30 năm trước, Nhật từng thương chiến với Mỹ: Từ nền kinh tế thứ 2 thế giới lâm vào "thập kỷ mất mát"

Chủ Nhật, 26 Tháng Năm 20197:49 SA(Xem: 5964)
30 năm trước, Nhật từng thương chiến với Mỹ: Từ nền kinh tế thứ 2 thế giới lâm vào "thập kỷ mất mát"

30 năm trước, Nhật từng thương chiến với Mỹ: Từ nền kinh tế thứ 2 thế giới lâm vào 'thập kỷ mất mát'


Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu chuyến công du đến Nhật Bản vào ngày 25/5 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu leo thang, người đứng đầu Nhà trắng có thể sẽ nhớ đến những căng thẳng thương mại trước đây giữa Washington và Tokyo.

Chiến tranh thương mại với Nhật Bản gần 40 năm trước

Đã có nhiều bài phân tích khuyến cáo về vấn đề "Nhật Bản hoá ở Mỹ" hay "Một trận Trân Châu Cảng về kinh tế", nhất là khi đang ngày có nhiều doanh nghiệp Nhật mua lại các công ty và bất động sản lớn tại Mỹ. Các nhà lập pháp và chuyên gia cảnh báo về tình trạng thâm hụt thương mại gia tăng giữa 2 nước, đồng thời phàn nàn về việc các công ty Nhật đang có hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ và tận dụng cơ hội từ các thoả thuận thương mại không công bằng.

Trong bài phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Morton Downey Jr." Vào năm 1989, chính ông Trump lúc đó đã phàn nàn về việc Nhật Bản đang "hút máu" nước Mỹ một cách có hệ thống.

"Đó là một vấn đề lớn, và nó đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn", ông Trump nhận định về vấn đề thâm hụt thương mại. "Và họ đang cười vào mũi chúng ta".

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đã có những sự thay đổi xảy ra. Và thay vì đe doạ vị thế của Mỹ, Nhật Bản đã bị tụt lại phía sau.

Sau khi Tổng thống Ronald Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, Mỹ bắt đầu gây sức ép lên Nhật Bản đòi hỏi nước này phải mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và giảm thâm hụt thương mại.

Trong khi Tokyo đồng ý với các biện pháp mà Mỹ đề xuất, bao gồm giới hạn lượng xe ô tô xuất khẩu sang Mỹ, đã xuất hiện nhiều lo lắng về sức mạnh thương mại của Nhật Bản, đòi hỏi phải có sự hành động.

Với việc thông qua một đạo luật đưa ra những biện pháp trả đũa thương mại mạnh mẽ đối với Nhật Bản, Nghị sĩ đảng Cộng hoà Rober Packwood, lúc đó là người đứng đầu Uỷ ban tài chính của Thượng viện Mỹ, đã cam kết sẽ buộc Nhật Bản phải đối xử công bằng với Mỹ.

30 năm trước, Nhật từng thương chiến với Mỹ: Từ nền kinh tế thứ 2 thế giới lâm vào thập kỷ mất mát - Ảnh 2.

Cả Trung Quốc và Mỹ có thể chọn bước đi sai từ bài học 40 năm trước. Ảnh: CNN.

Trong phiên điều trần của Uỷ ban tài chính vào năm 1985, Nghị sĩ đảng Dân chủ Max Baucus nói:"Reagan đã dự đoán về một tương lai trong đó thương mại sẽ là xu hướng của thế giới, và nước Mỹ sẽ là quốc gia thương mại mạnh nhất trên thế giới". Vào thời điểm đó, một nửa dự đoán của Reagan đã trở thành sự thật, khi thương mại trở thành lĩnh vực quan trọng của kinh tế thế giới, nhưng hoạt động thương mại của Mỹ tiếp tục có dấu hiệu đi xuống.

Ở thời điểm năm 1985, 5 quốc gia - Mỹ, Tây Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản, đã kí hiệp định Plaza, nhất trí giảm tỉ giá đồng Đô la so với đồng Yên và đồng Mark của Đức. Điều này đã khiến xuất khẩu của Mỹ tăng mạnh và giảm thâm hụt của nước này với các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, Hiệp định Plaza không phải là điểm cuối trong số các biện pháp của Mỹ đối với Nhật Bản. Vào năm 1987, Washington đã nâng thuế nhập khẩu lên 100% đối với số hàng hoá trị giá 300 triệu đô la của Nhật Bản, qua đó ngăn hàng hoá của nước này tiếp cận thị trường Mỹ.

Các biện pháp này nhanh chóng phát huy hiệu quả. Ngay khi đồng Yên bắt đầu tăng giá, hàng hoá Nhật Bản trở nên ngày một đắt đỏ, qua đó khiến các nước quay lưng với cường quốc thương mại một thời.

Các nỗ lực của Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản nhằm duy trì tỉ giá đồng Yên ở mức thấp đã tạo nên tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán, sự sụp đổ của thị trường này sau đó đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản vào thời kì khủng hoảng và rơi vào "1 thập kỉ mất mát".

"Tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Nhật Bản gần như ngừng lại vào nửa đầu năm 1986", 2 chuyên gia kinh tế Joshua Felman và Daniel Leigh viết trong một báo cáo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Báo cáo này kết luận trong khi Hiệp định Plaza không phải là lý do chính dẫn đến sự đảo chiều của nền kinh tế Nhật Bản, Hiệp định này đã khởi đầu cho một loạt các sự kiện, bao gồm cả những quyết sách sai lầm của Tokyo, dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế.

Lịch sử lặp lại

Một trong những hoạt động liên quan đến chính trị đầu tiên của ông Trump là những bài phát biểu phản đối chính sách kinh tế của Nhật Bản trong những năm 80 và đầu 90. Trong quãng thời gian này, ông Trump kêu gọi sử dụng thuế như một vũ khí thương mại.

Trong khi ông Trump hiện không đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ trong quá khứ đối với căng thẳng hiện nay với Trung Quốc, hiệu quả từ những biện pháp của Washington đối với Tokyo có thể sẽ tác động đến cách suy nghĩ của ông Trump trong việc đối phó với Bắc Kinh. Một trong những cố vấn thương mại chính của Tổng thống, Robert Lighthizer cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Nhật Bản trong những năm 80.

Vào năm 2011, khi ông Trump đề cập đến khả năng tranh cử tổng thống, Lighthizer đã ca ngợi quan điểm của Trump về chủ nghĩa tự do hoá thương mại.

"Biểu tượng của chủ nghĩa bảo thủ thời hiện đại, Ronald Reagan, đã áp đặt quota lên sản phẩm thép nhập khẩu, qua đó bảo vệ Harley-Davidson từ sự cạnh tranh của người Nhật, giảm nhập khẩu các thiết bị bán dẫn và xe ô tô, cũng như một loạt các biện pháp tương tự nhằm thúc đảy sự phát triển ngành công nghiệp Mỹ", Lighthizer viết.

Tuy nhiên, trong khi Lighthizer và Trump có thể rút ra những bài học từ cuộc chiến thương mại với Nhật Bản trong những năm 80, Bắc Kinh cũng có thể làm điều tương tự, và rõ ràng các nhà lãnh đạo Trung quốc sẽ không lập lại sai lầm của Tokyo trong quá khứ.

Trong một bài báo đăng vào năm ngoái, hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhận định "Nhật Bản đã phải chịu hậu quả nặng nề do không đưa ra biện pháp đối phó phù hợp" đối với Hiệp định Plaza và sức ép thương mại từ Mỹ.

Tờ này chỉ trích Mỹ đã lấy Nhật Bản để che đậy những vấn đề nội tại của nền kinh tế, khi cho rằng "xu hướng mạnh mẽ về chủ nghĩa bảo hộ" là yếu tố chính thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Plaza".

Đây là chủ đề xuyên suốt được báo chí Trung Quốc đề cập trong các bài viết liên quan đến cuộc chiến thương mại - đó là Mỹ đang tìm cách đổ lỗi cho Bắc Kinh đối với những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Bài học cho Trung Quốc 

Tất nhiên 2019 không phải là 1985, và Trung Quốc cũng không phải là Nhật Bản. Bắc Kinh hiện tại mạnh hơn Nhật Bản ở thời điểm năm 1980 cả về kinh tế và chính trị, trong khi Nhật Bản phải phụ thuộc vào Mỹ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và không muốn làm phật lòng Washington.

"Nhật Bản là mục tiêu giải quyết dễ dàng của Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản phải phụ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế và chính trị, dẫn đến việc khó có thể đàm phàn một cách cân bằng với Mỹ", các chuyên gia Alicia Garcia – Herrero và Kohei Iwahara nhận định.

"Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn để đối phó với áp lực từ Mỹ".

Rủi ro trong trường hợp này không phải là việc không rút ra được bài học trong quá khứ, mà là chọn lựa hướng đi sai lầm.

Tổng thống Trump và Lighthizer, với những kinh nghiệm có từ quá trình đối phó thương mại với Nhật Bản, có thể nghĩ rằng một chính sách tương tự sẽ khiến Trung Quốc phải thoả hiệp. Các nhà đàm phán Trung Quốc đã hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu họ tiếp tục phản kháng. Trước đó, các cuộc đàm phán đã sụp đổ khi Bắc Kinh muốn sửa đổi các điều khoản vào phút cuối.

Việc 2 bên không đi đến thống nhất đã khiến căng thẳng ngay lập tức leo thang, và kết quả là cả 2 cùng nâng thuế nhập khẩu. Một phần có thể đổ lỗi cho việc Bắc Kinh thay đổi quan điểm vào giờ chót, nhưng cũng đến từ việc Washington thiếu thiện chí trong việc đàm phán.

Cùng với đó, cách thức Trung Quốc nhìn nhận từ sự ứng xử giữa Nhật Bản và Mỹ ở thời điểm năm 80 có thể dẫn đến những bước đi sai lầm.

Vào thứ năm tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói "bất cứ thoả thuận nào hướng tới việc đạt được lợi ích cho cả 2 phía đều cần dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và một kết cục 2 bên đều có lợi". Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định điều mà các lãnh đạo Trung Quốc nhận định trường hợp "cả 2 bên cùng có lợi", nghĩa là một chiến thắng theo quan điểm của phía Trung Quốc, ngoài ra, mong muốn không lập lại sai lầm trong quá khứ của Nhật Bản có thể dẫn đến việc Bắc Kinh từ chối chấp thuận thua thiệt nhất thời để có thể đạt được một thoả thuận tốt nhất về lâu dài.

Nhật Bản đang trong thời điểm chào đón sư khởi đầu của thời đại Reiwa (Lệnh Hoà), với một Nhật hoàng mới, đây là lúc để cả Mỹ và Nhật Bản gác lại quá khứ và bắt đầu một chương mới trong quan hệ 2 nước. Các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ có lẽ nên nhìn vào bài học này, thay vì những gì đã xảy ra vào thời điểm năm 80.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn