mức độ trầm trọng hơn dự đoán của thị trường, gây sức ép lên Bắc Kinh phải có biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế sau khi hứng một đón giáng mạnh từ Mỹ.

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm đáng ngại vì chiến tranh thương mại - 1

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài. (Ảnh: Reuters)

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc giảm từ 50,1 trong tháng 4 xuống 49,4 trong tháng 5, theo số liệu của tổng cục thống kê nước này. Trong cuộc khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự đoán chỉ số này chỉ xuống mức 49,9%, nhưng chỉ số thực tế còn thấp hơn. 

Được tổng hợp từ lĩnh vực bán lẻ, xuất khẩu và xây dựng, PMI của Trung Quốc trong tháng 5 xuống mức yếu đang gây lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu và khiến thêm nhiều ngân hàng trung ương phải có biện pháp hỗ trợ tiền tệ. 

Sản lượng của các nhà máy tăng với tốc độ chậm hơn vì số đơn đặt hàng mới – phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu – giảm lần đầu tiên trong 4 tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm trong 12 tháng liên tiếp. Chỉ số phụ này giảm từ 49,2 trong tháng 4 xuống 46,5 trong tháng 5, cho thấy nhu cầu mua hàng toàn cầu yếu hơn. 

“Số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm khá mạnh, cho thấy biện pháp tăng thuế gần đây nhất của ông Trump đang tác động đến nhu cầu của thị trường bên ngoài đối với hàng Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại quỹ Capital Economics. 

Không chỉ các nhà xuất khẩu Trung Quốc cảm nhận được tình hình bán hàng khó khăn, số liệu vừa công bố hôm nay cho thấy lượng đơn hàng nhập khẩu cũng giảm với tốc độ nhanh hơn, cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc giảm xuống cho dù nhà nước triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ đầu năm nay. 

Một số nhà kinh tế học cho rằng chính phủ Trung Quốc cần thêm biện pháp kích thích, có thể bằng cách giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc trong các ngân hàng và tăng chi tiêu công. 

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang nói rằng dư địa để tiếp tục nới chính sách tiền tệ đã không còn nhiều, trong khi các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro gia tăng nợ. 

Các nhà kinh tế học cho rằng Bắc Kinh nên tập trung kích thích nhu cầu trong nước và cải thiện khả năng đương đầu với những biến động của nhu cầu bên ngoài càng sớm càng tốt.

Điều tồi tệ nhất chưa đến?

Căng thẳng thương mại giữa Washington với Bắc Kinh leo thang nhanh chóng từ đầu tháng này, sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thay đổi những lời hứa trước đó về vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế. 

Washington đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, và Bắc Kinh đã đáp trả. 

Cuộc đối đầu về thuế quan này đã gây tác động tiêu cực lên tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền Trump còn đưa hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen. Động thái này được coi là một đòn giáng mạnh vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến cổ phiếu ngành công nghệ mất giá. 

Cả Mỹ và Trung Quốc có vẻ chưa ai chịu lùi bước, sau khi ông Trump dọa sẽ tăng thuế lên tất cả hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh gia tăng chỉ trích Washington rằng châm ngòi tranh chấp thương mại là “chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi”. 

Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dai Xianglong vừa nói rằng ông không kỳ vọng hai bên có thể đạt được đột phá, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp ông Trump bên lề một hội nghị cấp cao tại Nhật Bản vào tháng 6 tới.

Một số nhà phân tích lo ngại thế đối đầu Mỹ - Trung sẽ thực sự gây ra một cuộc chiến tranh công nghệ và gây thêm áp lực cho khu vực sản xuất của Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ - Trung: Ông Trump vừa dội thêm ”gáo nước lạnh” vào Trung Quốc

Việc Mỹ không cử bất cứ quan chức quân đội cấp cao hay tàu chiến tới dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn